Những năm gần đây, khi đi công tác xa, tôi ít khi được đi ô tô khách như hồi xưa. Giao thông hàng không phát triển khiến cho việc đi lại dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng hơn nhiều. Nếu trước, để đi từ Hà Nội vào TP.HCM phải mất trên 30h ngồi ô tô thì nay, tính cả thời gian check-in, thời gian bay, ước chừng chỉ khoảng 4h. Thời gian được rút ngắn gần 8 lần, có lẽ cũng tỷ lệ thuận với cảm xúc và trải nghiệm của cuộc hành trình. Thú thực, với cá nhân người viết, nếu rảnh rang, đi ô tô vẫn có cái thú vị riêng.
Sau những hào hứng của những lần mới đi máy bay, anh bạn tôi than: “Đẻ ra cái máy bay cũng hay, nhưng lắm lúc chỉ thích có phương tiện duy nhất là ô tô thì cung đường đi trải nghiệm hơn nhiều. Giờ, cứ leo lên tầu bay, "piu" một cái, thấy dính lưng vào ghế, chợp mắt ba lần là từ Bắc đã đến Nam. Nhạt thếch!”.
Nhưng đó là xu hướng trong thời buổi công nghệ và thời gian là thứ eo hẹp, xa xỉ với nhiều người. Đến cả đồ ăn người ta còn có xu hướng chuyển sang fastfood, nói gì đến vận tải. Tôi nghĩ vậy. Và hàng không dù sao đi nữa, vẫn là giải pháp di chuyển ưu việt với rất nhiều người.
Đường sắt qua đèo hải vân nhìn từ đường ô tô.
Tôi còn nhớ mãi những năm đầu đi làm, cứ mỗi bận công tác Bắc - Nam là háo hức lắm. Ra bến, hỏi xe, đặt vé, rồi vác ba lô con cóc lên đường. Hồi những năm 2003 - 2004 thì máy bay còn là điều hết sức lạ lẫm. Và quan trọng hơn, đó là dịch vụ dành cho những người nhiều tiền. Phóng viên nghèo, cấp bậc lẹt đẹt rõ ràng… không đủ tiêu chuẩn.
Đi ô tô cũng lắm cái khoái hơn. Qua mỗi tỉnh lại biết thêm một vài điều mới lạ. Đặc biệt, kiến thức địa lý cũng theo vòng quay của cái bánh xe mà đầy đặn hơn nhiều. Nhờ những chuyến như thế, tôi có thể đọc vanh vách tên tỉnh nọ tỉnh kia, kể cũng thấy tự hào ra phết.
Rồi thích nữa là những độ vượt đèo. Đi ô tô thì sướng phải biết.
Lại nói chuyện đổ đèo bằng xe khách. Khoái tỷ vô cùng, cứ mở nhẹ cửa kính ra mà ngắm rừng, ngắm biển, gió mát lịm tim. Rồi thi thoảng có lúc lại sợ suýt "quấn cả ra đài". Nhất là chỗ mấy khúc cua nguy hiểm, thấy cái miếu nhỏ với cái bát hương lạnh lẽo. Ai đã từng dọc ngang Nam - Bắc và lại qua đèo Hải Vân, chắc hẳn chẳng lạ lẫm gì với hình ảnh này.
Rồi còn những con đèo, có đận xe ô tô khách tôi đi đến đèo Cổ Mã (Khánh Hòa) thì gặp chiếc xe container chết máy, cả đoàn cứ phải ngẩn ngơ, thơ thẩn nghe gió gào, gió hú. Kể mất thời gian nhưng cảm giác cũng khá thú vị vì tôi vốn không vội. Nhảy đại vào cái quán ven đường nghe dân tình kể chuyện, hút một vài điếu thuốc, chiêu chén trà... Bữa đó, xe dừng đâu mất hơn 3h đồng hồ, và trong khi nhiều người tỏ rõ sự mệt mỏi và khó chịu thì tôi lại lân la trò chuyện và biết được bao điều mới, theo kiểu tìm hiểu về văn hóa vùng miền ấy.
Đi ô tô vượt đèo đem lại nhiều cảm giác cho hành khách.
Rồi các cung đèo khác của những lần lọ mọ từ Tây Nguyên xuống duyên hải như đèo Phượng Hoàng (Đăk Lăk - Khánh Hòa), đèo Cả (Phú Yên - Khánh Hòa) khi đi Bắc - Nam, rồi còn đèo Cù Mông, cù ti gì nữa, nhiều lắm, sướng lắm.
Đèo gây ấn tượng trong tôi nhất có lẽ là đèo Ngang, phần vì bài thơ của bà Huyện, phần vì đó là cái đèo đầu tiên từ Bắc vào Nam cho ra hồn cái đèo một tý.
Lại thêm ở đèo Ngang, lần đầu tôi thấy biển. Với tôi, đó là cảm giác không thể quên khi thấy mênh mông nước muối tung bọt trắng.
Đến đoạn này bạn đọc nào ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đừng giận, tôi không có ý gì, chỉ là một đoạn kỷ niệm.
Bữa đó, đến đèo Ngang, một bác trung niên trên xe hài hước với những người xung quanh: Tôi đố các bác, đèo Ngang còn có tên gì khác?
Một nửa là im re vì chẳng hề biết gì về thông tin này, một nửa thì đoán già, đoán non nhưng có vẻ sai bét. Cuối cùng, bác này mới bảo, đèo Ngang giờ có hai tên. Người ta phân ra, nửa đàng ngoài Hà Tĩnh là Đèo Ngang (tức là đang nghèo), còn nửa đàng trong, đằng Quảng Bình người ta gọi là đèo Nghếch (tức là đếch nghèo)…
Giờ, đèo là thứ xa xỉ, đi từ Hà Nội vào TP.HCM toàn hầm là hầm, cảm giác hồi hộp cũng không còn mấy, niềm sung sướng mất đâu, cảm giác như bị đánh cắp.
Lại nhắc chuyện những năm 2000, đi Bắc - Nam là cứ phải chịu trận "cơm tù".
Tôi còn nhớ, khi chiếc xe khách vừa tấp vào quán, các cánh cổng, rào sắt B40 cao lừng lững sẽ được kéo lại, quây kín, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Khách khứa cả xe chỉ đành chấp nhận ăn cơm giá cao, không ăn thì đói, nặng hơn còn bị… ăn đòn. Ngày đó, "cơm tù" là vấn nạn mà những người đi xe khách phần đa phải chịu.
Tôi may mắn hơn, vẫn là điểm "cơm tù", vẫn đi chung xe đó, nhưng trước khi đi, có người nhà dặn trước, thế là khi ra bến, tôi đóng thêm luôn tiền ăn cho nhà xe (hình như 150.000 đồng).
Ngày đó, cánh lái xe có vai vế, oai oách lắm. Có phòng ăn riêng, rượu thịt ê hề, các quán cơm coi như thượng đế. Và quan trọng hơn, có một lệ bất thành văn là nhà xe được bao thêm chừng 5 - 6 suất ăn, lý do là con em, người nhà gì đó. Tiền nhà xe thu, khách đóng được ăn ngon, không lo bị hành hung, phân biệt đối xử. Nhưng nhìn chung, "cơm tù" vẫn là một trải nghiệm, có lẽ là duy nhất không nên có trong các chuyến đi Bắc - Nam ngày đó.