Hơn 80% đất nông nghiệp ở châu Phi chưa được canh tác thực sự.

Hơn 80% đất nông nghiệp ở châu Phi chưa được canh tác thực sự.

Nông nghiệp châu Phi hấp dẫn các NĐT thế giới

(ĐTCK) Theo tính toán của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), nếu sản xuất nông nghiệp trên thế giới tăng 60% có thể cung cấp đủ lương thực cho toàn bộ dân chúng trên thế giới. Tiềm năng lớn nhất được cho là nằm ở châu Phi.

Châu Phi có diện tích đất đai canh tác nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, so sánh quốc tế thì phương thức canh tác của nông dân châu Phi còn lạc hậu, sản lượng thu được trên 1 héc-ta rất thấp. Nếu các quốc gia châu Phi sử dụng phân bón và có hệ thống tưới tiêu tốt hơn như ở Senegal , thì sản lượng có thể tăng gấp đôi. Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, nhiều nước châu Phi đã có thể tăng mạnh sản lượng lương thực của họ. Tại Malawi, sản lượng ngô hiện tăng gấp 5 lần so với 50 năm trước và năng suất tăng gấp đôi, lên 2 tấn ngô/héc-ta. Theo tài liệu nghiên cứu của FAO, nếu có đủ phân bón và hệ thống thủy lợi tưới tiêu thì năng suất sẽ tăng lên 5 tấn/héc-ta trong tương lai.

Các NĐT trên thế giới đã phát hiện ra tiềm năng phát triển nông nghiệp ở châu Phi, nhưng hiện đại hóa nền nông nghiệp đó như thế nào để bản thân người dân châu Phi cũng được hưởng lợi? Các chuyên gia Đức dự đoán, đến năm 2050, dân số châu Phi sẽ tăng lên gấp đôi so với mức 1 tỷ người hiện nay. Nhu cầu lương thực thường xuyên tăng lên và tầng lớp trung lưu đòi hỏi chất lượng cuộc sống cao hơn. Vì vậy, nông nghiệp châu Phi đứng trước thách thức rất lớn.

Ông Kpoko Bokanga thuộc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã kêu gọi các NĐT hỗ trợ cho nông dân địa phương để họ có những mùa màng năng suất cao hơn. Theo ông Bokanga, nếu làm đúng và đưa công nghệ hiện đại vào những cánh đồng sẽ tạo ra một bức tranh mới trong nông nghiệp châu Phi và kìm hãm được dòng người di cư khỏi nông thôn. Song ông Bokanga nhấn mạnh, chỉ riêng giải pháp đưa công nghệ hiện đại vào áp dụng trên những cánh đồng để tăng năng suất thôi là chưa đủ. Cần có cái nhìn tổng thể cho quá trình sản xuất, đó là trồng cấy trên các cánh đồng, thu hoạch, chế biến và tiếp thị tiêu thụ sản phẩm.

Ông Carl Heinrich Bruhn, Giám đốc Công ty Amatheon, một trong nhiều công ty Đức đầu tư vào châu Phi cho biết, Công ty đã ký hợp đồng thuê 30.000 héc-ta đất ở Zambia trong vòng 99 năm. Công ty có kế hoạch phát triển dự án đầu tiên xây dựng một trang trại sản xuất với sản lượng cao. Diện tích thuê là một vùng đất nằm trong dự án nông nghiệp thương mại đã có kế hoạch từ lâu, nhưng chủ dự án không có tiền đầu tư. Công ty đã cùng với những người nông dân địa phương vạch ra một chương trình hoạt động mà các bên đều có lợi. Chẳng hạn, nông dân ở những vùng xa xôi cho đến nay không có điều kiện tiếp cận với phân bón, hạt giống và thuốc chống sâu bệnh, bảo vệ thực vật…, thông qua việc thành lập trung tâm nông nghiệp, Công ty có thể cung cấp những loại vật liệu đó cho các hộ tiểu nông và họ có thể khởi động chu trình sản xuất nông nghiệp của họ một cách thuận lợi.

Ông Bruhn nói rằng, Công ty cũng sẽ giúp đỡ những hộ nông dân độc lập có thể tiếp thị sản phẩm của họ, bởi cho đến nay họ không có điều kiện và cơ hội tiếp cận các thị trường lớn. Vì Công ty hoạt động theo chu trình khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên có thể bao tiêu luôn sản phẩm của các hộ tiểu nông địa phương và đưa tới tiêu thụ ở Thủ đô Lusaca. Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty đã thu hoạch vụ đậu nành đầu tiên, sau đó gieo tiếp hạt lúa mì. Cả hai sản phẩm này không nhằm xuất khẩu, bởi ngay ở Zambia cũng có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, không phải mọi vấn đề đều trôi chảy. Ông Bruhn cho biết, từ tháng 1/2013, Công ty muốn kết nối với lưới điện công cộng, nhưng việc xây dựng đường dây bị ngừng trệ. Mặc dù vậy, ông vẫn lạc quan khi cho rằng, chỉ thời gian ngắn nữa là có thể tắt máy phát điện.

Thực tế cho thấy, các NĐT ngày càng quan tâm hơn tới lĩnh vực nông nghiệp châu Phi, bởi hiện có hơn 80% đất nông nghiệp ở châu lục này chưa được canh tác thực sự. Theo bà Birgt Wilhelm thuộc Tổ chức Bảo vệ môi trường thế giới thì đất đai nơi đây cằn cỗi, cần phải có phân bón và chất dinh dưỡng.