Ồ ạt nới “room” để dự phòng tín dụng

Ồ ạt nới “room” để dự phòng tín dụng

(ĐTCK) Không chỉ ngân hàng lớn có diễn biến cho vay khả quan xin nới “room” tăng trưởng tín dụng, mà các nhà băng quy mô vừa và nhỏ cũng lần lượt đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được nới room.

Ồ ạt nới “room” để dự phòng tín dụng  ảnh 1Lãi suất giảm, mùa kinh doanh cuối năm là cơ sở để các ngân hàng kỳ vọng đẩy mạnh cho vay

 

Xin tăng room tín dụng từ 9% lên 30%

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tín dụng NamA Bank tăng ở mức 12% so với chỉ tiêu nhận được đầu năm chỉ có 9%. Để phát triển hoạt động cho vay, nhất là trong thời gian từ nay đến cuối năm khi mùa vụ kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp cận kề, NamA Bank đã trình NHNN xin tăng room tín dụng lên 30%.

Tương tự, HDBank cũng xin NHNN được nới room tín dụng lên 20%, thay vì chỉ có 12% được NHNN giao cho đầu năm nay. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của HDBank đạt mức 8,2%. Vì thế, theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, Ngân hàng xin tăng room để có dư địa mở rộng hoạt động cho vay.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn thì chỉ tiêu tín dụng tăng 30% được NamA Bank thừa nhận là không dễ dàng. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Tâm, so với các nhà băng quy mô lớn thì con số tuyệt đối về tăng trưởng tín dụng của NamA Bank hiện rất nhỏ. Do đó, nếu được nới room lên mức 30% thì dư nợ tín dụng của Ngân hàng cũng chỉ tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Với SeABank, ngân hàng này dự kiến, sau quý III/2013 sẽ kiến nghị NHNN tăng room tín dụng lên mức 16% so với chỉ tiêu ban đầu nhận được là 12%.

Ngân hàng Sacombank đã được NHNN chấp thuận cho tăng room tín dụng từ 12% lên 20%. Theo ông Nguyễn Gia Định, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, sở dĩ Ngân hàng xin tăng room tín dụng là do dư địa cho vay trong hạn mức cho phép đầu năm đã hết. 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng Sacombank đạt trên 12% nên để đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kể cả với tín dụng cá nhân trong các tháng còn lại của năm, Sacombank đã xin nâng room. Lợi thế của Sacombank trong phát triển tín dụng hiện nay là đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, phân tán, chiếm 50% dư nợ.

Một số ngân hàng khác cũng đang lên kế hoạch trình NHNN xin tăng room.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, doanh nghiệp cần ngân hàng hỗ trợ vốn để sản xuất - kinh doanh cũng như thực hiện các dự án. Còn ngân hàng không thể thiếu doanh nghiệp để cải thiện tín dụng, nhất là khi tăng trưởng dư nợ đang ở mức khá thấp.

“6 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ toàn ngành khoảng 3,3% so với yêu cầu đưa ra cho cả năm là 12%, do đó, đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động hơn nữa trong việc khơi thông nguồn vốn cho DNVVN nói riêng và nền kinh tế nói chung để cùng vượt qua khó khăn”, ông Minh nói.

 

Kỳ vọng quý cuối năm

Hiện tại, dòng vốn tín dụng vẫn chưa được thông suốt. Dư nợ tăng chậm khi lãi suất giảm cho thấy, lãi suất không còn là nguyên nhân chính cản trở dòng vốn tín dụng, mà chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nợ xấu còn ở mức cao.

Theo Phó tổng giám đốc NamA Bank, trong bối cảnh khó khăn của thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp, muốn đẩy mạnh vốn cho vay cũng không dễ, cho dù lãi suất đã giảm nhiều so với trước. NamA Bank sẽ tập trung dòng vốn vào các đối tượng vay nhỏ lẻ, phục vụ cộng đồng, vào các ngách mà thị trường đang thực sự cần vốn.

Đánh giá về xu hướng tín dụng từ nay đến cuối năm, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, thực trạng về tăng trưởng tín dụng hiện rất khó, cần đưa ra được các giải pháp để giải quyết các điểm nghẽn, khơi dòng chảy tín dụng. Điểm nghẽn lớn nhất đối với doanh nghiệp chính là không bán được hàng, tồn kho tăng khiến nợ xấu khó giảm và ngân hàng khó có thể đẩy mạnh cho vay. Phải giải quyết được bài toán tồn kho, doanh nghiệp mới vay vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Nếu doanh nghiệp không bán được hàng, thì ngân hàng cũng không thể đẩy mạnh được dư nợ, dù lãi suất giảm.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, hoạt động kinh doanh bình thường cũng cầm chừng trong việc vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh, do sức tiêu thụ trong nền kinh tế còn yếu. Ngược lại, không ít doanh nghiệp khó khăn, tình hình tài chính yếu kém, có nhu cầu vay vốn, nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn.

Thực tế, thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều so với đầu năm. Thậm chí, không ít ngân hàng đang dư thừa vốn khả dụng, song không thể đẩy mạnh cho vay, vì lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng, dẫn tới trích lập dự phòng cao. Để giải quyết tình trạng ách tắc tín dụng trong nền kinh tế hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như giải quyết nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng ngân sách, thực hiện các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.

Các ngân hàng kỳ vọng, tín dụng trong quý cuối năm sẽ được cải thiện, vì đây là mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp, cần nhiều vốn để sản xuất - kinh doanh. Xu hướng lãi suất cho vay giảm dần giảm theo diễn biến lãi suất huy động cũng là cơ hội để tăng trưởng dư nợ tín dụng.