Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục khiến phố Wall giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Sau khi Trung Quốc có động thái đáp trả việc Mỹ đánh thuế trị giá 50 tỷ USD, trong đó gói áp dụng ban đầu từ 30-40 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ áp mức thuế trị giá 200 tỷ USD với hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà giảm của phố Wall cũng được hãm bớt phần nào nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu năng lượng, trong khi đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ giúp Nasdaq thoát hiểm phút cuối.
Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Dow Jones giảm 103,01 điểm (-0,41%), xuống 24.987,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,91 điểm (-0,21%), xuống 2.773,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,65 điểm (+0,01%), lên 7.747,02 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nỗi lo chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục ảm ánh các nhà đầu tư trên thị trường khu vực này, khiến các chỉ số chính của khu vực có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong ngày giao dịch đầu tuần mới. Trong đó, chứng khoán Đức giảm mạnh nhất khi mất tới gần 1,4% do những lo ngại về cuộc khủng hoảng về chính sách di cư có thể làm mất ổn định chính phủ liên bang mới 3 tháng tuổi của Thủ tướng Angela Merkel.
Kết thúc phiên 18/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,58 điểm (-0,03%), xuống 7.631,33 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 176,44 điểm (-1,36%), xuống 12.834,11 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 51,40 điểm (-0,93%), xuống 5.450,48 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc nghỉ giao dịch nhân ngày Tết Đoan ngọ và Lễ hội thuyền rồng, thì chứng khoán Nhật Bản lại quay đầu giảm điểm do nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại đã bắt đầu kích hoạt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 171,42 điểm (-0,75%), xuống 22.680,33 điểm.
Sau khi lao dốc không phanh trong phiên cuối tuần trước do đồng USD tăng vọt, giá vàng đã giao dịch lình xình trong phiên đầu tuần mới và đóng cửa giảm nhẹ khi đồng USD hạ nhiệt từ mức cao nhất 11 tháng cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 18/6, giá vàng giao ngay giảm 1 USD (-0,08%), xuống 1.277,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 1,9 USD (-0,15%), xuống 1.280,1 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục có những biến động trước cuộc họp của OPEC vào thứ Sáu tới, trong đó có nội dung về việc xem xét lại thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Sau khi giảm mạnh phiên cuối tuần trước, giá dầu thô đã hồi phục, lấy lại được phân nửa những gì đã mất trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc OPEC sẽ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 186, giá dầu thô Mỹ tăng 0,79 USD (+1,20%), lên 65,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,90 USD (+2,52%), lên 75,34 USD/thùng.