Nội lực thị trường có vững?

Nội lực thị trường có vững?

(ĐTCK) Chịu tác động của đà bán tháo trên TTCK quốc tế, chứng khoán Việt Nam cũng giảm sốc trong phiên 11/10. Tuy nhiên, ngay sau đó, VN-Index đã hồi phục mạnh mẽ trở lại. Phải chăng nội lực thị trường hiện tại đang vững? Dưới đây là nhận định của một số chuyên gia chứng khoán xung quanh vấn đề này. 

Dòng vốn nóng từ khối ngoại đang rút dần 

Nội lực thị trường có vững? ảnh 1

 Ông Vũ Minh Ðức, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt (VCSC).

Trước khi chịu ảnh hưởng từ phiên giảm mạnh ngày 11/10 và những diễn biến tiêu cực từ TTCK thế giới, VN-Index đã phát đi tín hiệu suy yếu khi chạm vào vùng kháng cự mạnh 1.025 điểm.

Do đó, những phiên giảm mạnh của chứng khoán Mỹ vừa qua, theo tôi, chỉ góp phần thúc đẩy nhanh sự điều chỉnh, chứ không bẻ gãy đà tăng của thị trường.

Mặt khác, nếu nhìn nhận một cách tích cực, phiên giảm mạnh ngày 11/10 đã giúp hệ số P/E của VN-Index giảm từ 18 lần về 16 lần, khiến cho giá trị của nhiều cổ phiếu bluechips trở nên hấp dẫn hơn trong trung và dài hạn.

Khi TTCK Mỹ giảm mạnh và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đổ lỗi cho việc tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thì việc cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới là vấn đề gây tranh cãi.

Nhưng trước mắt, việc khối ngoại bán ròng trên TTCK Việt Nam vẫn đang diễn ra và chúng tôi cho rằng xuất phát từ việc rút ra của dòng vốn nóng, đầu tư gián tiếp qua các kênh ETF hay P-Notes.

So với giai đoạn trước, những phiên bán ròng gần đây của khối này có giá trị từ 200-400 tỷ đồng/phiên là một con số đáng xem xét. Chính việc bán ròng của khối ngoại đã khiến cho VN-Index phát tín hiệu suy yếu trước phiên giảm mạnh ngày 11/10.

Do đó, dù tỷ trọng giao dịch của họ trong tổng giá trị giao dịch của thị trường không quá nhiều, nhưng mức độ tác động lên tâm lý nhà đầu tư trong nước là rất đáng kể.

Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ chưa thay đổi cho đến hết năm 2018. Tuy vậy, dòng vốn đầu tư theo giá trị, đầu tư dài hạn sẽ vẫn đổ vào thị trường, có thể nhìn thấy khá rõ nét qua những đợt mua cổ phiếu VHM hay MSN gần đây. Đó sẽ là điểm tựa cho thị trường, bất chấp những bất ổn trong ngắn hạn.

Mức độ rủi ro của thị trường hiện rất cao do đang chịu ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý và diễn biến của thị trường thế giới, trong khi nhà đầu tư chưa có những công cụ phân tán (hedging) rủi ro qua đêm.

Xu hướng trung hạn của thị trường tuy đang đứng trước khả năng điều chỉnh giảm từ 1-3 tháng, nhưng trong ngắn hạn từ 1-3 phiên tới, VN-Index có cơ hội phục hồi kỹ thuật lên vùng 960-970 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đang sở hữu tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tranh thủ nhịp giảm này để cơ cấu danh mục, còn nhà đầu tư trung và dài hạn cũng nên chuẩn bị giải ngân dựa trên đà điều chỉnh của thị trường.

Cẩn trọng khi dùng margin trong giai đoạn hiện tại 

Nội lực thị trường có vững? ảnh 2

 Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS).

TTCK Việt Nam mang tính tâm lý cao nên khó tránh khỏi sự tác động mỗi khi thị trường tài chính quốc tế biến động. Mặt khác, thị trường cũng đã giảm động lực do đã có chuỗi thời gian hồi phục gần 3 tháng liên tiếp vừa qua.

Các chỉ báo thị trường đã thể hiện tâm lý giằng co và suy yếu dần trong vài ngày trước, nên khi chứng khoán toàn cầu giảm mạnh sẽ giống như một mồi lửa khiến thị trường "cháy" nhanh hơn.

Hiện tại, hầu như trạng thái của nhiều dòng tiền đầu cơ ngắn hạn đều ở mức margin khá cao, nên khi thị trường giảm sốc, việc đầu tiên là nhà đầu tư sẽ nhanh chân thoát hàng để giảm áp lực call margin, cũng như bảo vệ thành quả trước đó. Dĩ nhiên, với một lực giảm đến hơn 5% toàn thị trường thì mọi cổ phiếu đều bị ảnh hưởng, bất kể tốt xấu.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội tích lũy trở lại đối với những cổ phiếu chất lượng mà trước đó nhiều nhà đầu tư mong chờ. Như vậy, trong cái bi quan thì vẫn có sự hy vọng và tự tin về tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Điều này đã được minh chứng trong phiên giao dịch 12/10 khi VN-Index bật tăng mạnh trở lại.

