Tăng vốn: Ngoại áp đảo nội
Ngày 13/8/2018, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phân phối toàn bộ 34.468.182 cổ phần do Yuanta Securities (Hong Kong) Company Limited và cổ đông Nguyễn Thị Minh Đức không đăng ký mua trong đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông nhận quyền mua là Yuanta Securities Asia Financial Sevices Limited.
Phương án này nếu được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, Yuanta Việt Nam sẽ hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ thêm 700 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
Hiện, thị trường chứng khoán có 17 công ty có quy mô vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên (bao gồm CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín – SBS, có vốn điều lệ lớn nhưng quy mô vốn chủ sở hữu thấp do thua lỗ quá khứ).
Với việc tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, khi hoàn tất, Yuanta Việt Nam sẽ đáp ứng được điều kiện về quy mô vốn điều lệ để triển khai cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh.
Tăng vốn gấp hơn 3 lần quy mô hiện tại, nhưng Yuanta Việt Nam vẫn chưa phải là công ty chứng khoán có tốc độ tăng vốn mạnh nhất trong thời gian gần đây. Vị trí này thuộc về Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) – MASVN.
Trong năm 2017, MASVN đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Ở quy mô này, vốn điều lệ của MASVN chỉ đứng sau ba doanh nghiệp là: Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) – hơn 5.000 tỷ đồng; Công ty cổ phần Chứng khoán VN Direct (VND) – hơn 2.204 tỷ đồng và Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) - 2.120 tỷ đồng.
Mặc dù nhanh chóng vươn lên vị thế rất cao về quy mô hoạt động, Mirae Asset Securites Limited (Hồng Kông) – chủ sở hữu của MASVN vẫn tiếp tục thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường ở Việt Nam, khi tiếp tục thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng (thêm 2.300 tỷ đồng so với quy mô hiện nay).
Nếu thực hiện xong phương án này, MASVN chỉ thua SSI về quy mô vốn điều lệ và đẩy khoảng cách của mình khá xa so với các công ty chứng khoán còn lại.
Trước đó, một công ty chứng khoán có vốn ngoại khác là Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cũng thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 784 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên hơn 1.897 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam đã tăng vốn điều lệ thêm 666,6 tỷ đồng, lên mức 812 tỷ đồng. “Tân binh” của nhóm công ty chứng khoán ngoại là Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng bày tỏ tham vọng sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 1.000 tỷ đồng trong thời gian tới.
Trong khi các công ty chứng khoán ngoại tăng vốn ồ ạt ở quy mô lớn thì các công ty chứng khoán trong nước dù chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh khi quy mô thị trường ngày một lớn, song kế hoạch đưa ra ở mức thấp hơn rất nhiều và bước tăng vốn có phần thận trọng.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) trong năm vừa qua đã tăng vốn 1 lần từ mức 1.000 tỷ đồng lên mức 1.053,956 tỷ đồng thông qua hoán đổi cổ phần để “về chung nhà” với SHBS - công ty chứng khoán chung ngân hàng mẹ SHB.
Đến nay, kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2 gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 4:1 và phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 3:2 để nâng vốn điều lệ lên trên 2.000 tỷ đồng vẫn chưa được công ty này thực hiện.
Công ty chứng khoán nội khác có kế hoạch tăng vốn khủng là Công ty cổ phần Chứng khoán Artex (ART), cũng có tham vọng nâng vốn điều lệ lên mức 1.460 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty vẫn đang trong giai đoạn chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Sẽ “lấn sân” doanh nghiệp nội?
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Mirae Asset Việt Nam đã tăng quy mô cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ lên tới 1.835 tỷ đồng ở thời điểm 30/6/2018.
Con số này cho thấy sự tăng trưởng rất mạnh trong mảng môi giới và dịch vụ tài chính khách hàng (margin) của Công ty, khi đầu năm 2017, cho vay margin của Mirae Asset Việt Nam chỉ đạt 273 tỷ đồng và vào cuối quý III/2017 là 787,79 tỷ đồng.
Tham vọng của Mirae Asset Việt Nam có lẽ không dừng lại ở tăng trưởng, mà cả nâng cao vị thế của Công ty, khi phương án tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng được tiếp tục thông qua.
Riêng vốn điều lệ tăng mạnh đã là một yếu tố để Công ty nâng cao sức cạnh tranh so với các đối thủ còn lại. Ngoài ra, Công ty còn có một dư địa tăng trưởng lớn không kém, khi nhận được cam kết tài trợ vốn từ tập đoàn mẹ tại Hàn Quốc.
Lợi thế vốn giá rẻ, quy mô vốn lớn, cộng thêm thế mạnh từ công nghệ và quản trị, Mirae Asset Việt Nam cũng giống như nhiều công ty chứng khoán ngoại có cổ đông mẹ là các tập đoàn tài chính lớn ở các nước phát triển, đang có thế mạnh vượt trội về nền tảng hoạt động.
Trong thông cáo báo chí phát đi tuần qua sau sự kiện phân phối quyền mua cổ phiếu của đợt tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Yuanta Việt Nam cho biết:
“Thị trường chứng khoán năm nay được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến sôi động và thiết lập thêm những kỷ lục mới nên nhu cầu của khách hàng sẽ ngày càng tăng cao.
Đồng thời, với kinh nghiệm và những lợi thế to lớn của Tập đoàn Yuanta, việc tham gia tích cực để cung cấp các sản phẩm mới cho thị trường như phái sinh, chứng quyền có đảm bảo... là định hướng và chiến lược của Yuanta Việt Nam. Việc tăng vốn lần này cũng nằm trong kế hoạch từ đầu năm 2018 và cũng chỉ là bước khởi đầu cho một lộ trình cam kết lâu dài của chúng tôi”.
Đến thời điểm hiện nay, thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán vẫn đang thuộc về các công ty chứng khoán Việt Nam, thay vì nhóm ngoại. Đặc biệt, nhóm các công ty chứng khoán lớn như: SSI, HCM, MBS, FPTS, SHS, VCSC, BVSC… giữ phong độ khá tốt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng quy mô vốn các công chứng khoán đang quá nhỏ so với vốn hoá thị trường, thì các công ty chứng khoán ngoại với lợi thế vốn giá rẻ, công nghệ sẽ tạo nên sự khác biệt trong thời gian tới.
Lợi thế lớn nhất mà các công ty chứng khoán Việt có thể giữ, ngoài những công ty Top đầu đã có thị phần tốt, chính là sự am hiểu sâu sắc thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong làn sóng các công ty chứng khoán ngoại đổ bộ vào thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua, cũng đã có công ty vốn ngoại thua lỗ và rời bỏ "chứng trường", như Công ty Chứng khoán Kenaga, Công ty Chứng khoán Nhật Bản...
Lãnh đạo một công ty chứng khoán nội cho biết, họ đã “sốc” khi nghe Tổng giám đốc một công ty chứng khoán ngoại nói rằng sẵn sàng cho vay margin với gần như toàn bộ các mã chứng khoán trên sàn, với tỷ lệ cho vay cao nhất theo quy định pháp luật.
Đây là điều các công ty chứng khoán Việt Nam ít dám làm vì liên quan đến những vấn đề rủi ro thanh khoản và các yếu tố quản trị rủi ro khác.
Trên thực tế, ngay trong năm 2017, công ty chứng khoán nói trên phải mất khá nhiều chi phí để xử lý khoản thua lỗ từ cho vay margin, do nhà đầu tư vay mua khi giá cổ phiếu lên cao và… để lại – một bài học không còn quá mới mà một số công ty chứng khoán đã phải trải qua từ năm 2010.