Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi sợ lấn át tâm trí nhà đầu tư

(ĐTCK) Chỉ sau 1 phiên hồi phục khi phản ứng tích cực với các gói kích thích kinh tế, nỗi sợ đại dịch Covid-19 đã nhanh chóng trở lại với nhà đầu tư trong phiên cuối tuần (20/3).

Kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế, phố Wall mở cửa phiên giao dịch cuối tuần trước duy trì sắc xanh có được trong ngày thứ Năm và giao dịch giằng co quanh tham chiếu trong phiên sáng. Tuy nhiên, sau khi New York và California áp đặt lệnh phong tỏa để kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm bệnh vượt con số 12.000 người, phố Wall đã đồng loạt quay đầu giảm điểm với mức giảm trên dưới 4%.

Ngoài ra, việc chính quyền liên bang quyết định đóng cửa biên giới với Mexico và Canada cũng khiến giới đầu tư thêm lý do để không dám mạo hiểm.

Nỗi sợ Covid-19 đã thổi bay của S&P gần 32%, tương đương với khoảng 9.000 tỷ USD kể từ mức đỉnh 19/2/2020.

Phiên sụt giảm cuối tuần này cũng khiến thành quả mà Dow Jones có được kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức (ngày 20/1/2017) bị xóa sạch, thậm chí chỉ số này còn âm vào 3%.

Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones giảm 913,21 điểm (-4,55%), xuống 19.173,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 104,47 điểm (-4,34%), xuống 2.304,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 271,06 điểm (-3,79%), xuống 6.879,52 điểm.

Phiên hồi phục nhẹ hôm thứ Năm không thể giúp phố Wall thoát khỏi tuần tuần lao dốc tiếp theo, thậm chí mức giảm còn mạnh hơn tuần trước đó và là tuần tệ hại nhất kể từ tháng 10/2008. Cụ thể, trong tuần chỉ số Dow Jones giảm 17,30%, chỉ số S&P giảm 14,98% và Nasdaq giảm 12,64%.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp khi nhà đầu tư khu vực này kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu đưa ra trong các ngày trước đó.

Kết thúc phiên 20/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 39,17 điểm (+0,76%), lên 5.190,78 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 318,52 điểm (+3,70%), lên 8.928,95 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 193,31 điểm (+5,01%), lên 4.048,80 điểm.

Hai phiên hồi phục cuối tuần đã giúp chứng khoán châu Âu lấy lại được phần nhiều số điểm đã mất trong 3 phiên lao dốc đầu tuần, nhưng không thể giúp chứng khoán khu vực này hồi trở lại sau tuần giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 tuần trước đó.

Cụ thể trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 3,27%, chỉ số DAX giảm 3,28%, chỉ số CAC40 giảm 1,69%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ngoại trừ chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày lễ Xuân Phân, còn lại các thị trường khác đều tăng điểm mạnh khi nhà đầu tư đặt cược vào các gói kích cầu nên ồ ạt bắt đáy. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông tăng hơn 5%, chứng khoán Hàn Quốc tăng hơn 7,4%, phiên tăng điểm mạnh nhất trong hơn 11 năm qua.

Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 43,49 điểm (+1,61%), lên 2.745,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 1.095,94 điểm (+5,05%), lên 22.805,07 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 108,51 điểm (+7,44%), lên 1.566,15 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 5,04%, chỉ số Hang Seng giảm 5,11%, chỉ số Shanghai Composite giảm 4,91% và Kospi giảm 11,59%, bất chấp phiên khởi sắc cuối tuần.

Lực cầu bắt đáy giúp giá vàng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, dù có thời điểm rung lắc do đà hồi phục của chứng khoán và đồng USD tăng giá.

Kết thúc phiên 20/3, giá vàng giao ngay tăng 27,4 USD (+1,86%), lên 1.498,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 5,3 USD (+0,36%), lên 1.484,6 USD/ounce.

Phiên hồi phục cuối tuần chỉ đủ giúp hãm bớt sự mất mát của giá vàng, chứ không thể giúp giá kim loại quý này tránh khỏi tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,03% và giá vàng tương lai giảm 2,12%. Trong tuần trước đó, mức giảm lần lượt là 8,59% và 9,31%.

Với 3 tuần giảm sâu liên tiếp, giới phân tích cho rằng, vàng gần như đã tạo đáy và sẽ bật lại trong tuần tới, trong khi giới đầu tư có vẻ thận trọng hơn, dù đa số cũng đặt cược vào đà tăng của gá vàng trong tuần mới.

Cụ thể, trong 13 chuyên gia được hỏi trả lời tuần này, có 9 chuyên gia, chiếm 69% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, cao hơn rất nhiều con số 40% của tuần trước. Không có ai dự báo giá sẽ tiếp tục giảm, trong khi tuần trước là 40%. 4 người còn lại, chiếm 31% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Trong khi đó, trong 1.163 lượt nhà đầu tư trả lời thăm dò trực tuyến, có 589 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chiếm 51%, thấp hơn con số 61% của tuần trước; 365 lượt, chiếm 31% dự báo giá sẽ còn giảm, cao hơn con số 25% của tuần trước và 209 lượt, chiếm 18% dự báo giá đi ngang.

Với nỗi lo về đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, ảnh hưởng tới sức cầu, trong khi lượng cung lại gia tăng do cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê út và Nga khiến giá dầu nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại sau phiên hồi phục mạnh mẽ hôm thứ Năm. Phiên giảm cuối tuần đã lấy đi phân nửa những gì đã có trong ngày thứ Năm.

Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,79 USD (-12,44%), xuống 22,43 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,49 USD (-5,52%), xuống 26,98 USD/thùng.

Dù có phiên hồi phục trong phiên ngày thứ Năm, nhưng với 4 phiên lao dốc còn lại trong tuần, giá dầu thô tiếp tục có tuần giảm tệ hại thứ 2 liên tiếp, cũng là mức giảm tệ nhất kể từ năm 2008. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ tuần qua giảm 29,31% sau khi đã mất 23,13% tuần trước đó, còn giá dầu thô Brent giảm 22,85%, sau khi đã mất 22,75% trong tuần trước đó.

Tin bài liên quan