Sau kỳ nghỉ cuối tuần dài, đánh dấu thời điểm kết thúc mùa hè, giới đầu tư có tâm lý ngại rủi ro hơn khi bắt đầu tuần giao dịch mới tại Mỹ.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Hai (7/9) tuyên bố, Washington vẫn đang nung nấu ý định "tách rời" Mỹ khỏi Trung Quốc, khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể hạ nhiệt.
Trong khi đó, Bắc Kinh cáo buộc Washington có hành vi “bắt nạt” ngay khi tung ra sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu trong ngày 8/9.
Lo ngại về các lệnh trừng phạt tiềm tàng của Mỹ đối với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng khiến cho tâm tý của các nhà đầu tư thêm phần thận trọng.
Chứng khoán Mỹ đóng cửa với phiên giảm phiên thứ ba liên tiếp và là phiên giảm sâu nhất trong 3 phiên. Các nhà phân tích cho rằng, đà giảm xuất phát từ nỗi lo cổ phiếu công nghệ đã tăng quá mạnh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, giới quan sát kỳ vọng, đây sẽ không phải là một đợt bán tháo kéo dài trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang có chính sách tiền tệ phù hợp, trong đó việc cho phép lạm phát có thể vượt mức tiêu chuẩn 2%.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số Dow Jones giảm -159,42 điểm (-0,56%), xuống 27.500,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 95,12 điểm (-2,78%), xuống 3.331,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 465,44 điểm (-4,11%), xuống 10.847,69 điểm.
Trong khi đó, căng thẳng Brexit đè nặng khiến chứng khoán châu Âu lao dốc. Các cuộc đàm phán thương mại, yếu tố then chốt đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) một cách suôn sẻ, đang rơi vào tình trạng bế tắc sau khi Anh cảnh báo EU, London có thể sẽ "không cần" đến thỏa thuận "ly hôn" đã ký với EU nếu liên minh không nhất trí với thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên vào ngày 15/10 tới.
EU sau đó lên tiếng cảnh báo Anh rằng, sẽ không có thỏa thuận thương mại nào nếu thông tin liên quan tới khả năng Anh loại bỏ tính hiệu lực pháp lý của một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit mà truyền thông đăng tải là đúng sự thật.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm -7,10 điểm (-0,12%), xuống 5.930,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 131,95 điểm (-1,01%), xuống 12.968,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 80,20 điểm (-1,59%) xuống 4.973,52 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 8/9 dù Nhật Bản hôm nay công bố số liệu GDP điều chỉnh cho quý II, cho thấy kinh tế nước này giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hơn so với ước tính giảm 27,8% đưa ra hồi giữa tháng 8.
Thông tin tích cực đến với thị trường từ việc Tokyo đã phê duyệt ngân sách từ nguồn ngân sách khẩn cấp để đảm bảo mua đủ vắc-xin Covid-19 trong tương lai.
Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều chốt phiên tăng điểm nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu tài chính lớn, mặc dù căng thẳng Mỹ - Trung vẫn tiếp tục đè nặng tâm lý thị trường.
Kết thúc phiên 8/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 184,18 điểm (+0,80%), lên 23.274,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,83 điểm (+0,72%), lên 3.316,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 34,69 điểm (+0,14%), lên 24.624,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 17,69 điểm (+0,74%), lên 2.401,91 điểm.
Giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch sau kỳ nghỉ. Việc mua vào kim loại quý bị hạn chế do giá dầu thô giảm sâu trong khi đồng USD tăng vọt. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến dòng tiền tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.
Kết thúc phiên 8/9, giá vàng giao ngay tăng 2,5 USD (+0,13%), lên 1.931,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 3,70 USD (+0,19), đứng ở mức 1.929,90 USD/ounce.
Dầu tiếp tục chuỗi giảm giá do nhu cầu sụt giảm sau kỳ nghỉ lễ Lao động, đánh dấu kết thúc mùa tiêu thụ năng lượng cao điểm tại Mỹ.
Bên cạnh đó, chỉ 4/10 các công ty lọc dầu ở châu Á được Bloomberg khảo sát cho biết, họ sẽ cố gắng mua thêm dầu thô của Ả Rập Xê-út dù nước này đã thông báo giảm giá bán trong tháng 10, do lượng dầu tiêu thụ nội địa vẫn dưới mức trước đại dịch.
Kết thúc phiên 8/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,47 USD (-6,3%), xuống 36,76 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,15 USD (-5,12%), xuống 39,87 USD/thùng.