Thời tiết đang là vấn đề thời sự được hàng nghìn hộ trồng cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm khi mà trên 12.000 hecta cà phê kinh doanh ở địa phương này đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Việc đến gần giữa tháng 11 trời vẫn còn mưa do ảnh hưởng của các cơn bão khiến người trồng cà phê đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Đình Chính, thôn 3, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà ngao ngán bên đống cà phê vừa thu hoạch của gia đình: “Bão gió nhiều ảnh hưởng rất lớn đến cây, quả chín bị rụng xuống. Nếu mang về phơi cũng không được như ý. Rất nhiều yếu tố để làm nên hạt cà phê. Nếu có nắng thì còn đạt được tiêu chuẩn cà phê ngon. Nhưng mưa bão như hiện tại bây giờ, thời tiết này phơi phải rất lâu. Mà khi đã lâu rồi nó bị ảnh hưởng đến nhân không đạt tiêu chuẩn, đen, mốc”.
Cùng với khó khăn do trời mưa, thiếu nhân công cũng đang là câu chuyện lặp lại ở huyện Đăk Hà trong vụ thu hoạch cà phê năm nay. Nhà có 1 hecta cà phê đã chín, mất nhiều ngày tìm kiếm tại chợ lao động ngã ba xã Hà Mòn, song anh Hoàng Văn Mười, thôn 5 vẫn chưa thuê được nhân công để thu hoạch.
“Thuê nhân công rất khó khăn. Người đi tìm người hái thì nhiều chứ người hái rất ít. Công cao lại không có người hái cộng với mưa gió nên việc bị ùn tắc lại”, anh Hoàng Văn Mười than thở.
Người trồng cà phê ở Đăk Hà khó tìm được lao động thu hái cà phê |
Để thu hoạch được 1 hecta cà phê với năng suất khoảng 15 tấn quả tươi cần 10 lao động làm việc trong vòng 10 ngày. Mỗi tấn cà phê nông dân ở huyện Đăk Hà phải trả cho nhân công thu hái từ 800.000 đến 950.000 đồng. Với giá bán gần 6.000 đồng/kg quả tươi như hiện nay trừ các khoản đầu tư, người trồng cà phê chắn chắc lại thêm một vụ thu hoạch buồn.
Cà phê đã chín song do mưa và thiếu nhân công nên chưa thể thu hái |
“Năm nào cũng thế, 4 năm nay rồi cà phê rẻ như thế, quá lỗ luôn. Như năm ngoái, tôi phải vay thêm ngân hàng 40 triệu trang trải tiền phân. Nếu không thu cứ để đấy cũng không được. Mình hái một mình thì hái không được. Tính cả xe, công, phân tro, cuối năm không có đồng nào cầm về. Còn phải vay thêm để mà đập vào”, chị Lê Thị Minh, nhà có gần 2 hecta cà phê chán nản.
Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum phải bán được giá 7.000 đồng/kg cà phê tươi, người trồng cà phê mới đảm bảo hòa vốn đầu tư. Cùng với nhiều năm liền giá thu mua thấp, thời tiết lại đang không thuận lợi, khó khăn trong việc thuê công thu hái, người trồng cà phê ở tỉnh Kon Tum đang bắt đầu vụ thu hoạch mới với chồng chất khó khăn khiến họ nản lòng.