Nước cờ vàng

Nước cờ vàng

Hai tháng trước đây thị trường vàng lặng sóng. Ít ai biết rằng cùng thời điểm đó một số ngân hàng bắt đầu thực hiện quyết định đau đớn là đóng trạng thái vàng âm.

Đau đớn vì nó đồng nghĩa với việc sẽ phải công khai, minh bạch những khoản lỗ lên tới cả ngàn tỉ đồng, sẽ có những tài khoản thực sự..."cháy", những khách hàng trắng tay.

 

Còn âm một nửa

 

Có những ngẫu nhiên lạ lùng. Vài tuần trước khi Mỹ tuyên bố gói nới lỏng định lượng thứ ba QE3, giá vàng quốc tế leo thang, một số ngân hàng trong nước bất ngờ nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng lên 13%/năm. Thậm chí những khoản tiền gửi lớn có thể thỏa thuận được lãi suất 14%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Thanh khoản tiền đồng không thiếu như suy diễn đó đây. Đấy đơn giản là dấu hiệu sự thay đổi một phần cơ cấu thanh khoản từ tiền đồng sang vàng.

 

Khác với những khoản vay thông thường, tài sản thế chấp là bất động sản, giấy tờ có giá, máy móc thiết bị; tài sản đảm bảo cho những hợp đồng tín dụng vay vàng chủ yếu là tiền đồng. Các ngân hàng hiểu rõ rủi ro cho vay vàng so sự biến động khôn lường của giá, nên họ luôn đòi hỏi tài sản đảm bảo phải là tiền- phương tiện có khả năng xử lý để chuyển đổi thành vàng nhanh nhất.

 

Một tỷ lệ đáng kể khách hàng vay vàng đã bán thứ hàng hóa vay được, chuyển thành tiền đồng, gửi lại ngân hàng nhằm hưởng lãi suất cao. Một khi giá vàng điều chỉnh, giá trị khoản vay tiến gần giá trị tài sản đảm bảo, các sổ tiết kiệm thế chấp được xử lý, ngân hàng mua vàng để tất toán hợp đồng với khách hàng trước hạn. QE3 xuất hiện, động thái mua vàng diễn ra đồng loạt và tiền chảy ra thị trường. Ngân hàng buộc phải nâng lãi suất, thu hút vốn, bù đắp cho nguồn tiền chảy ra đó.

 

Có người mua, có người bán. Không ít khách hàng có vàng gửi ngân hàng đã rút ra bán khi giá tăng hoặc chốt lời hoặc chờ mua lại giá thấp. Thay vì bán ra thị trường, họ bán trực tiếp cho ngân hàng vì được giá hơn. Ngân hàng mua của khách hàng cao hơn 100.000 đồng/lượng so với giá bên ngoài. Nếu khách hàng đồng ý gửi lại khoản tiền đồng vừa có từ bán vàng, ngân hàng sẵn sàng mua vàng với giá cao hơn 200.00 đồng/lượng so với giá niêm yết.

 

Bằng cách đó, vàng vẫn nằm trong ngân hàng, nhưng tính chất của nó đã thay đổi. Vàng từ nguồn huy động giảm xuống, vàng cân đối thanh khoản của ngân hàng tăng lên, trạng thái âm thu hẹp lại. Trong chưa đầy 60 ngày, mức độ âm trạng thái vàng của các ngân hàng giảm một nửa. Một ngân hàng ngày 30-06-2012 có trạng thái âm vàng hơn 4 tấn tức khoảng 110.000 lượng, nhưng đến nay chỉ còn âm 2 tấn. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)- tổ chức tín dụng kinh doanh vàng lớn nhất- đến ngày 5-10-2012 còn âm 280.000 lượng. Con số này đã giảm nhiều so với mức 550.000 lượng cuối tháng 6-2012 theo như báo cáo tài chính nửa đầu năm nay có soát xét của ACB.

 

Thà một lần đau...

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ba lần gia hạn thời điểm chấm dứt huy động vàng cho các ngân hàng. Gia hạn thêm lần nữa về lý thuyết cho đến giờ vẫn bỏ ngỏ vì đến ngày 25-11 mới là điểm hẹn kết thúc nghiệp vụ huy động vàng. Thế nhưng cơ quan quản lý đã không phát đi bất cứ tín hiệu nào về chính sách vàng. Không ai biết sau ngày 25-11 người dân có vàng sẽ gửi ở đâu.

 

Sự im lặng đó buộc các ngân hàng không thể chủ quan. Họ lao vào đề phòng, chấp nhận cắt lỗ, thà một lần đau. Các khoản cho vay vàng đến hạn bị đòi lại hết. Các khoản vay mới dĩ nhiên là ngừng hẳn. Song song với việc mua của người rút vàng ra bán, họ mua cả ngoài thị trường.

 

Một ngân hàng thẳng thắn: "Tham gia bình ổn vàng là một bài học. Bán vàng trong nước bao nhiêu, chúng tôi mua vàng tài khoản ở nước ngoài bấy nhiêu, trạng thái cân bằng. Nhưng nay không được nhập vàng, phải mua vàng nội địa, mỗi lượng lỗ từ 2-3 triệu đồng do chênh lệch giá vàng trong nước- quốc tế, tính ra chúng tôi lỗ cả trăm tỉ đồng".

