Công nghệ phát triển thúc đẩy kỷ nguyên của năng lượng tái tạo và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch, mối lo ngại biến đổi khí hậu khiến “cơn khát” dầu mỏ trên thị trường trôi qua nhanh hơn dự tính của nhiều tập đoàn năng lượng lớn như Exxon Mobil Corp, hay Aramco.
Khoảng 60% lượng dầu khai thác được sử dụng trong ngành giao thông vận tải, trong khi đây cũng là ngành chứng kiến những tiến bộ công nghệ phát triển bậc nhất.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của các nhà sản xuất xe điện như Tesla Inc (Mỹ) và BYD (Trung Quốc) có thể thúc đẩy những hoạt động như xe điện, xe tự lái, đồng thời khiến người tiêu dùng dễ dàng chuyển đổi việc sở hữu xe cá nhân sang sử dụng các phương tiện khác tiêu tốn ít chi phí hơn.
Xu hướng này khiến con người di chuyển một cách hiệu quả hơn và khiến giả thiết dầu đạt đỉnh nhu cầu (peak oil) trở nên thực tế hơn bao giờ hết.
Ngay cả Aramco, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Ả Rập Xê út, vốn luôn cự tuyệt giả thiết này cũng phải thay đổi suy nghĩ. Dầu đạt đỉnh nhu cầu được xác định là một trong những yếu tố rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Aramco, theo tài liệu công bố trước khi IPO của Hãng.
Thực tế, các dự báo về triển vọng nhu cầu với dầu mỏ trong dài hạn đều cho thấy con số đi xuống.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, tiêu thụ dầu mỏ sẽ đạt mức giới hạn vào khoảng năm 2030, khi việc sử dụng các phương tiện tiêu thụ năng lượng sạch, xe điện và việc dùng các ứng dụng chia sẻ xe trở nên phổ biến.
Khi đó, năng lượng tái tạo sẽ cất cánh, các công ty chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên, chi phí sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giảm 50% trong 1 thập kỷ tới.
Đáng chú ý, để đạt mục tiêu giới hạn mức độ nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C theo Thoả thuận Paris, IEA ước tính, nhu cầu dầu mỏ cần đạt đỉnh trong vài năm tới và nhanh chóng giảm xuống sau đó.
Dù vậy, nhiều công ty dầu mỏ có cái nhìn khác biệt hơn. Cụ thể, nhóm các doanh nghiệp này đưa ra dự báo, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ tới đỉnh vào khoảng năm 2040.
Trong thời gian này, Exxon Mobil, Aramco và nhiều công ty khác sẽ tiếp tục “tận hưởng” quãng thời gian nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ gia tăng đi cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Tài liệu IPO của Aramco nhận định, khả năng nhu cầu dầu mỏ đạt đỉnh có thể xảy ra trong 2 thập kỷ tới.
Cùng quan điểm, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 20 năm tới. Khi đạt đỉnh, mức độ tiêu thụ sẽ ổn định, thay vì giảm nhanh.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là các công ty dầu mỏ đều đang đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hoá hoạt động, đầu tư nhiều hơn vào khí tự nhiên và công nghệ năng lượng sạch.
Các doanh nghiệp này cũng tiến hành các hoạt động khác liên quan tới việc chế xuất dầu mỏ thành các sản phẩm hoá chất, nhựa và phân bón…
Mặc dù vậy, công ty dầu mỏ đối diện rủi ro tiêu tốn 2.300 tỷ USD đầu tư một cách lãng phí nếu nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ đạt đỉnh nhanh hơn dự kiến, theo báo cáo của Carbon Tracker.
Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất ô tô là đối tượng có sự chuyển đổi nhanh nhất. Chẳng hạn, tất cả các mẫu xe ra mắt năm 2019 của Volvo đều có phiên bản sử dụng năng lượng điện, trong khi Volkswagen đặt mục tiêu 25% số lượng xe bán ra thị trường cho tới năm 2025 sẽ là xe điện. Daimler và BMW có kế hoạch đưa sản lượng xe điện bán ra đạt mức từ 15-25% cho tới năm 2025.
Điều này trùng khớp với kế hoạch mà chính quyền nhiều nước đưa ra. Theo đó, năm 2017, Ấn Độ cam kết mọi xe ô tô mới bán ra đều là xe điện cho tới năm 2030, dù sau đó đã hạ xuống mức 30%.
Trung Quốc có kế hoạch 60% lượng xe bán ra đều là xe điện cho tới năm 2035. Pháp và Anh sẽ cấm bán xe sử dụng năng lượng diesel và gas cho tới năm 2040.
Việc nhu cầu tiêu thụ dầu đạt đỉnh nhiều khả năng sẽ gây ra khủng hoảng đối với các quốc gia phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Đây cũng là lý do Ả Rập Xê út quyết tâm tư nhân hoá Aramco nhằm thu hút nguồn vốn, thúc đẩy quá trình đa dạng hoá nền kinh tế trong thời gian tới.
Các quốc gia khác như Nga, Venezuela và Nigeria đều có kế hoạch cho tương lai khi nhu cầu tiêu thụ dầu đạt đỉnh.