Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế, song phụ nữ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi và bất bình đẳng trong các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh do những tư tưởng về bất bình đẳng mang lại.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM , thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ là nội dung quan trọng trong việc xây dựng hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch hành động trong quá trình đánh giá tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam. Do đó, vấn đề về bình đẳng giới trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế cần được đặc biệt quan tâm trong việc xây dựng hoạch đinh các chính sách cũng như trong quá trình triển khai trên thực tiễn.
Ông Cung cho biết vấn đề này không chỉ là mục tiêu được Chính phủ Việt Nam quan tâm mà còn được Chính phủ Australia và nhiều tổ chức quốc tế, các nhà hoạch định chính sách coi là một trong những mục tiêu quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu tại Việt Nam
Dẫn kết quả nghiên cứu tiến hành gần đây về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Chuyên gia tư vấn về giới chỉ ra rằng phụ nữ Việt Nam hiện nay đã tham gia nhiều hơn vào các công việc xã hội, doanh nhân nữ cũng chiếm nhiều hơn, song tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với nam giới. Đặc biệt, so với các DN có lãnh đạo là nam giới, DN có lãnh đạo là nữ giới phải chịu nhiều sức ép hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận nguồn vốn. DN có lãnh đạo là nữ giới cũng phải bỏ ra nhiều chi phí không chính thức hơn, do đó có tới 60-70% DN có quản lý là nữ giới là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những DN có lãnh đạo là nữ thường thu hút nhiều lao động nữ làm việc hơn. Vì vậy để hỗ trợ cho lao động nữ, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ DN có lãnh đạo là nữ giới phát triển.
Đồng tình với luận điểm này, ông Raymond Mallon, cố vấn cao cấp, dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam cho rằng, thị trường lao động vẫn bị phân chia theo giới; phân biệt đối xử trong thị trường lao động đã hạn chế sự lựa chọn của phụ nữ trong các công việc được trả lương; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới vẫn thấp hơn so với nam giới tại phần lớn các quốc gia trên thế giới; đại diện của phụ nữ trong các doanh nghiệp và các vị trí quản lý cao cấp vẫn ở mức thấp và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Ông Raymond Mallon nhấn mạnh, những thể chế thị trường toàn diện sẽ cho phép và tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực và giảm bớt sự bất bình đẳng thông qua hệ thống thị trường.
Cải cách thương mại có thể mang lại những cơ hội mới cho phụ nữ hoặc có thể làm gia tăng thêm những thành kiến và phân biệt đối xử về giới; đồng thời, cần phải giám sát tốt hơn và hiểu được các tác động của cải cách kinh tế tới nữ giới.
Bà Shoho Ishikawa Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp quốc tế về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đưa ra đề xuất Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách tạo thuận lợi và thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ nhiều hơn nữa. Theo đó, cần lồng ghép những yếu tố giới trong quá trình xây dựng chính sách, nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho DN nữ và việc làm tốt hơn cho phụ nữ, đặc biệt trong khu vực dịch vụ và sản xuất xuất khẩu.