Nới tín dụng ngoại tệ, không làm tăng sức cầu?

Nới tín dụng ngoại tệ, không làm tăng sức cầu?

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 37/2012, hướng dẫn cho vay ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đã xuất hiện quan ngại độ mở của văn bản này tác động tiêu cực tới quá trình chống đô-la hóa nền kinh tế.

Nới tín dụng ngoại tệ, không làm tăng sức cầu? ảnh 1

Theo Thông tư 37, nhiều đối tượng được vay ngoại tệ hơn

 

Điều kiện vay đã mở

Theo Thông tư 37/2012, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay; cho vay ngắn hạn để đáp ứng  nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu…

Về nguyên tắc, Thông tư 37 vẫn đảm bảo tính chặt chẽ khi quy định, đối tượng được vay ngoại tệ phải có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc xuất khẩu để trả nợ. Đặc biệt, đối tượng vay ngoại tệ sử dụng trong nước phải bán lại ngoại tệ cho TCTD, ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, cho thấy sự chặt chẽ trong việc quản lý ngoại hối của NHNN, nhằm loại bỏ hoàn toàn tình trạng găm ngoại tệ, đầu cơ tỷ giá của DN xuất khẩu.

Tuy nhiên, có thể thấy, Thông tư 37 đã “mở rộng cánh cửa” tín dụng ngoại tệ khi đưa vào nhiều đối tượng được vay mà các thông tư trước đó đã loại ra. Điểm mở nữa của Thông tư 37 là cho phép các TCTD được cho vay ngoại tệ đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

“Hiện các dự án, công trình như vậy chưa nhiều (mới chỉ xuất hiện ở một số lĩnh vực như dầu khí, viễn thông, điện lực, trồng rừng), nhưng theo tôi, đây có thể là một động thái đón đầu một xu hướng có thể trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai gần”, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh tiền tệ, Phòng Kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định.

Bên cạnh đó, điểm mới tại Thông tư 37 là các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu năm 2013 có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ sẽ được vay. Điều này đồng nghĩa với việc, kể từ ngày 1/1/2013 (thời điểm Thông tư 37 có hiệu lực), các DN trên đương nhiên được vay, chứ không phải xin phép NHNN như trước. Rõ ràng, đây là một bước đi nhằm đơn giản hóa thủ tục đối với DN nhập khẩu xăng dầu, một mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế.

 

Nhưng nhu cầu vay sẽ không tăng mạnh

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến hết năm 2012, tín dụng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, với việc Thông tư 37 được ban hành, nhiều chuyên gia nhận định, tín dụng ngoại tệ sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhu cầu vay ngoại tệ sẽ tăng do chênh lệch lãi suất hiện vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, nỗi lo lớn nhất của các DN khi vay ngoại tệ là rủi ro tỷ giá cũng gần như bị loại bỏ khi trong năm 2012, tỷ giá rất ổn định. Sự ổn định này nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2013, khi nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào do xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ nhờ vào các thị trường xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ có những cải thiện; dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp, kiều hối… vẫn rất mạnh.

Với sự ra đời của Thông tư 37, khả năng lượng khách hàng vay ngoại tệ có thể tăng lên, nhưng mức tăng dự báo sẽ không lớn. Hiện sản xuất - kinh doanh vẫn đang gặp khó do sức cầu trong nước vẫn yếu, sức cầu nước ngoài nhu cầu phục hồi chậm chạp dẫn đến tồn kho lớn, khiến DN không mặn mà mở rộng sản xuất - kinh doanh. Bởi vậy, nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu trong năm nay được nhận định sẽ không có nhiều đột biến so với năm 2012. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, quy định tại Thông tư 37 vẫn rất chặt, nhiều DN nhập khẩu có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tìm được “lối đi”.

“Thông tư 37 có độ mở nhất định, nhưng điểm mở chủ yếu mang tính kỹ thuật, thủ tục hơn là về bản chất. Do vậy, ngoại trừ khối DNNN, các DN tư nhân cho dù có nhu cầu vay ngoại tệ vẫn rất khó tiếp cận, nên không tạo ra lực đẩy cho phía cầu tín dụng ngoại tệ. Bên cạnh đó, NHNN đang đặt trọng tâm kiểm soát lạm phát, rất thận trọng trong chính sách điều hành tiền tệ, nên không có điểm gì đáng quan ngại. Tuy nhiên, NHNN vẫn cần tính toán để có ‘cửa’ cho DN nhập khẩu cũng như hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu mạnh mẽ hơn”, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng nhận định.