Thanh toán lệ phí thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn phải nhờ dịch vụ ngân hàng hoặc nộp tiền mặt. Ảnh Lê Toàn.

Thanh toán lệ phí thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn phải nhờ dịch vụ ngân hàng hoặc nộp tiền mặt. Ảnh Lê Toàn.

Nộp hồ sơ "on", thanh toán "off"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 6 năm kể từ khi Cổng thông tin một cửa quốc gia được vận hành vào cuối tháng 11/2014, nhưng đến nay vẫn chưa được tích hợp tính năng thanh toán điện tử.

Tiền mặt vẫn đóng vai trò quan trọng

Thanh toán điện tử hay thanh toán trực tuyến là hình thức giao dịch không sử dụng tiền mặt và hoạt động thanh toán được thực hiện trên môi trường internet. Các hình thức thanh toán điện tử phổ biến hiện nay gồm Internet Banking, Mobile Banking, ví điện tử hay tiền di động.

Hiện tại, Cổng một cửa quốc gia chưa có tính năng cho phép doanh nghiệp thanh toán trực tiếp lệ phí trên Cổng. Doanh nghiệp sau khi thực hiện thủ tục trên Cổng sẽ nhận thông báo lệ phí thủ tục hành chính từ bộ, ngành giải quyết thủ tục và thực hiện thanh toán thông qua dịch vụ ngân hàng hoặc nộp tiền mặt.

Theo kết quả điều tra, 3 cách thức thanh toán phổ biến nhất trong giao dịch hành chính giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước là chuyển khoản ngân hàng, thanh toán tiền mặt và E-banking.

Chuyển khoản ngân hàng là hình thức thanh toán được sử dụng nhiều nhất, nhưng tiền mặt vẫn có vai trò quan trọng khi thực hiện các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Tiền mặt được 67% doanh nghiệp sử dụng trong các giao dịch hành chính với cơ quan kiểm dịch và 49% doanh nghiệp lựa chọn khi làm thủ tục với cơ quan cấp phép cho hàng hóa xuất nhập khẩu, tức là các bộ quản lý chuyên ngành. Tương tự, có trên 45% doanh nghiệp trả tiền mặt khi làm thủ tục hành chính với đơn vị cảng vụ, cơ quan y tế và tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo kết quả khảo sát, nhìn chung doanh nghiệp đã sẵn sàng hạ tầng cho các giao dịch hành chính với cơ quan nhà nước bằng phương thức thanh toán điện tử khi 86,5% doanh nghiệp cho biết “chắc chắn sẽ tham gia ngay” hoặc “có thể sẽ tham gia ngay” nếu Cổng triển khai thanh toán điện tử.

Chỉ khoảng 13,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát chưa sẵn sàng cho sự thay đổi hình thức thanh toán.

Lý giải điều này, doanh nghiệp đưa ra các nguyên nhân như “chưa hiểu rõ về thanh toán điện tử” là lý do phổ biến nhất (36%), tiếp đến là “lo ngại về an toàn” (26%), “thủ tục thanh toán điện tử phức tạp” (23%) và “không muốn thay đổi” (11%). Những khó khăn này chủ yếu do sự thiếu thông tin gây nên.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sử dụng thanh toán điện tử rất phổ biến trong các giao dịch kinh doanh thông thường. Theo kết quả khảo sát, 86% doanh nghiệp đã dùng thanh toán điện tử trong giao dịch kinh doanh trong vòng 12 tháng qua.

Trong đó, khoảng 21% doanh nghiệp luôn luôn sử dụng hình thức này và 1/3 doanh nghiệp thường xuyên sử dụng. Tỷ lệ doanh nghiệp không thanh toán điện tử trong 1 năm trở lại đây chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ là 14%.

Ngoài các doanh nghiệp, thời gian qua, các ngân hàng cũng không ngừng thúc đẩy và mở rộng thanh toán điện tử đối với dịch vụ công.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế, phí điện tử với thủ tục thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện; 100% cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế bắt đầu triển khai đề án phối hợp với các ngân hàng để nhờ thu hộ tiền khám chữa bệnh.

