Sau khi hồi phục mạnh trong phiên đầu tuần mới nhờ Trung Quốc và Mỹ dịu giọng, làm giảm bớt căng thẳng chiến tranh thương mại, phố Wall đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Ba khi nỗi lo suy thoái kinh tế trở lại.
Trong phiên thứ Ba, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 5,60 điểm cơ bản xuống 1,488%. Trong phiên thứ Hai, có lúc lợi suất này giảm về mức 1,443%, mức thấp nhất 3 năm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm ít hơn chỉ 2 điểm cơ bản, xuống 1,531%. Mức thấp nhất của lợi suất thấp nhất của kỳ hạn này trong ngày thứ Hai là 1,449%, mức thấp nhất kể từ 9/2017.
Sự chênh lệch giữa lợi suất tín phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng và 10 năm lên tới 52 điểm cơ bản, mức lớn nhất kể từ tháng 3/2007.
Những dấu hiệu trên đã khiến nhóm cổ phiếu tài chỉnh giảm mạnh, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall quay đầu giảm theo trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 27/8, chỉ số Dow Jones giảm 120,93 điểm (-0,47%), xuống 25.777,90 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 9,22 điểm (-0,32%), xuống 2.869,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 26,79 điểm (-0,34%), xuống 7.826,95 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh không may mắn, các thị trường khác lại duy trì đà tăng khá tốt nhờ thông tin tích cực từ Ý với kỳ vọng cuộc bẩu cử sớm sẽ tránh được khi các đảng phái đạt được thỏa thuận để thành lập chính phủ mới, chấm dứt khủng hoảng chính trị.
Kết thúc phiên 27/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,40 điểm (-0,08%), xuống 7.089,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 71,98 điểm (+0,62%), lên 11.730,02 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 36,07 điểm (+0,67%), lên 5.387,09 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc Trung - Mỹ dịu giọng giúp chứng khoán Nhật Bản hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba. Chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh ngoài thông tin căng thẳng thương mại dịu bớt, còn nhờ thông tin lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc bất ngờ tăng trở lại 2,6% trong tháng 7 so với cùng kỳ. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông không thể duy trì sắc xanh cho đến hết phiên khi nhà đầu tư chán nản trước những biến động căng thẳng tại đặc khu này.
Kết thúc phiên 27/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 195,04 điểm (+0,96%), lên 20.456,08 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,63 điểm (+1,35%), lên 2.902,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 16,26 điểm (-0,06%), xuống 25.664,07 điểm.
Nỗi lo về suy thoái kinh tế trở lại khiến giới đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn như vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 27/8, giá vàng giao ngay tăng 15,9 USD (+1,04%), lên 1.526,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 14,6 USD (+0,95%), lên 1.551,8 USD/ounce.
Bất chấp nỗi lo suy thoái kinh tế, giá dầu thô vẫn tăng mạnh trong phiên thứ Ba nhờ kỳ vọng vào kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm.
Kết thúc phiên 27/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,29 USD (+2,35%), lên 54,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,81 USD (+1,36%), lên 59,51 USD/thùng.