OCB tái định vị thương hiệu thời khủng hoảng

OCB tái định vị thương hiệu thời khủng hoảng

(ĐTCK) Ngày 7/5/2013, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã tổ chức lễ công bố Hệ thống nhận diện thương hiệu mới, với chủ đề “Phương Đông bừng sáng”. Nhân dịp này, Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB.

OCB tái định vị thương hiệu thời khủng hoảng ảnh 1Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB công bố Hệ thống nhận diện thương hiệu mới từ ngày 7/5/21013

Tình hình kinh tế đang ở trong giai đoạn rất khó khăn, các doanh nghiệp đang tìm cách cắt giảm chi phí, tái cấu trúc bộ máy cho gọn nhẹ… Tại sao Ngân hàng Phương Đông lại bỏ ra khoản tiền không nhỏ để tái định vị thương hiệu?

OCB đã trải qua chặng đường 17 năm hoạt động và phát triển, đến nay, quy mô hoạt động cũng như năng lực tài chính của OCB đã tăng lên đáng kể: tổng tài sản đạt gần 30.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu gần 4.000 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động gần 100 điểm hiện diện ở hầu hết các thành phố kinh tế trọng điểm trên toàn quốc. OCB đã khẳng định được vị thế, uy tín trên thị trường tài chính và là 1 trong 8 ngân hàng được công nhận “Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2012”. Chúng tôi nỗ lực hết mình để thực thi chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2015, đưa OCB trở thành ngân hàng đa năng dẫn đầu về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Thời gian qua, OCB đã đẩy mạnh triển khai những chủ đề chiến lược quan trọng; trong đó, có chiến lược thương hiệu và việc thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu để phù hợp với định vị giá trị mới vào thời điểm này là thích hợp với OCB.

 

Thưa ông, việc thay đổi logo và bộ nhận diện thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp phát triển được thương hiệu của mình?

Nói vậy là không đầy đủ, để xây dựng và phát triển thương hiệu, chúng tôi không chỉ kiến tạo cho OCB một bộ áo mới (logo và hệ thống nhận diện thương hiệu), mà quan trọng hơn, thời gian qua, OCB đã tập trung củng cố nội lực, triển khai các dự án trọng điểm củng cố nền tảng cho sự phát triển bền vững từ tái cấu trúc mô hình tổ chức theo hướng hiện đại, gọn nhẹ, quản trị được rủi ro tốt hơn đến các dự án về công nghệ thông tin, để chúng tôi có thể quản trị cùng kinh doanh theo thông lệ quốc tế cũng như phát triển được các sản phẩm phù hợp, phục vụ khách hàng bằng internet banking, mobile banking, hệ thống ATM độc lập… Đồng thời, OCB triển khai chiến lược nhân sự một cách quyết liệt, chú trọng tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, bổ nhiệm và cơ cấu đội ngũ nhân sự, từ nhân viên đến các cấp quản lý, đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt. Hàng loạt dự án về quản trị rủi ro, hỗ trợ, phát triển kinh doanh của khách hàng cá nhân cũng như khách hàng doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ. OCB có thể tự tin công bố “bộ áo mới”, với một tâm thế mới, nội lực mới sẽ mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

 

OCB tái định vị thương hiệu thời khủng hoảng ảnh 2Không chỉ kiến tạo một bộ áo mới, quan trọng hơn, OCB đã tập trung củng cố nội lực

 

Theo ông, những đặc điểm nào sẽ khiến cho logo OCB luôn nổi bật giữa hàng loạt hệ thống nhận diện của những ngân hàng khác?

