Công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1 tới. Ảnh: Reuters.

Công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1 tới. Ảnh: Reuters.

Nước Mỹ “căng thẳng” trước thềm lễ nhậm chức: Washington DC thành “pháo đài”

0:00 / 0:00
0:00
Những hàng rào bê tông kiên cố, hàng chục nghìn binh sĩ Vệ binh quốc gia và hàng nghìn cảnh sát phủ khắp thủ đô Washington đã biến khu vực “đầu não” của nước Mỹ này thành một pháo đài quân sự kiên cố.

Nguy cơ kép về an ninh và dịch bệnh đã khiến lễ nhậm chức vào ngày 20/1 của Tổng thống đắc cử Joe Biden trở nên đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Nước Mỹ vừa trải qua một Ngày Martin Luther King đặc biệt nhất trong lịch sử. Theo truyền thống, đây là ngày của các hoạt động thiện nguyện để tưởng nhớ một trong những nhà hoạt động dân quyền có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Tuy nhiên, các con phố gần như vắng bóng người do các biện pháp thắt chặt an ninh trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Một Ngày Martin Luther King yên ắng chưa từng có là minh chứng cho một nước Mỹ đang “căng thẳng” trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. “Xứ sở cờ hoa” đang chuẩn bị cho một lễ nhậm chức chưa từng có, kể từ khi Tổng thống Abraham Lincoln lên nắm quyền trong cuộc Nội chiến Mỹ.

Một số người dân chia sẻ: “Tôi chắc chắn an ninh sẽ vẫn là một vấn đề của nước Mỹ kể cả sau lễ nhậm chức. Thật khó để nói những gì xảy ra hôm 6/1 có tái diễn hay không khi có rất nhiều binh sĩ Vệ binh quốc gia được triển khai và các biện pháp an ninh nghiêm ngặt ở Nhà Trắng và Điện Capitol.”

“Cảm giác rất kỳ lạ. Kỳ lạ khi thấy rất nhiều xe của Vệ binh quốc gia trên đường phố. Ngay lúc này, chúng tôi chỉ muốn đi dạo và xem mọi thứ như thế nào. Nhưng thực sự kỳ lạ. Đó không phải là cảm giác mà chúng tôi mong muốn, đặc biệt trong một ngày như ngày 20/1.”

Những hàng rào cao 7 mét đã được dựng lên bên ngoài Điện Capitol, các tòa nhà văn phòng chính phủ và Tòa án Tối cao.

Hàng nghìn binh sĩ Vệ binh quốc gia phủ khắp thủ đô và sẽ tăng lên đến 25.000 người vào ngày nhậm chức để bảo vệ một “vùng đỏ” rộng lớn kéo dài từ Đồi Capitol, nơi Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ tới Nhà Trắng.

Quảng trường National Mall rộng lớn, vốn chứng kiến hàng trăm nghìn người Mỹ tập trung nhân sự kiện trọng đại diễn ra 4 năm 1 lần này cũng bị khóa chặt.

Thủ đô Washington nói riêng và nước Mỹ nói chung vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol hôm 6/1 khi hàng trăm người ủng hộ Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump xông vào trụ sở quốc hội nhằm ngăn cản tiến trình chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Gần 70 người biểu tình đã bị buộc tội tham gia bạo loạn và hàng trăm người đang bị điều tra. Trong số đó, có cả các quan chức dân cử và cựu hoặc thành viên cốt cán trong lực lượng an ninh.

Theo phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, chính quyền sắp tới tại Mỹ sẽ có rất nhiều việc phải làm, mà một trong số đó là hòa giải đất nước bị chia rẽ sâu sắc:

“Tôi đã nói với Tổng thống đắc cử Joe Biden và cũng là tự nói với bản thân rằng, chúng ta phải phải sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc. Bởi có rất nhiều việc phải làm và chắc chắn sẽ không dễ dàng. Chúng tôi đã vạch ra kế hoạch về việc tiêm chủng, kế hoạch phục hồi và đặc biệt là cứu trợ cho người dân và các gia đình. Có một số người nói rằng mục tiêu là quá tham vọng, song với sự chăm chỉ và sự hợp tác của Quốc hội, chúng tôi tin có thể hoàn thành công việc”.

Lễ nhậm chức ngày 20/1 của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ là một trong những buổi lễ đặc biết trong lịch sử nước Mỹ, với số lượng khách mời hạn chế và không có công chúng do đại dịch Covid-19. Hơn 190.000 lá cờ đã được dựng lên tại quảng trưởng National Mall để đại diện cho số lượng người không thể tham dự này.

Tổng thống Trump, người cũng vắng mặt trong buổi lễ, sẽ rời Nhà Trắng ngay sáng 20/1 để tới tư dinh ở Florida. Đây cũng là Tổng thống đầu tiên từ chối tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của người kế nhiệm kể từ năm 1869.

Tin bài liên quan