Làm sao tăng được vốn?
Một số ngân hàng trong hệ thống đang có những khó khăn nhất định về quy mô vốn, nợ xấu dẫn đến nhu cầu cấp bách phải tăng vốn. Trong bối cảnh này, dễ nhận thấy khó có khả năng cải thiện nguồn vốn nhờ vào các nhà đầu tư nội địa, bởi doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn không được phép đầu tư theo luật, trong khi các doanh nghiệp tư nhân cũng đang phải vật lộn với không ít khó khăn. Chưa kể, câu chuyện tăng vốn hiện tại yêu cầu phải là vốn thật, “tiền tươi”, không thể là ảo hay vay mượn từ các tổ chức tín dụng.
Quan sát từ kinh nghiệm của Trung Quốc, việc nâng vốn chỉ có thể trông đợi từ nguồn bên ngoài bổ sung vào nội địa.
Vấn đề là nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để đảm bảo vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, đồng thời theo thông lệ quốc tế tốt nhất. Cũng trên cơ sở này mới đảm bảo được tính minh bạch - một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của quản trị và giám sát.
Nếu vẫn duy trì hệ thống quản trị như hiện nay với khối lượng vốn nghèo nàn và nền tảng tài chính yếu, việc xử lý nợ xấu và cải thiện nền tảng tài chính sẽ phải kéo dài nhiều năm với những rủi ro rất lớn
Trong khi đó, với mức room như hiện nay, dễ hiểu khi nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà đầu tư vào ngân hàng nội địa, đặc biệt là đối với những ngân hàng yếu, có nợ xấu lớn và đòi hỏi phải thay đổi căn bản phương thức quản lý, hệ thống quản trị rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc đầu tư vào hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, kể cả những ngân hàng nhỏ nhưng có văn hóa quản lý tốt và nợ xấu ở mức chấp nhận được. Điều họ phân vân nhất chính là room, với kỳ vọng tối thiểu phải đạt 51%.
Không riêng ngân hàng nhỏ, ngay cả những ngân hàng lớn, ngân hàng có vốn nhà nước, hay nhà băng thuộc top đầu của ngân hàng thương mại cổ phần cũng cần dòng vốn bổ sung từ bên ngoài để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và khả năng chống đỡ rủi ro trong trường hợp có những cú sốc tài chính quốc tế. Những ngân hàng lớn này chỉ có thể trông cậy vào dòng vốn từ bên ngoài.
Như vậy, theo tôi, có thể quy định room cho nhà đầu tư nước ngoài với các mức như sau: cho phép được sở hữu 30% đối với ngân hàng thương mại khá, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém thực sự.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Một trường hợp điển hình về huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hệ thống ngân hàng là Trung Quốc.
Theo đó, quốc gia này đã từng cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh và niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong, thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào các ngân hàng thương mại lớn, giúp các nhà băng này nhanh chóng tăng tổng tài sản, giảm thiểu nợ xấu, đặc biệt là nâng cao được năng lực quản trị để đáp ứng tiêu chí của một ngân hàng trên sàn chứng khoán quốc tế.
Yêu cầu bức thiết từ làn sóng công nghệ
Nhu cầu tăng vốn, thu hút dòng tiền đầu tư từ nước ngoài còn xuất phát từ làn sóng công nghệ đang phát triển mạnh trên toàn cầu. Thực tế, làn sóng công nghệ 4.0 tác động nhanh và mạnh vào hệ thống ngân hàng hơn các lĩnh vực khác, đặc biệt là những dịch vụ như giao dịch trực tuyến thay cho giao dịch truyền thống tại các phòng giao dịch. Một số ngân hàng tại Việt Nam như TPBank cũng đang triển khai có tính thí điểm phương thức này.
Xu thế này đặt ra vấn đề, các ngân hàng cần nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ internet banking, mobie banking, hệ thống thông tin quản lý (MIS), thanh toán bù trừ tự động (ACH)…
Các công nghệ này đòi hỏi phải có vốn lớn để đầu tư và đồng thời, yêu cầu kỹ năng quản lý hiện đại không chỉ ở cấp lãnh đạo cao nhất, mà trong toàn bộ máy. Nói cách khác, cần một quá trình chuyển giao công nghệ, quản trị từ bên ngoài vào hệ thống ngân hàng mới giúp tiến trình tái cấu trúc diễn ra một cách ổn định và bền vững.
