Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nỗi lo trở lại với giới đầu tư

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu sụt giảm phiên thứ Tư (17/7) khi nỗi lo chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc làm tổn hại tới lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trong phiên thứ Tư, cổ phiếu CSX Corp đã giảm 10,3%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2008 khi công ty vận tải đường sắt của Mỹ công bố lợi nhuận quý II thấp hơn dự kiến và cắt giảm doanh thu cả năm.

Kết quả kinh doanh của CSX đã ảnh hưởng tiêu cực tới các cổ phiếu khác khi nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể làm tổn hại thu nhập của các công ty.

Một báo cáo của Fed về doanh nghiệp Mỹ cũng chỉ ra những áp lực của các doanh nghiệp liên quan đến cuộc chiến thương mại đối với các công ty vận tải.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Dow Jones giảm 115,78 điểm (-0,42%), xuống 27.219,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,62 điểm (-0,65%), xuống 2.984,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 37,59 điểm (-0,46%), xuống 8.185,21 điểm.

Cổ phiếu châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Tư do kết quả kinh doanh thất vọng của một số doanh nghiệp vừa công bố. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 41,74 điểm (-0,55%), xuống 7.535,46 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 89,94 điểm (-0,72%), xuống 12.341,03 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 42,67 điểm (-0,76%), xuống 5.571,71 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường cũng đồng loạt giảm điểm khi nhà đầu tư băn khoăn về tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và những phát biểu mới nhất không mấy lạc quan về thương mại Mỹ - Trung.

Kết thúc phiên 17/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 150,65 điểm (-0,69%), xuống 21.535,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,57 điểm (-0,16%), xuống 2.937,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 64,74 điểm (+0,23%), lên 28.619,62 điểm.

Việc chứng khoán sụt giảm, cùng lực cầu kỹ thuật đã giúp giá vàng bật tăng mạnh trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 17/7, giá vàng giao ngay tăng 20,6 USD (+1,47%), lên 1.426,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 12,1 USD (+0,86%), lên 1.423,3 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi các nguồn tin cho rằng, Iran đang muốn đàm phán với Mỹ về các lệnh trừng phạt của Mỹ với quốc gia này. Nếu căng thẳng Mỹ - Iran được giải tỏa, nguồn cung dầu thô sẽ tăng lên, trong khi với dữ liệu kinh tế của các nước lớn gây lo ngại về sức cầu sụt giảm.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,1 triệu thùng trong tuần qua, nhiều hơn mức dự báo 2,7 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, các kho dự trữ xăng lại tăng 3,6 triệu thùng, trong khi giới phân tích dự báo giảm 925.000 thùng. Các sản phẩm chưng cất tăng 5,7 triệu thùng, nhiều hơn mức dự báo tăng 613.000 thùng của giới phân tích.

Kết thúc phiên 17/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,84 USD (-1,50%), xuống 56,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,69 USD (-1,10%), xuống 63,66 USD/thùng.

Tin bài liên quan