Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu tỉ mỉ, đề xuất giải pháp khả thi, nhằm đưa ra phương án tối ưu, qua đó, khơi dậy sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện phương án này, để chuẩn bị trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Người phát ngôn của Chính phủ cũng để ngỏ thông tin về phương án cụ thể thu hút vốn ngoại, cũng như thời điểm dự kiến ban hành chính sách này. Như vậy, có thể thấy, sẽ phải có thêm thời gian để hoàn chỉnh và ban hành quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thông điệp mới cho thấy, Chính phủ sẽ không những tiếp tục kiên định mục tiêu thu hút vốn ngoại mạnh mẽ và hiệu quả hơn, mà còn muốn tìm kiếm phương án thu hút dòng vốn này tối ưu và bền vững hơn.
Đòi hỏi khắt khe của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án thu hút dòng vốn ngoại là điều dễ hiểu. Lý do là bởi, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các thị trường chứng khoán lân cận, Việt Nam cần có một phương án mới tối ưu, khôn ngoan và mang tính dài hơi hơn. Hiện vẫn còn không ít ý kiến khác nhau liên quan đến việc chọn phương án nào giữa hai phương án: trực tiếp tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết tại các công ty Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), thậm chí là một phương án khác…Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần các cơ quan tham mưu đưa ra các kịch bản sắc sảo, khả thi hơn, trước khi chốt phương án cuối cùng.
Với diễn biến hoàn chỉnh chính sách như hiện tại, thị trường chứng khoán, nhà đầu tư sẽ còn phải đợi thêm trước khi đón nhận phương án mới về thu hút dòng vốn ngoại. Một số nhà đầu tư cho rằng, tiến độ ban hành chính sách này chưa như mong đợi của họ, nhưng hy vọng bù đắp vào đó sẽ là một phương án mang tính đột phá, khả thi, qua đó, tạo ra những thay đổi về chất trong cải thiện sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.