HPG có được hưởng lợi từ chính sách ?
Hàng loạt DN sản xuất thép có tên tuổi, như Công ty Thép Pomina, Công ty Thép Tây Đô, Công ty Sản xuất thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Shengli, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, CTCP Sản xuất thép Việt Đức, CTCP Thép Việt Ý, Công ty TNHH Thép VSC - Posco, Công ty TNHH Thép Việt Pháp, CTCP Thép Thái Bình Dương, CTCP Thép Dana Ý đã đồng lòng ký tên vào bản kiến nghị gửi Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) để nói về chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của các DN ngành thép.
Theo các DN này, hai năm trở lại đây, hàng loạt DN sản xuất thép xây dựng bỗng nhiên hoạt động chựng lại. Nguyên nhân chính không phải do thực trạng kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, mà là từ quyết định cấm xuất khẩu quặng sắt.
Cho dù “Nhận thức được bối cảnh và nguyên nhân vì sao Chính phủ quyết định dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt qua việc ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg vào đầu năm 2012”, nhưng các DN sản xuất thép trên vẫn cho rằng, chính sách này, trong một chừng mực nhất định, mới chỉ tạo cơ hội cho duy nhất một DN là HPG phát triển.
Theo bản kiến nghị, việc dừng xuất khẩu quặng sắt đã đẩy giá quặng trong nước từ 2.200 đồng/kg xuống còn 1.200 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá quặng sắt thế giới. Đương nhiên, các mỏ khai thác quặng bị lao đao, thu nhập giảm và sự chênh lệch giá này đã tạo cơ hội cho duy nhất HPG, DN hiện đang đầu tư vào công nghệ lò cao được hưởng lợi.
Thậm chí, theo các DN thép trên, việc “HPG đề nghị không cho xuất khẩu quặng sắt, đồng thời cam kết mua toàn bộ quặng sắt đã qua chế biến với giá bằng hoặc cao hơn giá xuất khẩu, nhưng sau đó lại ép giá quặng xuống, chỉ bằng một nửa so với giá thế giới là ngang nhiên đi ngược lại với cam kết ban đầu”.
Cũng chính với ưu thế tuyệt đối từ chính sách trên, nên giá nguyên liệu của HPG rẻ bằng một nửa so với các nhà sản xuất thép khác và HPG đã “lũng đoạn thị trường”, tự làm giá, tự hạ giá khiến các DN thép khác gặp khó. Điều này khiến cho mọi nỗ lực tích lũy vốn, vay ngân hàng để nâng cao công nghệ của các DN thép này bị triệt tiêu, bởi HPG chỉ cần công nghệ Trung Quốc đã mặc nhiên chiếm lĩnh thị trường.
Sản xuất quặng từ lò cao, không dễ có lãi cao
Trên thực tế, hiện có hai DN sản xuất quặng từ lò cao là CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và HPG. Trong khi Tisco sử dụng các mỏ quặng được cấp cho DN để khai thác, thì chỉ có HPG là đơn vị mua quặng sắt lớn nhất trên thị trường, nên cũng chính là nơi được hưởng lợi duy nhất từ chính sách này.
Dù Tisco có nhiều lợi thế trong sản xuất phôi thép với dây chuyền khép kín (từ việc tự khai thác quặng ở những mỏ được cấp, tự sản xuất phôi đến tự cán được thép), song hiệu quả của Tisco lại kém xa HPG. Theo bảng xếp hạng của VSA, với khoảng 9% thị phần thép cán, Tisco hiện đứng thứ 3, chỉ sau Pomina và HPG.
Kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2013 của Tisco cho thấy, DN này sản xuất được 386.619 tấn phôi thép, 197.629 tấn gang lò cao và 484.078 tấn thép cán và tiêu thụ 521.914 tấn với doanh thu 7.478 tỷ đồng, nhưng lại lỗ 288 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2014, Tisco sẽ sản xuất 190.000 tấn gang lò cao, 410.000 tấn phôi và 596.000 tấn thép, nhưng lợi nhuận chỉ đặt khiêm tốn là 35 tỷ đồng. Kể cả năm 2010, năm đỉnh cao về kết quả kinh doanh, thì lợi nhuận trước thuế của Tisco cũng chỉ đạt mức 281 tỷ đồng. Trong khi đó, với thị phần cuối năm 2013 là 15,2%, tăng hơn mức 13,7% của năm 2012, HPG lại có kết quả rất hoành tráng.
Theo công bố của HPG, năm 2013, doanh thu của toàn bộ HPG đạt 19.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.010 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 95% so với năm 2012. Trong đó, nhóm ngành sản xuất thép và các lĩnh vực liên quan (như sản xuất quặng, luyện phôi...) của HPG đã đạt lợi nhuận sau thuế tới 1.668 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 730 tỷ đồng của năm 2012.
Qua đây, có thể thấy, cùng được hưởng chính sách như nhau, song do quản lý tốt..., nên kết quả kinh doanh của HPG cao hơn hẳn so với Tisco.
Dĩ nhiên, việc HPG tăng nhanh thị phần là mối đe dọa trực tiếp với các DN sản xuất thép khác, nhất là những DN phụ thuộc vào phôi nhập khẩu. Ngay Pomina, DN sản xuất được phôi thép (nhưng chủ yếu từ lò điện và bằng nguyên liệu thép phế với nguồn mua từ nước ngoài) cũng trở nên kém cạnh tranh so với phôi được sản xuất từ quặng và lò cao.