Theo số liệu báo cáo mới nhất của Trung Quốc, số ca nhiễm bệnh do virus Covid-19 mới thấp nhất trong 2 tuần. Số liệu này đưa ra 1 ngày sau khi cố vấn y tế cấp cao của Bắc Kinh cho biết, dịch bệnh có thể chấm dứt vào tháng 4.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm với các thông tin trên, bởi sự bùng phát của virus Corona làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, bởi đa số các tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là các đại gia công nghệ đều có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc.
Với thông tin trên, nhóm cổ phiếu vốn nhạy cảm với tình hình tại Trung Quốc là công nghệ đã tăng mạnh trong phiên thứ Tư, qua đó kéo cả 3 chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh sau phiên lình xình trước đó và thiếp lập đỉnh cao lịch sử mới.
Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Dow Jones tăng 275,08 điểm (+0,94%), lên 29.551,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,70 điểm (+0,65%), lên 3.379,45 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 87,02 điểm (+0,90%), lên 9.725,96 điểm.
Tương tự phố Wall, việc các ca nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc giảm dần cũng giúp giải tỏa tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu, qua đó giúp các thị trường chứng khoán trong khu vực có phiên tăng điểm tốt thứ 2 liên tiếp và lên đỉnh cao mới.
Kết thúc phiên 12/2, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 34,93 điểm (+0,47%), lên 7.534,37 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 121,94 điểm (+0,89%), lên 13.749,78 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 49,98 điểm (+0,83%), lên 6.104,73 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, thông tin số ca nhiễm virus Covid-19 mới tiếp tục giảm giúp nhà đầu tư yên tâm, qua đó đẩy các thị trường chứng khoán khu vực tăng điểm trong phiên thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm còn nhờ sự hỗ trợ của ông lớn SoftBank khi cổ phiếu của đại gia này tăng tới 11,9% sau khi một thẩm phán của Mỹ từ chối tuyên bố chống độc quyền đối với thương vụ sáp nhập giữa Sprint (công ty mà SoftBank là cổ đông lớn) và T-Mobile. Còn với riêng chứng khoán Trung Quốc, phiên tăng điểm này là phiên tăng thứ 7 liên tiếp sau phiên lao dốc không phanh mở đầu năm Canh Tý.
Kết thúc phiên 12/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 175,23 điểm (+0,74%), lên 23.861,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,22 điểm (+0,87%), lên 2.926,90 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 239,78 điểm (+0,87%), lên 27.823,66 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 15,26 điểm (+0,69%), lên 2.238,38 điểm.
Khi nỗi lo về sự lây lan của virus Corona giảm dần, động lực nhỏ nhoi để giá vàng tăng cũng tan đi, khiến giá kim loại quý này có phiên giảm nhẹ thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 12/2, giá vàng giao ngay giảm 1,7 USD (-0,11%), xuống 1.565,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 1,5 USD (+0,1%), lên 1.571,6 USD/ounce.
Cũng giống như chứng khoán, lo ngại về sự lây lan của virus Corona giảm dần đã giúp giá dầu thô tăng trở lại sau chuỗi giảm mạnh trước đó. Sau khi hồi phục trên dưới 1% trong phiên thứ Ba, giá dầu thô đã nhảy vọt trên dưới 3% trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 12/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,23 USD (+2,5%), lên 51,17 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,78 USD (+3,3%), lên 55,79 USD/thùng.