Quốc kỳ Anh được đưa đi khỏi khu vực cắm cờ các nước thành viên Hội đồng châu Âu. (Nguồn: YouTube).
Đúng 23 giờ đêm 31/1 (6 giờ sáng 1/2 theo giờ Việt Nam), nước Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu sau 47 năm là thành viên. Nhiều tiếng chuông ngân vang trên phố Downing khi thời điểm này diễn ra.
Theo phóng viên TTXVN tại London, khởi động cho các sự kiện kỷ niệm ngày lịch sử này, sáng ngày 31/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tổ chức một cuộc họp nội các đặc biệt tại thành phố Sunderland, nơi đầu tiên tuyên bố ủng hộ “Ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Một giờ trước thời điểm nước Anh ra khỏi EU, Thủ tướng Johnson đã phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân hãy hướng đến tương lai, không nhìn lại quá khứ, khi nói rằng “đây không phải là sự kết thúc, mà là một sự bắt đầu… một khoảnh khắc của đổi mới và thay đổi đất nước thực sự."
Đêm 31/1, tất cả các tòa nhà chính phủ ở khu Whitehall được chiếu sáng, cờ EU được treo trên các cột cờ ở Quảng trường Quốc hội ở thủ đô London, một đồng hồ đếm ngược xuất hiện trước cửa số 10 Phố Downing để đánh dấu việc nước Anh rời khỏi EU.
Như vậy, Anh đã chính thức rời khỏi EU, khép lại hơn 3 năm đàm phán với nhiều sóng gió trên chính trường kể từ sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 2016.
Lễ kỷ niệm sự kiện không diễn ra rầm rộ để thể hiện sự tôn trọng đối với một nửa dân số nước Anh muốn ở lại EU và những người vẫn lo ngại về tương lai phía trước.
Vài giờ trước khi Anh chính thức rút khỏi EU, không ít người dân nước này đã đổ xuống phố và các không gian công cộng ở quận Wesminster của Anh, nơi có cơ quan lập pháp, để chào mừng sự kiện.
Ở chiều ngược lại, lá quốc kỳ của Anh đã bị nhấc khỏi khu vực cắm cờ các nước thành viên Hội đồng châu Âu.
Có thể người dân Anh sẽ không lập tức cảm thấy bất kỳ sự khác biệt nào sau ngày 31/1, nhờ giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng như một phần của thỏa thuận ''ly hôn'' giữa Anh và EU được Nghị viện châu Âu thông qua trong tuần này.
Theo thỏa thuận, công dân Anh vẫn được làm việc và giao dịch tự do với các quốc gia EU cho đến ngày 31/12/2020.
Ngược lại, người EU cũng có quyền tương tự tại nước Anh, dù quốc gia này sẽ không còn được đại diện trong các tổ chức của khối.
Thỏa thuận ''ly hôn'' đã giải quyết vấn đề nợ của London, quyền của người EU tại nước này, tình trạng biên giới của khu vực Bắc Ireland và giai đoạn chuyển tiếp.
Nhưng ông Johnson đã chỉ cho mình 11 tháng để đàm phán một thỏa thuận quan hệ đối tác mới với EU, bao gồm tất cả mọi lĩnh vực từ thương mại đến hợp tác an ninh và tình báo, tiêu chuẩn hàng không dân dụng, tiếp cận vùng biển quốc tế để đánh cá...
Thủ tướng Johnson đã cam kết sẽ đưa nước Anh rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của EU để nước này có thể đàm phán được các thỏa thuận thương mại khác trên toàn thế giới.
Nhưng chính xác quá trình này sẽ diễn ra như thế nào và việc các công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh với EU sẽ bị ảnh hưởng ra sao vẫn chưa rõ ràng.