Thu phí của khách hàng vay vốn từ 1,5 - 3,5% số tiền giải ngân
Bị can Nguyễn Xuân Sơn khai tại cơ quan điều tra đã sử dụng số tiền trên để chi đối nội, đối ngoại cho OceanBank và CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC), nhưng không nêu chi tiết, cụ thể.
Theo Kết luận điều tra số 44/C46-P11 ngày 20/6/2016, cuối năm 2008, PVN ký thỏa thuận với OceanBank trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Nguyễn Xuân Sơn được cử làm người đại diện vốn, tham gia HĐQT và điều hành tại OceanBank.
Bị can Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch OceanBank và bị can Sơn đã thỏa thuận với nhau rằng, với số tiền huy động được từ nhóm khách hàng dầu khí, tức các đơn vị trong PVN, OceanBank phải chi một khoản gọi là “chi phí huy động vốn” 1%/năm/tổng số tiền gửi. Khoản tiền này, bị can Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần phải trao đổi chi tiết với Hà Văn Thắm.
Khoản chi phí này từ đâu ra? Bị can Thắm và Sơn thống nhất sẽ thu phí của các khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ thông qua CTCP BSC Việt Nam. Công ty này thu chênh lệch giữa lãi suất thỏa thuận với lãi suất quy định trong các hợp đồng tín dụng đối với khách hàng vay vốn và thu chênh lệch giữa tỷ giá ngoại tệ niêm yết và tỷ giá thực tế bán cho khách hàng.
Khoản thu này, sau đó được Công ty BSC Việt Nam chi cho bị can Nguyễn Xuân Sơn.
CTCP BSC Việt Nam được thành lập năm 2008, các cổ đông đều do bị can Hà Văn Thắm nhờ đứng tên và không có vốn góp. “Nhiệm vụ” chủ yếu của công ty này là “thu phí” theo chủ trương mà bị can Thắm và bị can Sơn đã thống nhất.
Các khối kinh doanh và các chi nhánh của OceanBank phân công cán bộ đàm phán để thống nhất với khách hàng về mức lãi suất cho vay hoặc tỷ giá ngoại tệ bán ra rồi lập hợp đồng tín dụng với mức lãi suất hoặc tỷ giá thấp hơn mức thỏa thuận. Phần lãi suất và tỷ giá còn lại sẽ được hợp thức bằng hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC Việt Nam.
Trên danh nghĩa, Công ty BSC Việt Nam sẽ ký các hợp đồng dịch vụ như quản lý tài sản, tư vấn, đầu tư, cung cấp thông tin... với khách hàng theo hướng dẫn của cán bộ Ngân hàng và trả phí để được vay vốn hoặc mua ngoại tệ.
Lời khai của Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng OceanBank cho thấy, từ đầu năm 2009, các khoản tín dụng đều do Hội đồng tín dụng OceanBank phê duyệt và bị can Thắm, Sơn là thành viên của hội đồng này đã chủ trương thu phí của khách hàng vay vốn với mức từ 1,5 - 3,5% số tiền giải ngân.
Cơ quan điều tra đã thu giữ 720 hợp đồng dịch vụ của giữa Công ty BSC Việt Nam với các khách hàng. Kết quả điều tra xác định, từ 22/5/2009 đến 31/1/2012, Công ty BSC Việt Nam đã thu 70,9 tỷ đồng.
Mỗi khi bị can Sơn có nhu cầu về tiền, bị can Thắm đều chỉ đạo Lê Thị Minh Nguyệt (nguyên thành viên Ban kiểm soát OceanBank) sử dụng nguồn tiền từ Công ty BSC Việt Nam để đưa cho bị can Sơn. Tổng số tiền đã chi cho Sơn là 69,9 tỷ đồng.
Có những thời điểm, Công ty BSC Việt Nam thu phí không đủ để chi cho bị can Sơn nên bị can Thắm chỉ đạo lấy tiền của Công ty VNT (công ty của bị can Thắm) để chi. Cho đến tháng 4/2014, Công ty BSC Việt Nam vẫn còn nợ Công ty VNT gần 70 tỷ đồng.
Trả lãi ngoài từ tiền gửi của PVN
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Xuân Sơn khai: Sơn có đề nghị với Hà Văn Thắm việc OceanBank phải chi ngoài lãi hợp đồng cho PVN để huy động vốn, nhưng không nêu tỷ lệ phần trăm mà chỉ nói mức chi sẽ thấp hơn nhiều so với thị trường.
Sau đó, khi cần tiền, Sơn nhờ người thân và cấp dưới liên hệ nhận tiền cho Sơn. Sơn ước tính, số tiền đã nhận khoảng 200 tỷ đồng và giữ lại 40% (50 tỷ đồng) gửi tiết kiệm và chuyển cho Ninh Văn Quỳnh (khi đó là Kế toán trưởng của PVN) số còn lại.
Tuy nhiên, đến nay, bị can Sơn không thừa nhận việc bàn bạc, thống nhất với bị can Thắm về chủ trương thu phí; thừa nhận đã nhận 21,2 tỷ đồng và không biết nguồn tiền đã nhận từ đâu, chỉ biết đây là tiền bị can Thắm phải chi theo thỏa thuận.
