Vào tháng 6, ông Justin Bgoni - Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Zimbabwe nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ Chính phủ với lệnh: Đóng cửa thị trường chứng khoán, khi đó vẫn được đánh giá là “có diễn biến tốt nhất thế giới”.
Tính đến khi đóng cửa (26/6), thị trường chứng khoán nước này đã tăng 677% so với đầu năm, bất chấp dự báo từ các chuyên gia kinh tế trong nước rằng GDP Zimbabwe giảm hơn 10%.
Trong một thông báo, Bộ Thông tin Zimbabwe cáo buộc sàn chứng khoán nước này đang “phá hoại nền kinh tế”, chấp nhận nhiều thương vụ niêm yết giả mạo khiến giá nội tệ lao dốc. Tiêu biểu là việc niêm yết của Ngân hàng Old Mutual (Nam Phi).
Chênh lệch giá cổ phiếu của ngân hàng này tại sàn London và Harare được sử dụng rộng rãi để ước tính giá thị trường của đôla Zimbabwe.
Theo giá cổ phiếu ngày 26/6, một đôla Mỹ đổi được 122 đôla Zimbabwe. Trong khi đó, tỷ giá chính thức là 66 đôla Zimbabwe và chợ đen đầu tuần này là 85 - 100 đôla Zimbabwe.
Sàn giao dịch chứng khoán được xem là nơi có thể bảo vệ nhà đầu tư Zimbabwe khỏi tình trạng lạm phát tăng vọt. Đóng cửa nơi này là rắc rối tài chính mới nhất tại quốc gia có lịch sử tiền tệ rối ren như Zimbabwe.
Lần cuối cùng họ đóng cửa sàn chứng khoán là năm 2008, khi lạm phát đạt đỉnh 79,6 tỷ%.
Covid-19 dường như đang đẩy Zimbabwe vào tình trạng khẩn cấp kinh tế mới. Lệnh phong tỏa tại các quốc gia như Nam Phi đã chặn đứng lượng kiều hối của Zimbabwe, vốn lên tới 839 triệu USD năm ngoái.
Lạm phát tại đây đang tăng tốc trở lại, đạt 786% hồi tháng 5. Đồng đôla Zimbabwe cũng mất giá.
Nhà đầu tư thì đang hoảng loạn với việc thị trường chứng khoán bị đóng cửa. Thedias Kasaira, môi giới chứng khoán của công ty Imara Securities cho biết, ông bị ngập trong các cuộc gọi từ các khách hàng. Họ muốn biết vấn đề này là gì và khi nào sẽ được giao dịch trở lại. “Thật đáng buồn khi chúng tôi không có câu trả lời cho điều đó”, ông nói.
Vài năm gần đây, những nhà đầu tư giàu có đang đổ của cải vào sàn Harare. Năm nay, khối lượng giao dịch trên sàn tăng hơn một phần ba so với một năm trước đó. Nhà đầu tư địa phương muốn bảo vệ tài sản của mình khỏi siêu lạm phát.
Giống như Venezuela và Iran, tại Zimbabwe, chứng khoán là công cụ dễ tiếp cận nhất có thể giữ được giá trị khi nội tệ giảm giá.
Siêu lạm phát quay lại Zimbabwe cho thấy sự thất bại của Tổng thống Emmerson Mnangagwa trong việc đảo ngược tình thế cho nền kinh tế này.
Vì Zimbabwe vẫn còn các khoản vay quá hạn với Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khác, họ không đủ điều kiện nhận viện trợ khẩn cấp khi khó khăn kinh tế do đại dịch.
Số liệu chính thức cho thấy nước này chỉ có 734 ca nhiễm tính đến ngày 6/7. Tuy nhiên, xét nghiệm chỉ giới hạn ở những người Zimbabwe trở về từ nước ngoài.
Khi đóng cửa sàn chứng khoán, nước này cũng cấm các giao dịch tiền qua điện thoại di động giá trị trên 5.000 đôla Zimbabwe. Việc này đã cắt đứt phương thức mua USD phổ biến nhất của người dân.
Tuy nhiên, loạt biện pháp này được cho là có hiệu quả rất ít trong việc ngăn nội tệ mất giá. Các trạm xăng và cửa hàng vẫn yêu cầu thanh toán bằng USD và người tiêu dùng vẫn quay cuồng trong 4 loại tỷ giá.