Ông Đặng Thành Tâm: DN Việt khó vươn ra thâm nhập thị trường mới

Ông Đặng Thành Tâm: DN Việt khó vươn ra thâm nhập thị trường mới

(ĐTCK) Năm 2015 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, với việc Việt Nam tiến tới ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do và gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tham gia vào một sân chơi mới rộng hơn, đòi hỏi DN Việt ngay từ bây giờ phải có sự chuẩn bị kỹ càng, để có thể tận dụng cơ hội từ hội nhập.

Nhận diện thách thức và cơ hội

DN Việt về cơ bản có quy mô nhỏ bé và yếu về nhiều mặt, điển hình là yếu về năng lực tài chính và kinh nghiệm thương trường, công nghệ lạc hậu… Do vậy, DN Việt khó có thể vươn ra thâm nhập thị trường mới. Trong khi đó, họ cũng khó có thể giữ được sân nhà do khả năng cạnh tranh yếu, thậm chí có thể chấp nhận mất thị trường trước các DN ngoại.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức trên đây chỉ là ngắn hạn và tạm thời, còn lợi ích về dài hạn của hội nhập là rất lớn. Hội nhập giúp DN mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới với nhiều chính sách ưu đãi hơn, thủ tục dễ dàng hơn dẫn đến chi phí thấp đi.

Mặt khác, việc mở cửa thị trường cũng sẽ thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào, góp phần tăng trưởng GDP, tạo thêm công ăn việc làm, vì phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vào để sản xuất hàng xuất khẩu và họ đã có sẵn thị trường quốc tế. Các DN trong nước trước mắt có thể làm gia công cho họ và dần dần học tập công nghệ của nước ngoài và tiến tới sản xuất được sản phẩm công nghệ cao tiên tiến một cách hoàn chỉnh. Trung Quốc là một ví dụ điển hình về học tập công nghệ khi thu hút dòng vốn FDI. Đến nay, các công ty Trung Quốc đã có thể sản xuất điện thoại di động, máy tính và các thiết bị vô tuyến viễn thông có khả năng cạnh tranh với sản phẩm từ các nước tiên tiến. Nhờ đó mà sản phẩm trong nước cũng đa dạng hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn. 

Chủ động ra biển lớn

Có thể nói, sau hơn 25 năm nước ta tiến hành đổi mới và hội nhập, cộng đồng DN đã không còn xa lạ với hội nhập quốc tế. DN Việt đã học được khá nhiều bài học thành công và cả thất bại từ hội nhập. Việc tham gia nhiều FTA trong năm 2015 là một bước tiến dài hơn trong con đường hội nhập và DN Việt Nam cần phải chủ động chuẩn bị kỹ càng cho hội nhập, cho việc tham gia những sân chơi rộng hơn, với nhiều luật chơi mới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh khi thị trường được mở cửa, mỗi DN cần nghiên cứu và tự tìm cho mình một con đường đi, xây dựng kế hoạch cụ thể. Khi thâm nhập thị trường xuất khẩu mới, cũng cần liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại và đầu tư; các cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán tại nước sở tại để tìm hiểu kỹ lưỡng về tập quán, luật pháp kinh doanh tại nước đó, bởi trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, các cơ quan ngoại giao tại nước ngoài giờ đã có thêm chức năng phục vụ kinh tế, để hiểu rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn và các rào cản kỹ thuật có thể có sau khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ….

Các DN cũng cần nắm rõ lộ trình mở cửa của Việt Nam theo cam kết tại các hiệp định, để có bước chuẩn bị kịp thời, tăng sức “đề kháng”, giữ vững thị trường khi làn sóng nhà đầu tư nước ngoài ùa vào. DN Việt cũng cần nắm rõ những vấn đề như việc luân chuyển tài chính, nhân lực nội địa nhập khẩu và xuất khẩu lao động…

Tóm lại, DN Việt cần năng động đi trước, tìm hiểu những luật lệ, quy định của các hiệp định thương mại và nếu cần thì kiến nghị các cơ quan nhà nước trong quá trình đàm phán để cố gắng có được những điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất trong nước.

Tin bài liên quan