Singapore có 115 ngân hàng thương mại nước ngoài, trong khi chỉ có 3 ngân hàng nội địa
Trong trường hợp ngược lại, nếu vẫn duy trì hệ thống quản trị như hiện nay với một khối lượng vốn nghèo nàn và nền tảng tài chính yếu, việc xử lý nợ xấu và cải thiện nền tảng tài chính sẽ phải kéo dài nhiều năm với những rủi ro rất lớn. Đặc biệt là những cú sốc tài chính bên ngoài hoặc những trục trặc từ các thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán. Chính vì vậy, việc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào hệ thống các ngân hàng thương mại là một nhu cầu cấp bách, là hợp phần không thể thiếu trong chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Để làm được điều này, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư, vấn đề có ý nghĩa sống còn là nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với sức khỏe tài chính của các ngân hàng thương mại, trong đó việc nới room để huy động vốn ngoại, nguồn vốn bổ sung từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ quản lý có ý nghĩa quyết định.
Tăng vốn, tăng sức đề kháng
Việc xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng cũng như một vài ngân hàng yếu kém khác trong bối cảnh hiện tại là một gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, đồng thời cũng tạo sức ép tài chính lớn đối với dòng vốn nội địa.
Tôi cho rằng, trong tương lai, việc mua thêm các ngân hàng 0 đồng là quá tải đối với thị trường tài chính trong nước. Chưa kể, ngân hàng cũng là một khu vực cần huy động thêm các dòng vốn quốc tế với một chính sách khuyến khích đủ hấp dẫn cả về room, thuế, cơ chế xử lý nợ xấu, đặc biệt là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo và lãi dự thu.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam một cách trực tiếp sẽ là cơ hội lớn để tạo ra một thị trường mua bán nợ sôi động, có thanh khoản, giúp toàn bộ quá trình tái cấu trúc được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn so với một thị trường tài chính ít cởi mở và thị trường mua bán nợ ít thanh khoản (chủ yếu dựa vào dòng vốn nội địa đang rất hạn hẹp hiện nay).
Chúng ta cũng hy vọng quốc hội có thể sớm thông qua Luật Hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm tạo ra nền tảng pháp lý thuận lợi hơn cho việc tham gia của nhà đầu tư mới trong nước cũng như nước ngoài vào hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ chương trình tái cấu trúc diễn ra thuận lợi.
Nhìn xa hơn, chúng ta sẽ nhận thấy, sự có mặt của ngân hàng nước ngoài trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, đặc biệt dưới dạng đầu tư trực tiếp, cũng là cách tốt nhất để tăng thêm nguồn lực tài chính và chuyển giao công nghệ, quản trị. Hơn thế nữa, còn tăng sức đề kháng của hệ thống tài chính Việt Nam trước những cú sốc từ bên ngoài.
Kinh nghiệm từ Singapore trong 2 cuộc khủng hoảng tài chính gần đây cho thấy, nhờ sự có mặt của 115 ngân hàng thương mại nước ngoài (trong khi chỉ có 3 ngân hàng nội địa) mà hệ thống tài chính đảo quốc này tránh được khó khăn nghiêm trọng, ngay cả khi thị trường bất động sản xuống dốc và kinh tế suy giảm mạnh.
Một mối lo ngại thường xuất hiện khi đề cập tới việc tạo cơ chế thông thoáng hơn cho khối ngoại trong lĩnh vực ngân hàng đó là việc sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài dưới hình thức nhà đầu tư trực tiếp tạo nên sức ép cạnh tranh cho các ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, thực tế, các ngân hàng nước ngoài thường chỉ tập trung vào tài trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
Vì vậy, mức độ cạnh tranh của ngân hàng nước ngoài đối với các ngân hàng trong nước là không lớn, bởi họ có phân khúc thị trường riêng. Theo đó, việc huy động vốn từ nước ngoài vào hệ thống ngân hàng cũng góp phần thay đổi cấu trúc thị trường và khiến yếu tố cạnh tranh trở nên lành mạnh, hiệu quả hơn.