MIC là một trong những DN đầu tiên quyết tâm ngăn chặn hoa hồng ngoài luồng

MIC là một trong những DN đầu tiên quyết tâm ngăn chặn hoa hồng ngoài luồng

“Nói không” với hoa hồng bảo hiểm ngoài luồng

(ĐTCK) Tại Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) với hơn 30 garage ôtô khu vực Hà Nội cuối tuần qua, ông Nguyễn Quang Hiện, Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết, dù là một nhà bảo hiểm trẻ, nhưng MIC sẽ tiên phong trong việc nói không với hoa hồng đối với đội ngũ nhân viên giám định bồi thường.

Hoa hồng mà vị CEO MIC đề cập ở đây, theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán đó là số tiền “đi đêm” mà nhân viên giám định bồi thường của các công ty bảo hiểm nhận được từ các xưởng sửa chữa từ việc lựa chọn đưa khách (người tham gia bảo hiểm) vào xưởng đó để sửa chữa xe trong hàng chục xưởng đang liên kết khác.

Nói không với hoa hồng được hiểu là thay vì giám định bồi thường nhận khoản tiền như trước đây thì nay không nhận nữa mà lấy phần tiền đó trừ luôn vào giá sửa chữa, hạn chế việc khai tăng chi phí sửa chữa, từ đó giảm chi phí bồi thường xuống, như vậy, sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả hoạt động.

Tất nhiên, việc đánh giá, lựa chọn garage một cách kỹ lưỡng trong số hàng trăm gara trên toàn quốc để từ đó chọn ra gara uy tín, thương hiệu, kinh nghiệm, dịch vụ sửa chữa tốt, phụ tùng chính hãng, chi phí sửa chữa, thay thế phụ tùng hợp lý, đảm bảo thời gian nhanh chóng cho khách hàng mới là mục tiêu vươn tới của các DN bảo hiểm lớn.

Tuy nhiên, “cái lệ” hoa hồng từ nhiều garage cũng có nguy cơ tạo ra những cuộc cạnh tranh không lành mạnh mà phần thua thiệt thường thuộc về DN bảo hiểm và những garage làm ăn nghiêm chỉnh và việc ngăn chặn là hướng đi đúng.

Lâu nay, mức hoa hồng vẫn thường được nhiều garage chi trả ở các mức khác nhau tùy vụ việc, dẫn đến thiếu trung thực, không khách quan và có thể khiến chi phí sửa chữa đội lên. Và sau đó, hậu quả là các hãng bảo hiểm sẽ phải thanh toán chi phí sửa chữa gia tăng đó.

“Nếu bắt được 1 nhân viên vi phạm sẽ cho nhân viên đó nghỉ việc, 2 người vi phạm thì lãnh đạo quản lý nghỉ việc, đã đến lúc chúng ta không còn sự lựa chọn nào nếu muốn tiếp tục phát triển. Ba đường dây nóng của MIC luôn sẵn sàng chờ đợi các cuộc gọi phản ánh”, ông Hiện nói.

Trong thời gian qua, không chỉ MIC mà một số DN bảo hiểm phi nhân thọ khác cũng tiến hành lựa chọn, ký kết hợp tác với những garage, showroom uy tín nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, theo đó, khi khách hàng có xe bị tổn thất khi sửa chữa tại những gara này sẽ được các hãng bảo hiểm bảo lãnh thanh toán chi phí sửa chữa và hỗ trợ nhanh nhất về mặt thời gian.

Bên cạnh đó, một mục tiêu nữa khi đánh giá, lựa chọn garage là các đơn vị này phải làm ăn minh bạch, chuyên nghiệp, không có “văn hóa” hoa hồng…

Trở lại với việc nói không với hoa hồng cho nhân viên giám định, trả lời câu hỏi liệu có cơ chế bù đắp nào, vị CEO MIC cho biết, “MIC sẵn sàng trả lương hậu hĩnh cho cán bộ giám định bồi thường  làm việc chuyên cần, mẫn cán, tinh thông về nghiệp vụ”.

Trao đổi với cán bộ quản lý Ban nghiệp vụ bồi thường của một số DN bảo hiểm thì được biết, hướng quản lý chặt việc nhận hoa hồng kiểu này cũng đã được nhiều đơn vị đặt ra trước đó, có DN đã và đang làm, nhưng cũng có DN mới chỉ dừng ở “hô khẩu hiệu”.

“Cần thiết phải làm quyết liệt hơn bao giờ hết, giám sát chặt việc nhận hoa hồng của giám định viên để tránh trường hợp thông đồng nhận tiền rồi khai tăng chi phí sửa chữa gây thiệt hại cho DN bảo hiểm, không đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm chân chính”, vị cán bộ trên nói.

Trên thực tế, bảo hiểm xe cơ giới luôn mang lại doanh thu lớn. Xét trên góc độ toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới năm 2015 chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu (9.637 tỷ đồng, tỷ trọng 30,08%) - theo tổng hợp từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm.

Còn xét dưới góc độ từng DN thì nghiệp vụ bảo hiểm này cũng chiếm tỷ lệ lớn trên cơ cấu tổng doanh thu - có DN chiếm trên 50%. Trong khi đó, dù chưa có số liệu thống kê chi tiết bồi thường theo nghiệp vụ, nhưng tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc năm 2015 của tất cả các nghiệp vụ cũng theo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm là 42,38% - cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (39,37%) - ước bồi thường khoảng 13.579 tỷ đồng.

Chính bởi vậy, việc kiểm soát bồi thường, trong đó có việc giám sát chặt chẽ khâu giám định đang được quan tâm. Đó cũng là lý do mà các DN bảo hiểm đầu tư nhiều hơn cho việc thành lập bộ phận giám định bồi thường độc lập, thay vì kiêm nhiệm như trước đây (vừa kinh doanh vừa bồi thường).   

Tin bài liên quan