Nữ doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: “Tôi không phải gồng mình trong chiếc áo nào”

Nữ doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: “Tôi không phải gồng mình trong chiếc áo nào”

0:00 / 0:00
0:00
Lớn lên trong thời của mạng xã hội, bình tĩnh với mọi lời bình luận, sẵn sàng lắng nghe và thực tâm muốn làm rất nhiều việc cho cộng đồng, thực tâm muốn cho đi… là một vài nét chấm phá về nữ doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ. 

CEO Nguyễn Ngọc Mỹ của Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam, thành viên HĐQT Alphanam Group là một người nổi tiếng theo đúng nghĩa đen, nghĩa là khó có thể cho phép mình thoải mái ở một nơi công cộng, nhất là ở các đô thị lớn.

Năm 2017, Nguyễn Ngọc Mỹ có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Việt Nam do Tạp chí Forbes Vietnam bình chọn. Năm 2018, cô được chọn là một trong những người có tầm ảnh hưởng của du lịch Việt Nam bởi tạp chí Timeout. Cuối năm 2021, Nguyễn Ngọc Mỹ là nữ doanh nhân Việt Nam trẻ nhất nhận Cúp Bông hồng vàng.

Cô cũng là người khởi xướng và điều hành Alphanam Green Foundation với mục đích thúc đẩy những sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, hướng tới xây dựng những thành phố xanh sạch đẹp hơn; là Giám đốc chiến lược và phát triển của VietSeeds Foundation, hỗ trợ các sinh viên Việt Nam trong tiếp cận giáo dục đại học và thành viên hội đồng bảo trợ của quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững…

Khá lâu rồi, báo chí không còn giật tít với những dấu ngoặc kép đầy hàm ý là ái nữ hay người thừa kế tập đoàn ngàn tỷ Alphanam nữa. Có thể gọi đó là một thành công của doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ không?

Với tôi, đó là sự phát triển tương đối tự nhiên, tôi chưa bao giờ phải gồng mình trong chiếc áo nào, mà mọi thứ đến theo đúng lớp lang.

Tôi có một may mắn đó là sống trong gia đình kinh doanh, nhưng có truyền thống nhà giáo. Truyền thống đó tạo cho thế hệ ông bà, bố mẹ tôi cách thức ứng xử có chiều sâu, bình tĩnh với các kế hoạch của gia đình và với cả sự lớn lên của con cái.

Alphanam là một công ty gia đình, nhưng không có chuyện một đêm thức dậy, con cái được khoác lên chiếc áo quyền lực, mà có sự quan sát, uốn nắn. Quan trọng là gia đình có đủ kiên nhẫn trong quá trình này. Sự kiên nhẫn ở đây theo nghĩa nếu con học lớp 1 thì không thể cho học toán lớp 5, mà cần đi từng bước, lựa chọn những bài học theo từng lứa tuổi, giai đoạn.

Sự kế nghiệp trong Alphanam cũng tương tự. Bắt đầu từ những chuyến đi cùng với bố đến các cuộc làm việc, giao lưu với các cô, các chú là bạn bè, đối tác của bố; lần xuất hiện đầu tiên đến Công ty… Rồi đến thời điểm, chúng tôi lên sân khấu nhận lửa từ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Hải; năm tiếp sau là nghi thức trao súng – nhận công cụ. Vài năm sau là trao bút – nghĩa là trao quyền ký, chịu trách nhiệm.

Hiện giờ, chúng tôi đã hoàn tất nghi thức trao văn phòng, ngồi vào ghế “nóng”, phát triển Alphanam dựa trên nền tảng mà thế hệ đi trước đã dựng xây và trân trọng.

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Alphanam đã từng chia sẻ, ông đã khép lại một chiến lược 25 năm nhiều dấu ấn của người sáng lập Nguyễn Tuấn Hải của Alphanam khi chính thức trao quyền cho thế hệ F2. Và đó là thành công lớn nhất của ông, của Alphanam. Nhưng thực tế, không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng có được niềm vui này và câu chuyện kế nghiệp của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang làm đau đầu nhiều doanh nhân. Là người kế nghiệp, Nguyễn Ngọc Mỹ nghĩ sao về điều này?

