Ông Biden thắng cử, ngọt – đắng lẫn lộn cho các đồng minh nước Mỹ

Ông Biden thắng cử, ngọt – đắng lẫn lộn cho các đồng minh nước Mỹ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK)  Dù chưa có kết quả chính thức, nhưng nhiều khả năng chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng sẽ là ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Nếu điều này xảy ra, các đồng minh EU của Mỹ sẽ nếm trải cảm giác "ngọt - đắng" lẫn lộn.

Ông Donald Trump rời khỏi vị trí Tổng thống nước Mỹ bỏ lại khá nhiều hỗn độn cho các đồng minh của nước Mỹ. Trong đó, Paris, Berlin và Brussels có thể thở phào đôi chút, trước khi cảm nhận vị đắng.

Việc ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden trở thành chủ nhân của Nhà Trắng (nếu xảy ra) đồng nghĩa với việc 27 thành viên khối Liên minh châu Âu (EU) có thể tránh được 4 năm của các xung đột thương mại căng thẳng, các vụ “tấn công” vào tập đoàn đa quốc gia, cũng như những hành động “bốc đồng” khó đoán trước.

Tuy nhiên, việc ông Biden nắm quyền cũng mang tới không ít rắc rối với các đồng minh phía bên kia Đại Tây Dương, nhất là khi Thượng viện vẫn nằm trong tay phe Cộng hoà. Theo đó, ông Biden bị kìm kẹp giữa nghị viện đầy chia rẽ, có ít hơn thời gian để thực sự gắn kết với các chính sách đối ngoại.

Như vậy, các quốc gia châu Âu sẽ có thời gian ngồi lại và chờ đợi điều tiếp theo xảy ra. Dù ai là người chiến thắng, EU cũng cần phải định vị lại con đường của chính mình và bớt phụ thuộc vào nước Mỹ. Trong 4 năm qua, ông Trump giữ thái độ hoặc là thờ ơ, hoặc là gây hấn với các thành viên EU và tập trung vào việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, trong khi xoay quanh khu vực châu Á. Nếu chính quyền của ông Biden không giải quyết tốt chuyện tại chính nước nhà, khó có sự cải thiện nào trong cách ứng xử của nước Mỹ đối với EU.

Ngay từ trước khi kết quả của cuộc bầu cử được công bố, Bỉ, Pháp và Đức đều đã nhận được tiếng chuông thức tỉnh. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annergret Kramp-Karrenbauer từng gọi sự kiện bầu cử là tình huống “bùng nổ”.

Trong khi đó, việc ông Trump rời khỏi Nhà Trắng sẽ tạo nên cơ hội đặc biệc để Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi con đường của mình. Ông Macron đã từng nhiều lần nhấn mạnh đến việc nước Mỹ và Anh “rời khỏi chiến tuyến” với EU, kỳ vọng EU phải tự biết chăm lo cho bản thân mình.

Ông Trump không còn là Tổng thống Mỹ giúp ông Macron có cơ hội tốt hơn để thuyết phục các quốc gia châu Âu trở nên gắn kết, đưa một nước Đức còn ngần ngừ quay trở lại hợp tác về các mặt quốc phòng và công nghệ. Đáng chú ý, việc ông Biden phải giải quyết mớ hỗn độn tại Mỹ cũng trao cho EU thêm thời gian tự củng cố lại sức mạnh.

Cơ hội tốt nhất trong ngắn hạn của EU là việc sử dụng sức mạnh của một thị trường thống nhất với 450 triệu người để xây dựng nền kinh tế và mối quan hệ thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc. Trong tuần này, Pháp đã hối hả hơn trong việc cải cách vấn đề về thuế với các tập đoàn toàn cầu như Amazon Inc, Alphabet Inc (công ty mẹ của Google)…

Một nước Mỹ bị chia rẽ cần thời gian tự chữa lành chính mình. Đối với châu Âu, đây là thời khắc chấp nhận sẽ không thể quay trở lại với thời kỳ huy hoàng. Vấn đề hàng đầu là nâng cao sức mạnh và không lãng phí thêm thời gian.

Tin bài liên quan