Về vĩ mô, hiện tại, tôi cho rằng, chưa xuất hiện vấn đề rủi ro lớn. Dù vậy, trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu đang còn những biến động khó lường, đặc biệt là sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, thì sự thận trọng nên được ưu tiên. Điều cần thiết là nhà đầu tư nên ở vị thế chủ động, tránh để tài khoản rơi vào tình trạng liên tục full margin, đặc biệt nắm giữ những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao sẽ càng chịu áp lực lớn.

Những đợt rung lắc như hiện tại là cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu giá rẻ, song việc giữ cho danh mục ở tỷ lệ cân bằng và tránh ở vị thế margin quá cao là cần thiết. Định giá thị trường đang ở mức chấp nhận được, nhà đầu tư nên chú ý tới nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt, hoạt động kinh doanh tăng trưởng. 

Yếu tố vĩ mô tích cực sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường

Nội lực thị trường có vững? ảnh 3

Ông Quách Đức Khánh, Chuyên viên phân tích cao cấp, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN). 

Ảnh hưởng từ bán tháo của TTCK thế giới, TTCK Việt Nam cũng bị bán tháo trong phiên 11/10, bất chấp các thông tin vĩ mô tích cực. Tuy nhiên, VN-Index đã hồi phục một cách mạnh mẽ trong phiên 12/10. Điều này cho thấy, một khi nền tảng thị trường ổn định, tác động từ yếu tố tâm lý sẽ nhanh chóng qua đi.

Khối ngoại đã liên tiếp bán ròng (chỉ tính các giao dịch khớp lệnh) kể từ tháng 4/2018, dòng vốn rút ròng trên TTCK Việt Nam có cùng chung xu hướng với dòng vốn bị rút ròng ở các thị trường cận biên và mới nổi khác, với cùng nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng của việc tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong thời gian tới, xu hướng rút vốn của khối ngoại tại các thị trường cận biên và mới nổi sẽ tiếp tục diễn ra khi Fed sẽ còn nâng lãi suất (dự kiến thêm 1 lần trong năm 2018, nâng tổng số lần tăng trong năm lên con số 4 và 3 lần trong năm 2019).

Tuy nhiên, do Việt Nam chưa được nâng hạng và việc rót vốn của một số quỹ chuyên đầu tư ở các thị trường mới nổi chưa đáng kể, nên mức độ tác động của việc rút ròng vốn tại Việt Nam sẽ thấp hơn so với các thị trường mới nổi khác.

Bên cạnh đó, với số liệu kinh tế vĩ mô tích cực của quý III và dự báo tiếp tục khả quan trong quý IV, bên cạnh triển vọng hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đây sẽ là những yếu tố giúp nhà đầu tư nước ngoài củng cố niềm tin vào TTCK Việt Nam. 

Vùng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index tại 933 điểm và 900 điểm

Nội lực thị trường có vững? ảnh 4

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, CTCK MB (MBS). 

Sau phiên lao dốc ngày 11/10, thị trường đã bật tăng mạnh trở lại trong phiên 12/10. Dù vậy,  TTCK Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trước làn sóng bán tháo trên toàn cầu. Với phiên giảm mạnh vừa qua, thị trường đã chính thức kết thúc xu hướng tăng và chuyển sang trạng thái điều chỉnh.

Vùng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index tại 933 điểm và 900 điểm. Trend tăng trung hạn của chỉ số (từ năm 2017) đang có vùng hỗ trợ khá mạnh quanh 933 điểm. Theo đó, ở kịch bản tích cực (xác suất 80%), khả năng VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại sau khi chạm về các mốc hỗ trợ mạnh này.

Ở kịch bản xấu hơn (xác suất 20%), VN-Index sẽ xuyên qua vùng hỗ trợ mạnh 930 điểm nếu TTCK thế giới và khu vực rơi vào giai đoạn giảm sâu và ảnh hưởng mạnh đến TTCK Việt Nam. Trong trường hợp này, nhà đầu tư chỉ nên tham gia trở lại khi thị trường hội tụ đủ 3 yếu tố, đó là có tín hiệu tạo đáy ở vùng hỗ trợ, khối ngoại mua ròng trở lại và thanh khoản, điểm số hồi phục tích cực. 

Rủi ro hệ thống vẫn đang ở mức cao  

TTCK Việt Nam đón nhận tin xấu ngay khi bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý III, với mức độ ảnh hưởng lớn hơn hẳn và “bẻ gẫy” mọi dự báo trước đó. Mức hỗ trợ hiện nay của VN-Index vào khoảng 915-920 điểm, tức còn thấp hơn 20-25 điểm so với mức giá đóng cửa ngày 11/10.

Nội lực thị trường có vững? ảnh 5

 Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, CTCK Rồng Việt (VDSC) 

Tuy nhiên, cũng trong phiên này, việc thanh khoản tăng đột biến là dấu hiệu tích cực, cho thấy thị trường không quá xấu như lo ngại. Và trên thực tế, VN-Index đã bật tăng hơn 24 điểm trong phiên 12/10.

Dù vậy, rủi ro hệ thống vẫn đang ở mức cao. TTCK Việt Nam tuy chưa có độ liên thông cao với TTCK Mỹ như các thị trường khác trong khu vực, nhưng tôi cho rằng, có khả năng các quỹ ETF ngoại sẽ tiếp tục bán ròng do ảnh hưởng của việc tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)trong thời gian tới.

Tin bài liên quan