Nới room không “sốt dẻo” và “đang rất gần” như cảm nhận

(ĐTCK) Mở đầu cuộc họp báo Chính phủ cuối tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông báo đánh giá của Chính phủ về nền kinh tế 2 tháng đầu năm nay, theo đó, mặc dù còn nhiều điểm yếu kém, bất cập, nhưng nền kinh tế đã bắt đầu có những tín hiệu vui.
Nới room không “sốt dẻo” và “đang rất gần” như cảm nhận

Cùng với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, 2 tháng đầu năm nay, theo Bộ trưởng, thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán có sự khởi sắc. CPI 2 tháng tăng 1,24%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, lãi suất có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, dữ trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu… là minh chứng cho sự khởi sắc này.

Trong khi nhiều báo quan tâm đến giá sữa đang tăng mạnh, quan điểm của Chính phủ về việc phá Cầu Long Biên hay cách xử lý một số địa phương ăn bớt gạo của người nghèo, thì Báo ĐTCK được đặt hai câu hỏi. Thứ nhất, người dân đã thấy rất rõ quyết tâm của Chính phủ thúc đẩy cổ phần hóa DNNN năm nay và năm tới, vậy bao giờ Nghị quyết của Chính phủ, cũng như Quyết định của Thủ tướng về vấn đề này được ban hành? Đại diện Bộ Tài chính trả lời ngắn gọn là các bộ, ngành đang xây dựng bản dự thảo, với dự kiến tháng 3 sẽ trình Chính phủ để xem xét ban hành.

Câu hỏi thứ hai, ĐTCK dẫn vấn đề kinh tế 2 tháng ghi nhận sự khởi sắc của TTCK, nhưng thực tế sự khởi sắc này có nguyên nhân không nhỏ từ sự kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư ngoại trên TTCK. Vậy quan điểm của Chính phủ với vấn đề này như thế nào và dự thảo văn bản về nới room mà UBCK, Bộ Tài chính trình Chính phủ, đang ở giai đoạn nào của quá trình xem xét ban hành? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên mời đại diện các bộ, ngành có mặt tại cuộc họp báo trả lời, nhưng có lẽ vì chưa ai nắm rõ, nên Bộ trưởng đã phải hẹn nhà báo rằng, sẽ trả lời sau.

Từ diễn biến tại cuộc họp báo có thể nhận thấy, nới room còn là câu chuyện không “sốt dẻo” và “đang rất gần” như cảm nhận chung trên TTCK hiện nay.

Trong thông điệp tháng 3, vấn đề trọng tâm mà Chính phủ đặt ra là phải giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA, FDI.

Thứ đến, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bởi theo lời Bộ trưởng thì “Chính phủ nhận thấy tiền trong kho đang ứ đọng nhiều”, phải làm thế nào để giải ngân được, “tránh tình trạng đầu năm thư thả, cuối năm vất vả”.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hạ lãi suất để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh. Cuối cùng, phải quyết liệt tái cơ cấu DNNN, đẩy mạnh cổ phần hóa, bán, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các DNNN…

Trong khi nền kinh tế phải chuyển động từng bước một, thì 2 tháng đầu năm 2014, với tâm lý lạc quan và sự kỳ vọng nới room đang rất gần, TTCK tăng phi mã, VN-Index tăng 16,2%; HNX-Index tăng 22,5%. Nhà đầu tư có lẽ cần bình tĩnh hơn và cần nhiều thông tin sát thực hơn để TTCK không bước quá nhanh, quá xa sự chuyển động của nền kinh tế thực, tránh đi những cú bước hụt, “ngã đau” khi “hàn thử biểu” mất nhịp song hành.

Tin bài liên quan