 

Một ngân hàng khác tính toán: "Thực ra thì không lỗ. Năm ngoái bán vàng lãi khoảng 1 triệu đồng/lượng, cộng với chênh lệch lãi suất cho vay vàng- tiền đồng, đủ bù đắp mức lỗ năm nay, coi như hòa. Có điều lợi nhuận năm ngoái đã hạch toán rồi, năm nay phải hạch toán giảm. Đau là ở chỗ ấy".

 

Tuy nhiên, không phải cứ chạy ra thị trường là mua được. Có ngân hàng chấp nhận mua chốt giá hôm nay, ngày mai ngày mốt người bán mới giao hàng. Có ngân hàng đặt mua của bạn hàng tức của doanh nghiệp hay chủ tiệm vàng lớn. Những đầu mồi này mua gom trên thị trường, mang về bán một cục cho ngân hàng. Càng gần ngày 25-11 tốc độ mua càng nhiều và nhanh. Ngân hàng có trạng thái âm ít mua từ từ, âm nhiều mua mau lẹ. Điều họ e ngại nhất là giá vàng thế giới có thể tăng bất tử, làm tâm lý thị trường bất an, tác động tới kế hoạch mua vào.

 

Hơn nữa để mua được vàng, phải có nguồn tiền đồng dồi dào. Một số ngân hàng từ trước đến nay dư dả đồng nội tệ, thường mang lên thị trường liên ngân hàng cho vay. Nay họ giữ lại, vừa phòng ngừa thanh khoản cuối năm, vừa để mua vàng, nhất là những thời điểm giả quốc tế rớt mạnh.

 

Các tay đầu cơ những tưởng đã có thể lợi dụng nhu cầu đóng trạng thái vàng của ngân hàng để ăn theo, không ngờ vác giỏ về không. Có lẽ chưa bao giờ giới kinh doanh vàng ngân hàng tỏ ra sành sỏi đến thế. Khi chênh lệch giá vàng nội- ngoại cán mốc 3 triệu đồng/lượng họ ngừng mua, giá lập tức rớt. Họ ngừng mua càng lâu, giá rớt càng bạo. Nhờ nắm cả tiền cả vàng, nhất là vàng đó để trong kho, chưa phải trả ngay cho người gửi vì chưa đến hạn, họ có thể bán ra một chút để kéo giá xuống thêm.

 

"Đừng nghĩ ngân hàng mua bằng mọi giá. Họ có vùng giá mục tiêu để mua"- giám đốc một công ty kinh doanh vàng nhận định, "muốn làm chủ thị trường vàng phải có cả tiền, cả vàng, mà ngân hàng đang có cả hai thứ".

 

Nước cờ vàng

 

Hiện tại cơ cấu thành phần vàng mua vào của các ngân hàng khoản hai phần ba từ người gửi vàng rút ra bán ( còn gọi là mua nội bộ), một phần ba là từ thị trường. Riêng trong tháng 9-2012 một ngân hàng đã mua nội bộ được 5 ngàn tấn, chứng tỏ nguồn cung không hề nhỏ. Nhưng việc mua vàng nội bộ cao hơn giá ngoài có thể đẩy giá thị trường, tạo tiền đề cho những cơ sốt khi giá quốc tế "nhảy múa" liên tục.

 

Một nhân viên kinh doanh vàng của một tổ chức tín dụng, đã từng tham gia điều hành sàn vàng trước đây, cho biết các ngân hàng còn chừng 50 ngày để mua vàng, tính ra họ phải mua 5.000-6.000 lượng/ngày. Định mức này không quá khó để thực hiện vì trên thực tế không phải cứ đến ngày 25-11 là tất các các khoản huy động vàng đều phải trả cho người gửi. Mua được 2.000-3.000 lượng/ngày coi như ổn. Chưa kể khi giá thế giới dao động biên độ hẹp, giá trong nước co lại, các ngân hàng có thể mua tới 8.000-10.000 lượng/ngày.

 

Điều gì xảy ra khi các ngân hàng đã đóng trạng thái vàng âm? Việc mua vàng về bản chất là chuẩn bị vàng để trả cho dân, chủ động giải quyết lỗ hổng thanh toán từ phía các ngân hàng. Họ đã kinh doanh, họ đã cho vay vàng để bán, chuyển đổi vàng thành tiền quá quy định, và họ đang phải trả giá. Họ đã có trải nghiệm không dễ chịu. Sau ngày 25-11, nếu không được NHNN cho phép, sẽ chẳng ngân hàng nào huy động vàng nữa.

 

Có khả năng nhu cầu vàng sẽ tụt áp khi ngân hàng không còn mua vàng. Giá quốc tế- trong nước sẽ xích lại gần nhau, chênh lệch còn 1-1,5 triệu đồng/lượng hay thấp hơn. Không loại trừ thời điểm giá trong nước thấp hơn giá quốc tế, dẫn đến nhu cầu được xuất vàng như đã từng diễn ra trong quá khứ.

 

Trong suốt quá trình vận động đó của thị trường vàng, người ta tự hỏi vai trò của NHNN ở đâu? Thống đốc NHNN từng khẳng định giá vàng trong nước cao hơn quốc tế 400.000 đồng/ lượng là hợp lý, còn trên mức này là có sự đầu cơ. Từ khi Thống đốc tuyên bố đến nay, chưa bao giờ mức chênh lệch trên đạt được, nó chứng tỏ thị trường vàng có vấn đề. Phải chăng im lặng là nước cờ của cơ quan quản lý bây giờ.