Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nông nghiệp Việt tìm cách khai phá “mỏ vàng” xuất khẩu

(ĐTCK) Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào các thị trường lớn. Một số doanh nghiệp nông nghiệp đang tìm cách khai thác cơ hội này. 

Lợi thế lớn

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta trong năm qua đạt 40,4 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới và đã xuất sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD.

2018 cũng là năm ghi nhận sự tăng trưởng đột phá của ngành nông nghiệp, GDP nông lâm thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Với sự hưng phấn ấy, năm 2019, nông nghiệp Việt được kỳ vọng sẽ tiếp đà tăng trưởng khi được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, gia nhập CPTPP mở ra cơ hội lớn cho hàng nông sản Việt Nam tiến sâu vào các thị trường lớn. Với năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn còn lớn, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục tăng mạnh. Đặc biệt, ngành thủy sản có nhiều lợi thế ở thị trường CPTPP.

Doanh nghiệp Việt cũng sẽ đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hơn dựa trên lợi thế có được từ các nước thành viên CPTPP. Theo Bộ Công thương, tại thị trường Canada, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan, xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo cho Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực. Như vậy, sản phẩm gỗ và gạo vào thị trường Canada đã được miễn thuế.

Chi lê cũng xóa bỏ thuế quan với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực.

Còn tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam được xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ. 

Chuyển mình để thích ứng

Hàng rào thuế quan với nhiều mặt hàng vào thị trường CPTPP được gỡ bỏ, nhưng để vào được các thị trường này, nông sản Việt Nam sẽ phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Là doanh nghiệp số 1 Việt Nam về xuất khẩu tôm, nhưng CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào thị trường Úc, một nước thành viên của khối CPTPP. Úc có hàng rào kỹ thuật tương đối gắt gao đối với sản phẩm tôm tươi nhập khẩu, không nhập sản phẩm tôm có bệnh đốm trắng, đầu vàng.

Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc MPC cho biết, để thoát được cửa kiểm duyệt này, MPC phải nhập máy kiểm virus trên con tôm để sàng lọc tôm đạt chuẩn trước khi xuất vào thị trường Úc. Công ty đang triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm sạch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCP Nafoods Group cho biết đang tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm vào các thị trường xuất khẩu. Mới đây, Nafoods quyết định bắt tay với Công ty 4Ways Pts.

Theo đó, Nafoods sẽ nhận hỗ trợ từ 4 Ways trong việc phân phối sản phẩm trái cây tươi và sản phẩm thương mại của mình tại thị trường Úc; còn 4 Ways sẽ nhận hỗ trợ từ Nafoods trong việc phân phối các sản phẩm Úc tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, hai bên cùng chia sẻ cơ hội đầu tư, phát triển sản phẩm hữu cơ và các cơ hội khác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

CPTPP hay các hiệp định thương mại tự do khác giúp mở ra một chợ nông sản xuyên biên giới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã nhìn nhận trong sân chơi ấy, cơ hội nhiều nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro. Đó là áp lực tái cơ cấu, áp lực đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD, GDP tăng trưởng 3%. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, cùng với việc giữ các thị trường truyền thống, doanh nghiệp ngành này cần xây dựng các kế hoạch khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đem lại, đặc biệt là CPTPP và tới đây là EVFTA.

Tin bài liên quan