Tỷ lệ CASA cuối năm 2020 của Techcombank là 46,1%, MB 37%, MSB 29%, ACB 21,5%, TPBank 19,4%... Ảnh: Dũng Minh

Tỷ lệ CASA cuối năm 2020 của Techcombank là 46,1%, MB 37%, MSB 29%, ACB 21,5%, TPBank 19,4%... Ảnh: Dũng Minh

Nóng cuộc đua CASA của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có chi phí vốn gần bằng 0 nên các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư hệ thống thanh toán hiện đại nhằm tăng cường số lượng các giao dịch chuyển tiền, từ đó tăng tỷ trọng CASA.

Mục tiêu CASA

Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 40% so với năm 2020, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV chia sẻ, dự kiến thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%, các khoản thu ngoài lãi tăng 16 - 17%, thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng năm nay còn đến từ tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn. Năm ngoái, BIDV gia tăng tỷ lệ CASA và đây là mục tiêu dài hạn. Năm 2021, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên tối thiểu 16%.

MSB có kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 3.280 tỷ đồng, tăng 30% so năm ngoái nên tiếp tục định hướng tập trung cho mảng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân và ngân hàng số. MSB là ngân hàng tốp đầu thị trường về chiến lược sản phẩm, giúp huy động được nguồn vốn giá tốt, đem lại biên lợi nhuận cao. Tỷ trọng CASA trên tổng tiền gửi của MSB tăng từ 20% năm 2019 lên 29% năm 2020, trong khi tổng huy động tăng 10%. Ngân hàng đặt chỉ tiêu CASA đạt mốc 40.000 tỷ đồng vào năm 2023.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, năm 2020, VIB là nhà băng duy nhất trên thị trường có mảng ngân hàng bán lẻ (retail banking) chiếm 84% tổng tín dụng và phát triển vượt bậc trong 4 năm trở lại đây với gần 3 triệu khách hàng cá nhân. Quá trình chuyển dịch đó giúp CASA đi lên đều đặn, năm 2020, riêng CASA của retail banking tăng 71% và chiếm 10% tổng huy động mảng này. VIB sẽ đưa tỷ trọng CASA lên 20% trong 1 - 1,5 năm tới.

Tại MB, năm 2020, dòng tiền tiết kiệm tiếp tục chảy mạnh vào Ngân hàng. Trong đó, CASA vượt qua tỷ lệ 37% (115.194 tỷ đồng/310.960 tỷ đồng). Năm 2021, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25 - 30%, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng và CASA được xem là một trong những động lực tăng trưởng của Ngân hàng.

NIM sẽ cải thiện

Tỷ lệ CASA cao còn thể hiện hành trình chuyển đổi chiến lược bán lẻ nhằm thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa và việc liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng. Năm 2020, Techcombank đã cung ứng, đưa sản phẩm đa dạng lên ngân hàng số, từ các tiện ích thanh toán hàng ngày tới cấp thẻ tín dụng phê duyệt trước, quản lý tài chính và mua bán các sản phẩm đầu tư. Các giải pháp này đã mang lại cho khách hàng trải nghiệm tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó đưa Techcombank trở thành ngân hàng giao dịch chính của nhiều khách hàng hơn. Tỷ lệ CASA của Techcombank đã bứt tốc trong năm 2020, lên mức cao nhất thị trường là 46,1%.

ACB sau nhiều năm có tỷ lệ CASA dưới 20% thì năm 2020 tăng lên mức 21,5%, chiếm vị trí thứ tư (vị trí thứ hai là MB, thứ ba là MSB). Vị trí thứ 5 thuộc về TPBank với 19,4% và BIDV đứng 6 với tỷ lệ sít sao là 19,3%.

Cuộc đua CASA được dự báo sẽ tiếp tục nóng trong năm 2021, vì tiền gửi không kỳ hạn là một cấu phần quan trọng trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Đây là loại tiền gửi có lãi suất thấp nhất, chỉ quanh mức 0,2%/năm.

Chỉ số CASA tăng, hỗ trợ cho chi phí vốn các nhà băng tiếp tục giảm. Các ngân hàng cũng được hưởng lợi lớn từ dòng vốn rẻ này. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng chững lại trong quý II/2021 do lãi suất giảm, miễn giảm lãi và các khoản vay được tái cấu trúc, nhưng sang quý III/2020, NIM phục hồi lên mức cao nhất trong 12 quý liên tiếp. Nguyên nhân là do lãi suất huy động giảm, CASA cải thiện và các gói vay có lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dần kết thúc.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, các ngân hàng có những lợi thế sau sẽ có nhiều cơ hội cải thiện NIM: tỷ lệ CASA cao hoặc tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) thấp hơn, dẫn đến giảm chi phí vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay; ngân hàng có tỷ lệ thâm nhập thấp trong phân khúc bán lẻ, tức mở rộng mảng cho vay cá nhân với lãi suất cao hơn; ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp sẽ có nợ xấu tăng chậm hơn, qua đó giảm nguy cơ phải thoái thu nhập lãi. CASA được cải thiện mạnh sẽ giúp lãi suất huy động có kỳ hạn giảm.

Tin bài liên quan