Dư nợ cho vay của nhiều công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý III/2020. Ảnh: Dũng Minh

Dư nợ cho vay của nhiều công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý III/2020. Ảnh: Dũng Minh

Nóng chuyện cho vay margin trước giờ G

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhà đầu tư nước ngoài có được phép vay ký quỹ (margin) hay không? Câu hỏi này nhận được nhiều tranh luận và mối quan tâm của thành viên thị trường trước thời điểm các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán mới được ban hành.

Ngành ngân hàng chưa cho phép

Khoản 2, Điều 9 dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Bộ Tài chính quy định, nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện giao dịch ký quỹ.

Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến các công ty chứng khoán, ngân hàng và thành viên thị trường lần cuối trước khi cơ quan quản lý ban hành Thông tư vào tuần qua, nhiều công ty chứng khoán đề xuất cho nhà đầu tư nước ngoài cư trú ở Việt Nam được thực hiện giao dịch ký quỹ.

Thực tế, đề xuất này đã được đưa ra trước đây mỗi khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét sửa đổi các quy định về cho vay ký quỹ, song lần nào cũng bị cho qua với lý do các quy định của Ngân hàng Nhà nước không cho phép.

Trước đề xuất lần này của các công ty chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nếu Ngân hành Nhà nước đồng ý, Ủy ban ủng hộ việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài cư trú tại Việt Nam được giao dịch cho vay ký quỹ.

Một số quan ngại

Vấn đề ở chỗ, cơ quan quản lý ngành ngân hàng tỏ ra quan ngại về tình trạng bùng nổ cho vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán. Một nguồn tin cho biết, trong công văn trả lời Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi được xin ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dịch vụ cho vay ký quỹ mà các công ty chứng khoán đang thực hiện “lấn sân” các tổ chức tín dụng. Theo đó, rất khó để Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài được vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng tỏ ra quan ngại về tình trạng bùng nổ cho vay ký quỹ trên thị trường chứng khoán

Một số công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty có vốn Hàn Quốc cho biết, họ nhận được đề nghị cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ của nhiều khách hàng nước ngoài.

Nếu các công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thanh khoản và sự sôi động của thị trường chứng khoán có thể gia tăng đáng kể.

Thanh khoản thị trường trong những tháng gần đây duy trì ở mức cao được nhìn nhận có sự hỗ trợ đắc lực từ dòng tiền vay ký quỹ. Theo thống kê, dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay ký quỹ) trên toàn thị trường tính tới cuối quý III/2020 đạt trên 66.000 tỷ đồng, tăng 19% so với quý II và tăng 33% so với quý I.

Dư nợ cho vay của nhiều công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý III/2020. Chẳng hạn, dư nợ cho vay tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) tăng 42%, lên 6.022 tỷ đồng; tại Công ty Chứng khoán VPS tăng 57%, lên 3.172 tỷ đồng; tại Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tăng 49%, lên 3.010 tỷ đồng; tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tăng 31%, lên 1.729 tỷ đồng…

Xét con số tuyệt đối, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam hiện đứng vị trí số 1 về dư nợ cho vay tính đến hết quý III/2020 là 9.670 tỷ đồng, tăng 13%. Nếu quy định cho nhà đầu tư nước ngoài cư trú tại Việt Nam được phép vay ký quỹ, các công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc có thể lập kỳ tích về tốc độ và giá trị cho vay.

Dù vậy, nhìn đi cũng phải soi lại. Đi kèm với việc nới lỏng cho vay, cơ quan quản lý thị trường luôn phải tính đến chuyện quản trị rủi ro, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dây chuyền trên thị trường chứng khoán, vốn rất nhạy cảm với chuyện kim tiền.

Trong quá khứ, thị trường chứng khoán từng có những đợt điều chỉnh sâu, lao dốc mạnh được cho là có nguyên nhân tác động từ dòng vốn nóng, vốn vay, dẫn đến việc bán dây chuyền, ép bán để thu nợ.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư vẫn truyền miệng về tình trạng công ty chứng khoán “xé rào” trong cho vay ký quỹ. Mặc dù tỷ lệ ký quỹ tối thiểu hiện nay là 50%, nhưng các công ty chứng khoán thường tìm cách lách để đẩy tỷ lệ này xuống 40%, 30%, thậm chí 20%. Nhà đầu tư được vay nhiều hơn, trong khi công ty chứng khoán tăng nguồn thu từ phí giao dịch và lãi vay. Nhưng hệ lụy cho thị trường là không nhỏ mỗi khi thị trường giảm mạnh, công ty chứng khoán đua nhau bán tháo cổ phiếu để thu nợ từ nhà đầu tư. Chưa hết, một số công ty chứng khoán như Chứng khoán Phú Hưng, Chứng khoán Yuanta từng bị phạt vì nhập nhằng dịch vụ cho vay ký quỹ.

Cũng không thể không lưu tâm đến việc quản trị rủi ro thị trường do tình trạng cho vay ký quỹ “nóng”. Theo phản ánh của các công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chưa có hệ thống hoặc công cụ để tính toán tổng hợp dư nợ cho vay ký quỹ của cả thị trường đối với một mã chứng khoán ở một thời điểm nhất định.

Hiện dữ liệu cho vay ký quỹ chi tiết hàng ngày chỉ có bản thân từng công ty chứng khoán nắm được. Cuối ngày, các công ty chứng khoán lập báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nhưng như đã đề cập, cơ quan này chưa có hệ thống để tổng hợp dữ liệu, từ đó có số liệu tổng quát về dư nợ cho vay của toàn thị trường đối với một mã chứng khoán. Sẽ rất khó để bật chế độ “đèn vàng” nếu tình trạng vay nợ lớn xảy ra.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán quy định, tại mỗi công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản giao dịch ký quỹ. Tài khoản giao dịch ký quỹ là tài khoản riêng biệt hoặc được quản lý riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản của tài khoản giao dịch chứng khoán hiện có của nhà đầu tư.

Công ty chứng khoán phải hạch toán tách biệt tài khoản giao dịch ký quỹ với tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường của từng nhà đầu tư, tách biệt tài khoản giao dịch ký quỹ và tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường giữa các nhà đầu tư.

Trong khi đó, đại diện một số công ty chứng khoán kiến nghị, với những tiến bộ về công nghệ hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên cho phép nhà đầu tư được một mở tài khoản chứng khoán, trong đó tích hợp các dịch vụ như giao dịch chứng khoán cơ sở, giao dịch chứng khoán ký quỹ, giao dịch chứng khoán phái sinh…

Làm như vậy sẽ giúp các công ty chứng khoán quản lý tiền và tài sản của nhà đầu tư một cách thông suốt, thống nhất, trong khi nhà đầu tư không phải “lích kích” thực hiện nhiều thao tác, nghiệp vụ như mở nhiều tài khoản, ký nhiều hợp đồng, chuyển tiền đến và đi giữa các tài khoản trong cùng công ty chứng khoán.

Tin bài liên quan