Cơ quan điều tra kết luận, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2011 đến năm 2014, thủ đoạn phạm tội tinh vi, tác động xấu đến tình hình kinh tế đất nước. Bị can Nguyễn Xuân Sơn hiểu rõ sự phụ thuộc của OceanBank vào lượng tiền gửi từ PVN. Với mục đích và động cơ cá nhân, Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đề ra chủ trương thu phí trái quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho OceanBank và khách hàng số tiền 70,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị can Sơn và Thắm còn khởi xướng, thống nhất chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng PVN gửi tiền tại OceanBank vượt trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước. Việc này gây ra thiệt hại 544 tỷ đồng. Nguyễn Xuân Sơn phải chịu trách nhiệm số tiền đã nhận là 226 tỷ đồng. Với hành vi này, Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cựu Chủ tịch OceanBank đi “sân sau” rút tiền
Trong quá trình điều hành OceanBank, Hà Văn Thắm đã sử dụng thủ đoạn thành lập các công ty “sân sau”, lợi dụng chức vụ chỉ đạo cấp dưới cho vay trái quy định, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.
Tài liệu điều tra đã chỉ rõ sai phạm của Hà Văn Thắm về vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, từ tháng 8/2004 đến tháng 10/2014, Hà Văn Thắm giữ chức Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng OceanBank (sau này là Ủy ban Tín dụng và Đầu tư tài chính) ra quyết định và ký ban hành các Quyết nghị về cấp cho vay tín dụng không tuân thủ các quy định pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cấp tín dụng.
Đáng chú ý là khoản 500 tỷ đồng của OceanBank mà Hà Văn Thắm đã cho Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Thương mại Trung Dung của Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) vay.
Ngày 23/11/ 2012, ông Trần Văn Bình -Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ và Thương mại Trung Dung ký hợp đồng trung, dài hạn với OceanBank vay 500 tỷ đồng, mục đích để bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại Sân vận động Chi Lăng - TP. Đà Nẵng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay gồm phần vốn góp 250 tỷ đồng của ông Bình; quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư, xây dựng nhà ở lô đất 147 m2 và 281,5 m2 tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) và giá trị 5,8 triệu cổ phần CTCP Tập đoàn SSG.
Số tiền 500 tỷ đồng trên được Phạm Công Danh chỉ đạo mở 4 sổ tiết kiệm rồi tất toán để trả cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Hứa Thị phấn tại VNCB. Bản chất của số tiền 500 tỷ đồng là thủ đoạn nhóm Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh đã sử dụng để rút tiền. Thủ đoạn này diễn ra trong bối cảnh đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. OceanBank có kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Đại Tín và Hà Văn Thắm đã gây sức ép buộc bà Phấn - đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín bán 254 triệu cổ phần (chiếm 84,92% vốn điều lệ). Sau đó, Thắm phát hiện Đại Tín có các khoản vay lớn, dư nợ xấu nên nghĩ cách chuyển nhượng lại cổ phần cho Phạm Công Danh. Hai bên thỏa thuận, Danh sẽ trả cho Thắm 800 tỷ đồng tiền môi giới.
Cả ba tài sản đảm bảo được xác định không đủ giá trị cho khoản vay. Tính tại thời điểm giải ngân, tổng giá trị tài sản chỉ là 70,7 tỷ đồng. Một số tài sản không có tính pháp lý như vốn góp 250 tỷ đồng, thực chất ông Bình chỉ ký vào văn bản, tiền không có thật, Bình là lái xe và được Danh nhờ đứng tên giám đốc. Các lô đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa xác định vốn góp; còn số cổ phần thì chưa được niêm yết, tính thanh khoản thấp.
Quá trình điều tra cho thấy, trong nội dung báo cáo thẩm định của một số cán bộ Ngân hàng đã nêu ra các thiếu sót, có khả năng xảy ra rủi ro và không đề xuất cho vay. Do vậy, chưa đủ căn cứ những người này đồng phạm giúp sức cho Hà Văn Thắm.
Một sai phạm khác, vào tháng 5/2014, để có tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của Dự án Star City Westlake giữa 9 cá nhân do Thắm chỉ định với Công ty Viptour - Toghi làm chủ đầu tư. Bất chấp việc hồ sơ không đủ điều kiện và bị trả lại, Thắm vẫn đồng ý cho vay. Số tiền giải ngân của 9 hợp đồng là 137,8 tỷ đồng, sau đó chuyển sang tài khoản của Thắm để trả nợ cho các khoản vay khác.
Hà Văn Thắm còn có sai phạm thẩm định, phê duyệt, giải ngân, kiểm tra sau cho vay đối với nhiều doanh nghiệp, đến nay, nợ nhóm 5 tại OceanBank khoảng 4.935 tỷ đồng và nợ khó có khả năng thu hồi là 9.048 tỷ đồng. Cơ quan điều tra phối hợp với Đoàn giám định của Ngân hàng Nhà nước rà soát đánh giá tình trạng toàn bộ khoản nợ xấu. Đoàn giám định xác định, hậu quả đối với 8 hồ sơ của 8 khách hàng đến ngày 31/3/2016 là 2.652 tỷ đồng.
Do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra tách các hành vi, tiếp tục điều tra mở rộng vào giai đoạn 2 của vụ án.
Vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I/2017. Trong đó, vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại OceanBank.