Từ thực tế trên, có thể khẳng định rằng việc sử dụng thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến ở thời điểm hiện tại.

Đa số doanh nghiệp đã tiếp cận được với thanh toán điện tử và hầu như toàn bộ các ngân hàng trong nước đã tham gia thị trường này.

Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ trong tài chính đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, việc triển khai thanh toán điện tử trên Cơ chế một cửa quốc gia sẽ giúp quá trình làm thủ tục hành chính nhanh chóng hơn, dễ dàng theo dõi hơn và an toàn hơn cho doanh nghiệp khi không phải mang theo tiền mặt.

Nên bắt đầu khi nào và từ đâu?

Khi được hỏi về thời điểm mà các doanh nghiệp muốn thanh toán điện tử được triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì phần lớn doanh nghiệp đều chọn năm 2020 với 71,31% doanh nghiệp lựa chọn, tiếp đến là năm 2021 với tỷ lệ 19,04% và chỉ 9,66% doanh nghiệp lựa chọn sau năm 2021.

Các doanh nghiệp cũng nhận thấy việc thực hiện thanh toán điện tử trên Cơ chế một cửa quốc gia có thể bắt đầu từ các thủ tục hành chính của cơ quan hải quan.

Tỷ lệ doanh nghiệp mong muốn cơ quan này dùng thanh toán điện tử là 85%, cao hơn đáng kể so với các cơ quan khác trong điều tra là cảng vụ (60%), doanh nghiệp kinh doanh cảng (54%) hay cơ quan y tế (52%).

Để triển khai hiệu quả và đồng bộ dịch vụ thanh toán điện tử trên Cổng, trong giai đoạn tới, Tổng cục Hải quan với nhiệm vụ là cơ quan đầu mối cần nghiên cứu đề xuất với Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) và Bộ Tài chính để sớm đưa chức năng thanh toán điện tử vào vận hành trên Cổng.

Việc tích hợp thanh toán điện tử lên Cổng cần thực hiện song song với việc hoàn thiện các quy định để quản lý, giám sát hệ thống thanh toán điện tử mới, các dịch vụ trung gian thanh toán, cũng như ban hành quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ, những người sử dụng và bên thứ ba.

Quá trình triển khai thanh toán điện tử cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước với nhau, cũng như có sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp các dịch vụ thanh toán.

Hợp tác công - tư trong việc thiết kế và cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử sẽ có vai trò quan trọng trong suốt quá trình triển khai.

Đối với một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp chưa từng sử dụng thanh toán điện tử, Tổng cục Hải quan có thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và phối hợp với cơ quan báo chí để phổ biến thông tin, hướng dẫn cách sử dụng thanh toán điện tử và củng cố niềm tin của doanh nghiệp về lợi ích khi thanh toán điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

3,1 triệu hồ sơ của hơn 38.000 doanh nghiệp được giải quyết trên cổng thông tin một cửa

Cổng thông tin một cửa quốc gia được xem là một điển hình về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Việc triển khai Cổng đã đem lại những thay đổi tích cực về thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp so với phương thức truyền thống.

Kể từ khi chính thức vận hành vào tháng 11/2014 cho tới tháng 5/2020, cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã tích hợp 198 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của 13 bộ, ngành. Cũng trong khoảng thời gian này, khoảng 3,1 triệu hồ sơ thủ tục hành chính của hơn 38.000 doanh nghiệp đã được giải quyết thông qua Cổng, thành phần chính trong cơ chế một cửa quốc gia hiện tại.

Cuối năm 2019, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Hải quan với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thông qua dự án Tạo thuận lợi thương mại đã tiến hành khảo sát về mức độ hài lòng của doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế này.

Khảo sát này đã đánh giá 12 thủ tục hành chính được thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với đánh giá từ hơn 3.000 doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu đã được công bố vào tháng 6/2020. Việc triển khai thanh toán điện tử trên Cổng là một trong những nội dung lớn được thực hiện trong cuộc khảo sát.

Tin bài liên quan