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có một công thức nào cho việc chuyển giao trong các doanh nghiệp gia đình. Nhưng tôi chia sẻ suy nghĩ của một F2, để có thể thêm một góc nhìn.

Ở một góc độ nào đó, chúng tôi lớn lên rất thiếu thốn.

Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp, phát triển kinh doanh của thế hệ bố mẹ chúng tôi, cũng là giai đoạn hơn 30 năm Đổi mới của Việt Nam, để thành công, thành những doanh nghiệp hàng đầu, họ không mấy khi được ở nhà.

Chúng tôi lớn lên mà không có bố mẹ bên cạnh theo nghĩa đen. Đó là một sự thiếu thốn. Rồi khi gia đình có bắt đầu có tài chính, chúng tôi được đưa ra nước ngoài đào tạo. Chúng tôi vẫn nói với nhau, bố mẹ chúng mình đi chia sẻ, chăm lo cho cả xã hội, nhưng lại không có thời gian dạy dỗ, bảo ban mình.

Vì vậy, khi thế hệ F2 tới tuổi 20, nếu người đó không có khát vọng, đam mê kết nối giá trị bản thân mình với giá trị của doanh nghiệp gia đình, khát vọng của bố mẹ; nếu không đủ tỉnh táo để sử dụng hiệu quả nguồn lực xung quanh mình như một đòn bẩy, thì thực sự khó thành công.

Tôi không đồng tình với cách nghĩ là thế hệ F2 chịu áp lực, gánh nặng… do F1 đặt lên.

Trong kinh doanh, trong kế nghiệp, dám chịu trách nhiệm là yếu tố quan trọng đối với thế hệ F2. Khát vọng, đam mê, chọn việc làm hay không là của mỗi người, không làm được hết thì nên chọn để đầu tư thời gian công sức và cả trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho bố mẹ.

Bố mẹ và thế hệ các cô, chú, anh, chị đi trước đã bỏ biết bao tâm sức để có được bệ phóng vững chắc cho chúng tôi của ngày hôm nay, chúng tôi luôn tự nhắc bản thân rằng, phải làm gì để xứng đáng với niềm tin của họ.

Nhưng, cũng không có công thức nào cho việc tìm đam mê hay khát vọng ở độ tuổi sau 20, mà cần sự nuôi nấng, vun đắp từ khi còn nhỏ, với bàn tay và tình yêu thương của bố mẹ. Hơn thế, thế hệ F2 cũng cần được trao cơ hội. Nếu bố mẹ không sẵn sàng trao cơ hội thì làm sao thế hệ sau thể hiện được.

Chúng tôi không thể thuyết phục chúng tôi sẽ thành công bằng lời nói, mà phải thể hiện bằng công việc, bằng trách nhiệm của mình. Khi các bố mẹ, doanh nhân thế hệ đi trước có lòng tin với công việc, sự nghiệp của mình, tin là đang tạo ra những ví dụ tốt, những nền móng tốt, thì không có lý do gì thế hệ sau lại phá vỡ niềm tin đó.

Mỹ đã từng chia sẻ với các doanh nhân trẻ khác rằng, tuổi đời đủ trẻ, tuổi nghề đủ chín. Không phải doanh nhân 30 tuổi nào cũng có thể tự tin nói vậy. Mỹ có đánh đổi đam mê cá nhân cho vị trí người kế nghiệp doanh nghiệp gia đình không?

Tôi không đánh đổi mà là lựa chọn thời gian, thời điểm, chọn ưu tiên dựa trên điểm mạnh của từng thời điểm, lứa tuổi, cơ hội nào trên bàn, cái gì làm trước, cái gì làm sau…

Tôi lớn lên đã rất may mắn, có đủ nguồn lực để tạo ra sự đầy đủ cho cá nhân, thậm chí đang có quá nhiều thứ, nên không có quyền nghĩ đến khó khăn, đến đánh đổi… Quan trọng là sử dụng hiệu quả tất cả những nguồn lực này.

