Nỗi lo Trung Quốc vang vọng trên các TTCK toàn cầu

Nỗi lo Trung Quốc vang vọng trên các TTCK toàn cầu

(ĐTCK) Khởi nguồn từ Trung Quốc, kéo theo Mỹ, Đức hay Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác, hàng loạt TTCK chủ chốt trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn khó khăn. Tình trạng “hỗn loạn” đã phản ánh những quan ngại của các nhà đầu tư trước những diễn biến khó lường của thị trường tài chính và chứng khoán thế giới.

Một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến TTCK toàn cầu biến động mạnh trong hai ngày vừa qua là do những lo ngại gia tăng về kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, kéo các chỉ số chứng khoán chủ chốt xuống giá mạnh và khiến các nhà đầu tư đổ xô vào “thiên đường trú ẩn” an toàn là trái phiếu chính phủ.

Cụ thể, theo giới phân tích, các nhà đầu tư đua nhau bán tháo tài sản trong ngày 24/8 trước những thông tin ngày càng xấu hơn của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bản thân các nhà đầu tư dường như đã đánh mất sự tự tin về khả năng Bắc Kinh có thể kiểm soát nền kinh tế.

Tại Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Thượng Hải mất tới 8,5% chốt phiên 24/8, mức giảm mạnh nhất theo ngày kể từ năm 2007. Việc Chính phủ Trung Quốc chưa công bố các biện pháp mới để ngăn chặn đà xuống dốc của thị trường, trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại, đồng thời đồng nhân dân tệ (NDT) yếu đi khi Bắc Kinh liên tiếp hạ tỷ giá thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo lắng thêm.    

Trong khi đó, ước tính, TTCK Mỹ ghi nhận con số 812 tỷ USD giá trị cổ phiếu bốc hơi, đánh dấu một “ngày đen tối nhất” đối với các cổ phiếu chủ lực tại TTCK Mỹ. Cả ba chỉ số Dow Jones, Standard & Poor's 500 và Nasdaq Composite đều lao dốc trên 4%, mức mất điểm tồi tệ nhất trong vòng 4 năm qua. 

Tại Nhật Bản, TTCK của đất nước “Mặt trời mọc” cũng chứng kiến ngày giảm điểm kỷ lục kể từ tháng 5/2013 (-895 điểm) trong phiên giao dịch đầu tuần, chốt phiên ở mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm 2,47% và chứng khoán Australia tụt hơn 4%, đóng cửa phiên ở mức thấp nhất trong hai năm.   

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng không thoát khỏi cơn lũ bán tháo. Ngày 24/8 được báo chí Đức coi là “Ngày thứ Hai đen tối” trong lịch sử TTCK nước này, khi chỉ số DAX có lúc mất tới gần 600 điểm. Thời điểm bốn tháng trước, chỉ số này còn đạt mức cao kỷ lục 12.390 điểm, song chỉ tính riêng từ giữa tháng 8/2015 tới nay, chỉ số DAX đã để mất trên 16%. Còn tại Pháp, TTCK nước này chốt phiên đầu tuần cũng giảm điểm hơn 5%, TTCK Anh giảm hơn 4%.    

Tình trạng bán tháo trên TTCK Trung Quốc nói riêng và TTCK toàn cầu nói chung, phản ánh sự suy giảm đáng kể trong nền kinh tế Trung Quốc như sụt giảm xuất nhập khẩu, đầu tư, tiêu dùng, cũng như những biến động tiền tệ. Điều này cho thấy mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc đã không đạt được. Trong nhiều năm nay, Bắc Kinh đang cố gắng thay đổi định hướng kinh tế từ ưu tiên tăng trưởng GDP dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang ưu tiên cho tiêu dùng và dịch vụ.

Người đứng đầu Quỹ quản lý danh mục đầu tư Invesco Asset Management, Daiji Ozawa nhận định: “Sự xuống giá của đồng NDT có thể làm chấn động trật tự thị trường tài chính và chứng khoán. Tại các nền kinh tế đang nổi và giàu tài nguyên, vốn trong tình trạng rất dễ tổn thương trước sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc, dòng tiền chảy ra bên ngoài đang có xu hướng tăng mạnh”.

Ngoài ra, một mối quan tâm khác của các nhà đầu tư là viễn cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm tăng lãi suất, gây nhiều lo ngại cho các khoản vay bằng USD. Sự khủng hoảng niềm tin này cũng tác động tiêu cực tới TTCK chứng khoán Mỹ và châu Âu.        

Dự báo về những diễn biến tiếp theo trên TTCK thế giới, một số nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận rõ ràng về hậu quả của cơn chấn động chứng khoán nói trên. Sự sụt giảm của TTCK hiện nay có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, song một khi các chỉ số tiếp tục sụt mạnh trong cả tuần thì tác động sẽ lớn hơn nữa.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần theo dõi những diễn biến mới nhất của kinh tế Trung Quốc và các nước mới nổi, nhất là sau đó liệu có xảy ra làn sóng mất lòng tin ở cả các nền kinh tế phát triển hay không? Ngoài ra, sự sụt giảm của TTCK còn đi kèm với các hiệu ứng khác trên thị trường nguyên liệu đầu vào như dầu mỏ, nhân tố có thể làm chệch hướng sự phục hồi của kinh tế Mỹ và châu Âu.

Tin bài liên quan