"Oằn lưng'"chịu giá xăng dầu!

"Oằn lưng'"chịu giá xăng dầu!

Việc Bộ Tài chính khẳng định chưa giảm giá xăng dầu đã khiến người tiêu dùng thất vọng vì giữa lúc giá xăng thế giới liên tục giảm, xăng dầu trong nước vẫn đứng yên...

Cùng với việc giữ giá xăng, Bộ Tài chính "an ủi" người tiêu dùng bằng lời hứa công khai cách tính giá, các khoản thuế, phí, giá nhập khẩu và các khoản lỗ lãi... với mong muốn người tiêu dùng hiểu cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Nhưng, liệu việc công khai thời điểm này người tiêu dùng có quan tâm, khi điều họ mong đợi nhất là giá xăng sẽ giảm để công bằng như khi giá thế giới tăng, họ đã phải oằn lưng gánh mức tăng liên tục.

 

Nhìn lại giá xăng dầu để thấy rằng, người tiêu dùng đã phải nhẫn nhịn chịu sự vô lý. Lần tăng giá bán lẻ gần nhất từ ngày 29/3. Tại thời điểm ấy, người tiêu dùng đang đối mặt với cơn sốt giá hàng hóa, Bộ Tài chính bất ngờ tăng giá bán lẻ xăng dầu. Với mức tăng 2.000 đồng (chỉ cách mức tăng trước đó 1 tháng với gần 3.000 đồng một lít) đã đưa xăng A92 lên kỷ lục mới: 21.300 đồng. Theo quy luật thị trường, giá xăng dầu thành phẩm theo giá dầu thô thế giới. Nhưng giá dầu thô đã giảm tới trên 20 - 22 USD một thùng so với cuối tháng 3, thời điểm xăng A92 được bán với giá 21.300 đồng.

   

Ngày 11/8, trước ngày Bộ Tài chính khẳng định không giảm giá xăng, dầu thô thế giới chỉ còn 81 USD một thùng. Tại thị trường nhập khẩu chính là Singapore, đầu tháng 8 đến nay, giá xăng A92 cũng đã giảm gần 13,6 USD. Với mức giảm này, mỗi lít xăng nhập khẩu giảm được 1.780 đồng. Tuy nhiên, giá bán lẻ vẫn được giữ nguyên. Chuyện không giảm giá, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp còn lỗ 500-600 đồng mỗi lít. Thế nhưng tại lần tăng giá tháng 3, cũng chính Bộ Tài chính khẳng định, các doanh nghiệp đã bù đắp được chi phí và hết lỗ.

 

Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào ba yếu tố là giá thế giới, thuế, tỷ giá. Nhưng tỷ giá đang ổn định, giá thế giới giảm mạnh, thuế vẫn giữ nguyên nhưng doanh nghiệp vẫn kêu lỗ. Một điều đáng chú ý nữa là ngoài lý do muôn thuở kêu lỗ, lý do không giảm giá được doanh nghiệp đưa ra là dù giá thế giới giảm nhưng vẫn phải bán xăng dầu nhập trước đó với giá cao (vì chu kỳ 30 ngày dự trữ) nên không giảm ngay được. Nhưng thực tế, giá thế giới đã giảm khá lâu, khá mạnh từ tháng 6. Nghĩa là lý do "hàng tồn giá cao" không chính đáng, nhưng ngành xăng dầu vẫn không chịu giảm giá. Trong khi giá thế giới tăng, ngành này lại "lờ" chuyện bán xăng dầu tồn nhập với giá rẻ trước đó và tăng theo.

 

Lỗ lãi của xăng dầu, Bộ Công Thương nói một đằng, Bộ Tài chính nói một nẻo, doanh nghiệp có cách lý giải riêng. Đáng buồn là các cơ quan quản lý luôn kêu gọi để xăng dầu vận hành theo thị trường, nhưng thị trường thế giới tăng, giá bán lẻ trong nước tăng ngay, tăng cả trong đêm khiến người tiêu dùng bất ngờ. Thậm chí để được tăng giá, doanh nghiệp cùng làm eo, đóng cửa, dừng kinh doanh, dồn người tiêu dùng vào thế khó. Nhưng khi giá thị trường giảm, doanh nghiệp lại lờ chuyện giảm giá. Không chỉ vậy, khi giá tăng, dư luận được chủ động thông tin để đón nhận chuyện tăng giá, còn khi giá thế giới giảm mạnh, tất cả đều... im lặng.

 

Mọi chuyện nằm ở cơ chế độc quyền. Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân... Xăng dầu tăng kéo mọi thứ tăng, và ngược lại. Chủ phủ đang kiềm chế lạm phát và kiềm giá cả thị trường thì không lý gì để xăng tăng giá.