Trong Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ lần thứ 7, khóa 6 vừa kết thúc vào cuối tháng 2/2022, nữ doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ được giới thiệu vào vị trí phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Năm 2021, Ngọc Mỹ giữ chức vụ đồng Chủ tịch Câu lạc bộ Nữ doanh nhân trẻ ASEAN (AYWEC). Hiện cô đang là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ kế nghiệp (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam).

Dấu ấn của doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ không còn gói gọn trong các kế hoạch đầy khát vọng là tạo những sản phẩm kết nối dòng chảy lịch sử, tạo nên cách tiếp cận mới với lịch sử, văn hóa truyền thống với thế hệ trẻ qua các dự án bất động sản mang đậm văn hóa vùng miền, mang tính chất du lịch điểm đến, gần hơn văn hóa địa phương của Alphanam…

Nguyễn Ngọc Mỹ nghĩ sao khi được hỏi có quá tham vọng không khi tham gia nhiều công việc?

Có thể có người nghĩ chỉ nên làm 1-2 việc cho chín, nhưng tôi nghĩ, nếu mình có nguyên tắc thì có thể làm nhiều việc cùng lúc, bổ trợ cho nhau.

Tất nhiên, mọi người có quyền đặt ra những câu hỏi, có thể có người thích, không thích… Tôi không lấy đó làm thước đo, nhưng bình tĩnh và lắng nghe những khen chê. Trong công việc, tôi là người lắng nghe nhiều hơn.

Hơn thế, trong cuộc sống, cho đi là nhận lại, nên mình chia sẻ được càng nhiều, nhận được nhiều. Tham gia các hoạt động với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, ủng hộ của các đồng nghiệp, doanh nhân.

Nguyên tắc đó là gì?

Làm từ tâm, đó là nguyên tắc đầu tiên.

Chỉ khi xác định được công việc đó, sự lựa chọn đó đến từ con tim, chứ không từ lý trí, không vì bố, vì công ty hay vì một ví trị nào thì mới có thể toàn tâm, toàn ý với công việc.

Nguyên tắc thứ hai là, tìm được điểm mạnh của chính mình. Tôi có cách quản lý thời gian là chỉ làm cái mình làm rất tốt và phải có sự khác biệt. Tôi sẽ không tranh giành việc với ai. Tôi chọn làm những việc mà chỉ có Nguyễn Ngọc Mỹ làm được, tạo ra được những giá trị cụ thể.

Trong Alphanam, công việc của tôi va chạm đủ với thị trường, để luôn biết cái gì là xu thế, chọn ra được tầm nhìn và lối đi. Tôi đặt mình vào vị trí kết nối, chất keo gắn kết các mảng khác nhau vì tôi có sự nhạy cảm, để nhìn thấy ở đâu, đang cần gì, xử lý cho mọi việc cộng hưởng, bắt kịp các xu hướng.

Nguyên tắc thứ ba là xác định rõ mục tiêu, chốt được tầm nhìn, chọn được đường đi sẽ dồn sức làm. Tôi không tham gia hoạt động nào chỉ để cho có hoặc theo phong trào hoặc làm cho vui.

Thế hệ F2, thế hệ doanh nhân trẻ của chúng tôi chia sẻ những nguyên tắc làm việc này rất rõ ràng. Chúng tôi nói với nhau, tham gia vào các hiệp hội, tổ chức sẽ phối hợp, hỗ trợ nhau để cùng tốt lên, để tạo được cho nhau những giá trị, những thành công, còn nếu không làm được thì sẽ tự rút lui.

Mong muốn rất chính đáng của thế hệ doanh nhân trẻ bây giờ là cùng với nhau để làm nên tầm vóc cộng đồng doanh nhân Việt tầm thế giới. Không ai làm được điều này 1 mình.