Tôi nghĩ, mỗi thương hiệu đều có những đặc tính, tính cách khác nhau, nên mỗi logo hay bộ nhận diện thương hiệu cũng có đặc tính khác nhau. Chúng tôi tâm đắc với hình ảnh mới của logo OCB, bởi sự kết hợp hài hòa có tính kế thừa, kết hợp với các yếu tố sáng tạo hài hòa để tăng thêm sự mạnh mẽ, năng động và tính thân thiện cho thương hiệu. Phần biểu tượng hình vẫn lấy ý tưởng từ đồng tiền cổ và khái niệm vuông - tròn biểu trưng cho sự hài hòa của trời và đất, kết hợp thêm đường nét tinh tế vòng tròn lưỡng nghi (âm dương) trong văn hóa Phương Đông. Logo mới còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa 4 mảnh ghép và một hình vuông vị trí trung tâm, tượng trưng cho 5 giá trị cốt lõi của OCB: Tốc độ - Sáng tạo - Chuyên nghiệp -­Thân thiện - Khách hàng là trọng tâm. Logo sử dụng 2 màu: màu vàng nhũ ngoài việc tượng trưng cho tiền tệ, sự thịnh vượng và sung túc, còn giúp liên tưởng đến hình ảnh mặt trời phương Đông đang vươn lên và lan tỏa những tia nắng vàng, như hình ảnh của Ngân hàng Phương Đông đang không ngừng phát triển mỗi ngày và góp phần lan tỏa sự thịnh vượng đến cộng đồng. Trong khi đó, màu xanh lá cây của chữ lại thể hiện được sức sống, sự trẻ trung, hiện đại và mong muốn phát triển của OCB. Đây cũng là yếu tố tăng thêm cảm giác thân thiện, gần gũi và tin tưởng của khách hàng dành cho các dịch vụ của OCB. 

 

Cả hệ thống nhận diện thương hiệu mới và nội dung của TVC vừa được ra mắt đều mang hình ảnh trẻ trung, năng động và có cảm xúc , ông có thể chia sẻ thêm về thông điệp ý nghĩa TVC mà OCB muốn truyền tải là gì thưa ông?                  

Ngân hàng chúng tôi có tên Phương Đông. Vì vậy, khi thực hiện TVC, chúng tôi chọn thời điểm mặt trời mọc để nói về sự khởi đầu cho chặng đường phát triển mới. OCB với tâm thế mới, hình ảnh mới, định vị mới, gia tăng giá trị cho khách hàng, nhà đầu tư, CBNV và cộng đồng. Chúng tôi mong muốn khách hàng khi đến với OCB luôn được thoải mái với tinh thần “một ngày mới đã đến”. TVC của OCB được định hướng sáng tạo theo dạng cảm xúc (không theo xu hướng chức năng mà nhiều TVC khác đang quảng cáo trên thị trường) với bài hát chủ đạo “Reo vang bình minh”, gắn liền với tuổi thơ của mỗi người Việt Nam , thể hiện một OCB thân thiện, gần gũi. TVC mang đến cho người xem một tinh thần phấn chấn, lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, liên tưởng đến Ngân hàng Phương Đông - niềm tin và thịnh vượng

 

Bên cạnh việc đưa hàng loạt các sản phẩm dịch vụ nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng, OCB còn cam kết “đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội”. Nhân sự kiện ra mắt Hệ thống nhận diện thương hiệu mới, OCB chính thức công bố chiến dịch hành động chủ đề “Vì một tương lai Xanh”, với các chương trình truyền thông, chuỗi hoạt động thiết thực và ý nghĩa, góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường xanh cho cộng đồng. Đây sẽ là chủ đề được OCB triển khai đồng bộ và liên tục từ bên trong tập thể CBNV, sản phẩm dịch vụ của OCB đến các chương trình OCB phối hợp cùng các cơ quan ban ngành, các cơ quan truyền thông, các tổ chức và cá nhân trong xã hội như: Bộ Tài nguyên & Môi trường, Trung ương Đoàn, các đài truyền hình, Báo Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Việt Nam, cộng đồng mạng,... xuyên suốt hành trình phát triển, góp phần đưa thương hiệu OCB đến gần với công chúng, được công chúng tin, yêu.