Oceanbank mắc mớ vụ kiện đất tại Bình Thuận

Oceanbank mắc mớ vụ kiện đất tại Bình Thuận

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán số ra ngày 16/8/2017 đã phản ánh vụ kiện tranh chấp giữa Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) và Công ty TNHH MTV Mika liên quan đến dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa Thăng Long Hà Nội. Mới đây, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã tuyên bản án phúc thẩm giải quyết vướng mắc tồn tại nhiều năm nay.

Cam kết ba bên

Vụ việc diễn ra từ thời điểm ông Hà Văn Thắm còn là Chủ tịch HĐQT Oceanbank. Chủ đầu tư dự án ban đầu là Công ty cổ phần Bệnh viện - Nghỉ dưỡng - Du lịch Việt Nam (VHST), sau đổi thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Phú Hài. Tiếp đó, dự án có thêm sự tham gia của Công ty cổ phần Đầu tư và tư vấn Liên Việt và Công ty TNHH MTV Mika.

Theo hồ sơ, năm 2007, VHST ký hợp đồng vay hơn 30 tỷ đồng của Oceanbank nhằm mục đích nộp tiền chuyển quyền sử dụng 39.166 m2 đất tại phường Phú Hài (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) làm dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp du lịch. Oceanbank đã giải ngân 21,3 tỷ đồng. Số tiền được chuyển vào Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận. Tài sản đảm bảo gồm nhà đất của ông Đặng Cao Sơn (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) có giá trị hơn 6 tỷ đồng.

Năm 2008, VHST được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 39.166 m2 đất, thời hạn 50 năm. Ngay sau đó, VHST thế chấp giấy tờ trên bảo đảm nghĩa vụ còn lại của khoản vay là 14,9 tỷ đồng.

Thời điểm đó, do thị trường bất động sản khó khăn, Oceanbank đã tạm ngừng việc giải ngân. Đến năm 2010, Oceanbank khởi kiện ra Tòa án nhân dân Tỉnh Bình Thuận đòi nợ gốc và lãi của VHST. Ngày 26/8/2010, tòa án ra quyết định (Quyết định số 08) công nhận thỏa thuận của các bên.

Theo đó, VHST cam kết trả nợ trong 3 tháng, tính từ ngày 17/8/2010. Hết thời hạn này, VHST không thực hiện việc trả nợ và Oceanbank có quyền xử lý 2 tài sản đảm bảo là nhà đất của ông Đặng Cao Sơn và quyền sử dụng 39.166 m2 đất.

Đáng chú ý, vào ngày 11/11/2010 (tức là vẫn trong thời hạn trả nợ), Oceanbank ra quyết nghị (Quyết nghị 374) về việc chuyển quyền sử dụng 39.166 m2 đất từ VHST sang pháp nhân mới là Công ty Phú Hài. Oceanbank cấp tín dụng cho Công ty Liên Việt nhận chuyển nhượng cổ phần và quyền góp cổ phần của Công ty Phú Hài để tiếp tục đầu tư vào dự án.

Tài sản đảm bảo gồm toàn bộ giá trị cổ phần và quyền góp vốn của Công ty Phú Hài, các quyền nghĩa vụ phát sinh từ các cổ phần, quyền góp vốn nhận chuyển nhượng. Tài sản bảm đảm bổ sung là nhà đất của ông Đặng Cao Sơn. Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm cho khoản vay thì tài sản bảo đảm bổ sung sẽ được giải tỏa, tức là Oceanbank sẽ giải chấp tài sản là nhà đất của ông Sơn.

Triển khai quyết định trên, Công ty Phú Hài và Công ty Liên Việt ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Oceanbank giải ngân 9,4 tỷ đồng cho Công ty Liên Việt.  Năm 2012, gia đình ông Đặng Cao Sơn ký hợp đồng thế chấp sửa đổi tăng nghĩa vụ từ hơn 6 tỷ đồng thành bảo đảm toàn bộ nghĩa vụ của VHST.

Ngày 15/6/2012, Công ty Liên Việt rút khỏi dự án để Công ty Mika “thế chân”. Vài ngày sau, Oceanbank tiếp tục giải ngân cho Công ty Mika số tiền 13,6 tỷ đồng. Năm 2013, Công ty Phú Hài ký 2 hợp đồng thế chấp quyền sử dụng 39.166 m2 đất bảo đảm toàn bộ nghĩa vụ của VHST và Công ty Mika.

Ngân hàng bội tín?

Quyết định số 08 của Tòa án nhân dân Tỉnh Bình Thuận có hiệu lực từ năm 2010. Nếu ngân hàng xử lý các tài sản bảo đảm thì sẽ không dẫn đến tranh chấp sau này. Thậm chí, ngân hàng đã đặt ra các thỏa thuận, điều kiện mới.