Đây là khát vọng không chỉ của giới doanh nhân Việt Nam mà của người Việt Nam nhiều năm qua. Nhưng cũng thẳng thắn, khó liên kết, khó chơi với nhau vẫn đang là điểm yếu của doanh nhân Việt Nam, của văn hóa kinh doanh Việt Nam…

Khi còn nhỏ, tôi hay được nghe bố mẹ, các cô chú doanh nhân cùng thế hệ với bố mẹ kể về Samsung của Hàn Quốc, về các thương hiệu lớn của Nhật Bản; thấy họ trăn trở vì chưa xây dựng được những thương hiệu Việt tầm cỡ quốc tế, chưa có được hình ảnh những doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau đi ra thế giới dù hiểu rất rõ nguyên tắc “buôn có bạn, bán có phường”…

Lý do cũng có nhiều và cũng không phải chỉ doanh nhân muốn thay đổi thực trạng trên.

Nhưng nếu từng người suy nghĩ và hành động theo hướng “cùng phát triển” thay vì “tôi phát triển”, các mối liên kết chặt chẽ sẽ hình thành. Trong cuộc sống, mọi việc như bình thông nhau, khi ai cũng được phát triển theo cách họ muốn, thì việc đoàn kết, hợp tác là tất yếu.

Thế hệ của chúng tôi lớn lên trong kỷ nguyên của mạng xã hội, quen với việc mình không phải là người duy nhất thành công, mong muốn một cộng đồng cùng thành công.

Đây là cách chúng tôi đang thực hiện chính trong nội bộ của Alphanam. Một trong những nguyên tắc phát triển của Alphanam “Đoàn kết là sức mạnh”, không chỉ được áp dụng trong hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, mà còn là tinh thần của những người Alphanam chung một mục tiêu, chung một ý chí, chung một niềm vui để tiến về phía trước.

Hôm tôi nhận giải thưởng Bông hồng Vàng 2021, tôi đã gửi ảnh vào nhóm chat của Công ty, chia sẻ rằng tôi là đại diện nhận giải thưởng, nhưng thành quả là của mọi người và mong sẽ có thêm người Alphanam nhận những ghi nhận như vậy.

Ở đây, chúng tôi gắn kết vì từng người phát triển, được làm những gì mình làm tốt nhất, đúng với mong muốn và định hướng phát triển của mình...

Có thể nút thắt trong văn hóa kinh doanh của người Việt sẽ được tháo từ những tư duy này?

Có 1 câu nói phù hợp với câu chuyện này. Đó là: Trước đây, tôi muốn thay đổi thế giới, còn bây giờ, tôi chỉ muốn thay đổi chính tôi.

Không thể có sự thay đổi đột biến nào, cũng không thể ngồi chờ hệ thống thay đổi rồi mình mới thay đổi. Việc thay đổi ở từng cá nhân cũng vậy, không thể đốt cháy giai đoạn, mà sẽ từ từ.

Nên khi tôi chia sẻ suy nghĩ, tôi thay đổi cách làm, tôi kết nối mọi người một cách thức chất, từ tâm, có lựa chọn với hy vọng tạo ra chất xúc tác giữa mình với một vài cá nhân khác; rồi những người đó cảm nhận được giá trị của liên kết, của kết nối, cùng phát triển sẽ lan rộng giá trị đó ra một cách cởi mở, tự nhiên.

Đặc biệt, sau 2 năm chịu tác động của Covid-19, có rất nhiều khó khăn, thách thức mà chỉ những người kinh doanh mới thực sự thấu hiểu, chia sẻ được với nhau. Cũng vì vậy, khát vọng, mong muốn liên kết để cùng mạnh mẽ hơn đã xuất hiện.

Có bao giờ Mỹ nghĩ đến yếu tố giới, những khó khăn hay lợi thế vì là nữ doanh nhân không?

Tôi nghĩ khó khăn hay lợi thế luôn tồn tại đồng thời. Mỗi người ở trong một hoàn cảnh khác nhau và sẽ lựa chọn cách đi tới thành công của riêng mình.

Tin bài liên quan