Đại diện VHST cho biết, Oceanbank đã nhận thấy lợi thế về vị trí của lô đất 39.166 m2 nên chỉ định nhà đầu tư là Công ty Liên Việt và Công ty Mika cùng góp vốn và tham gia quyền thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết của ngân hàng, ngược lại Oceanbank không giải ngân đầy đủ.

Cụ thể, năm 2007, Oceanbank mới giải ngân 21 tỷ đồng, còn thiếu 9 tỷ đồng. Việc này gây khó khăn cho VHST trong việc đầu tư hạ tầng dự án để hình thành tài sản trên đất nhằm kinh doanh và bán tài sản cho các nhà đầu tư thứ cấp để có vốn hoàn thành dự án. Khi đưa Công ty Mika vào, Oceanbank cam kết tài trợ cấp tín dụng cho dự án 80 tỷ đồng, nhưng cũng “bội tín”. Do chậm triển khai dự án, tháng 4/2017, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định thu hồi diện tích đất trên.

Giải chấp tài sản bên thứ ba

Vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết bởi doanh nghiệp cuối cùng tham gia giao kết hợp đồng tín dụng là Công ty Mika không trả được nợ. Ngân hàng còn bấu víu vào tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất diện tích 39.166 m2 và nhà đất của ông Đặng Cao Sơn. Vụ việc tranh chấp liên quan chủ yếu đến tài sản của bên thứ ba. Thực tế, Quyết nghị 374 của Oceanbank cho thấy, Ngân hàng sẽ giải chấp tài sản của bên thứ ba nếu các thủ tục công chứng được hoàn thành.

Tuy nhiên, Oceanbank lập luận, Quyết nghị 374 là tài liệu nội bộ, giải quyết thủ tục tín dụng cho Công ty Liên Việt, chỉ có giá trị khi được thông báo đến các bên và cam kết về giải chấp tài sản của ông Đặng Cao Sơn là cho Công ty Liên Việt, không phải cho VHST. Oceanbank nhiều lần đề nghị cơ quan thi hành Quyết định 08 của Tòa án nhân dân Tỉnh Bình Thuận.

Tòa án nhận định, việc Oceanbank công nhận các diễn biến sau Quyết nghị 374 cho thấy, các nội dung và điều kiện đặt ra đều được các bên triển khai thực hiện. Hơn nữa, với các tài liệu ngân hàng xuất trình, khi Quyết định 08 còn thời hiệu thi hành, Oceanbank cũng không chứng minh được điều kiện thụ lý.

Đến năm 2012, Oceanbank tiếp tục nộp đơn xin thi hành phát mại tài sản, nhưng khi đó đã quá thời hiệu. Đến nay, Oceanbank vẫn chưa được thụ lý đơn thư. Tòa án cho rằng, điều này thể hiện khi còn thời hiệu, cơ quan thi hành án đã xem xét các điều kiện thi hành án liên quan đến các diễn biến trên.

Bản án sơ thẩm năm 2016 của Tòa án nhân dân Quận Hai Bà Trưng đã tuyên buộc Công ty Mika phải trả nợ gốc và lãi cho Oceanbank số tiền gần 25 tỷ đồng. Trường hợp Công ty Mika không trả được nợ, Oceanbank có quyền yêu cầu thi hành án phát mại tài sản là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty Mika và Công ty Liên Việt, cùng với quyền sử dụng 39.166 m2 đất. Tòa án cũng tuyên buộc Oceanbank phải trả lại sổ đỏ nhà đất của gia đình ông Đặng Cao Sơn.

Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm - Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Ông Mạc Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Hài, đồng thời là Tổng giám đốc VHST, cũng đề nghị Oceanbank giải chấp và trả tài sản cho gia đình ông Đặng Cao Sơn.

Trong văn bản gửi Oceanbank ngày 29/9/2017, ông Mạc Anh Tuấn nhắc đến quyết định thu hồi 39.166 m2 đất của UBND tỉnh Bình Thuận hồi tháng 4/2017. Ông Tuấn cho biết, công ty đã khiếu nại quyết định trên và đang yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc. Lý do là bởi khu đất đã được doanh nghiệp mua đấu giá và trả toàn bộ tiền cho thời hạn 50 năm, tính từ năm 2008.

“Trong vụ việc này, chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết theo hướng khách quan nhất. Tức là khu đất diện tích 39.166 m2 sẽ tiếp tục do chúng tôi sở hữu và triển khai dự án”, ông Tuấn cho hay.

Tin bài liên quan