Sân bay Vân Đồn do nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn xây dựng toàn bộ. Ảnh: Đức Thanh
Thị trường hàng chục tỷ USD
Cơ hội chen chân đầu tư lĩnh vực kết cấu hạ tầng hàng không của nhà đầu tư tư nhân sẽ rõ hơn khi Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không sau gần 2 năm xây dựng.
Đây là bản đề án nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đang xếp hàng chờ đợi được tham gia vào thị trường đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không quy mô lên tới 141.535 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 và 130.478 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2020, Bộ GTVT đã phải xin Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời gian báo cáo Đề án tới quý I/2021, do định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không là vấn đề phức tạp liên quan mật thiết với an ninh - quốc phòng; định hướng phát triển, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV); tài sản kết cấu hạ tầng tại các cảng hàng không do nhiều cơ quan, đơn vị sở hữu và quản lý (Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, ACV...).
“Bên cạnh đó, các thủ tục, cơ chế đấu thầu/ đấu giá chuyển nhượng quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không (gắn với việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không) chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không là 83.080 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 10.543 tỷ đồng (chiếm 13%); vốn doanh nghiệp của ACV là 57.033 tỷ đồng (chiếm 68%); vốn đầu tư các dự án xã hội hóa là 15.504 tỷ đồng (chiếm 19%).
Được biết, trong bản Đề án gồm 58 trang A4, chưa kể phụ lục, các nội dung mà Cục Hàng không Việt Nam muốn Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng xin ý kiến Bộ Chính trị là đề xuất kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với 6 cảng hàng không: Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị. Trước mắt sẽ thí điểm triển khai đối với Cảng hàng không Đồng Hới (2021 - 2025), sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục mở rộng ra các cảng hàng không còn lại gồm: Rạch Giá, Cà Mau, Sa Pa, Lai Châu, Quảng Trị (2026 - 2030).
Tại các sân bay này, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng toàn cảng, bao gồm các công trình thiết yếu cảng hàng không và các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không, áp dụng mô hình tương tự Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn: Nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý khai thác toàn bộ cảng hàng không theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Đơn vị lập Đề án cũng muốn cấp có thẩm quyền xin ý kiến Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương về giữ vai trò chủ đạo của ACV trong phát triển kết cấu hạ tầng hàng không đến năm 2030. Giai đoạn sau năm 2030, nghiên cứu bổ sung một số doanh nghiệp tham gia quản lý, khai thác để tăng tính cạnh tranh.
Rủi ro cơ chế
Không chỉ bị bó hẹp trong danh mục 6 cảng hàng không, các nhà đầu tư tư nhân cũng có thể tham gia đầu tư vào các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không do ACV quản lý, trong đó có sân bay đang trong giai đoạn triển khai như: công trình dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ suất ăn hàng không; dịch vụ xăng dầu hàng không; công trình dịch vụ phi hàng không, bao gồm: khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà để xe. Hình thức đầu tư đối với các công trình này là nhà đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp.
Được biết, ngoài 2 dự án cảng hàng không xây dựng mới được triển khai theo hình thức BOT, nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư toàn bộ là Vân Đồn - Quảng Ninh và Phan Thiết - Bình Thuận, trong giai đoạn 2014 - 2016, Bộ GTVT đã triển khai mô hình xã hội hóa đầu tư đối với 3 công trình hạ tầng hàng không gồm Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Nhà để xe quốc nội - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, do còn có nhiều cách hiểu, quan điểm khác nhau ngay từ việc xác định hình thức đầu tư của 3 dự án mà đến nay quá trình thực hiện 3 dự án vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập đang phải xử lý.
Chính vì vậy, tại Đề án Định hướng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, trong giai đoạn hiện nay cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện đầu tư theo hình thức PPP và theo hình thức nhượng quyền khai thác, trong đó có các quy định dành riêng và cụ thể đối với hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
Theo một chuyên gia chuyên nghiên cứu về hợp tác công tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thuộc Trung tâm Chính sách giao thông PPP, Đại học George Mason (Hoa Kỳ), đầu tư vào nhà ga hàng không theo hình thức PPP đang là xu thế nổi bật trong đầu tư hạ tầng trên thế giới do có độ an toàn tài chính cao. Bên cạnh các khoản phí tiền tươi thóc thật như phí dịch vụ hành khách, phí cất hạ cánh... chủ sân bay còn có nguồn thu tương đối ổn định từ dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng nhà ga, bán hàng miễn thuế.
“Tuy nhiên, ngành hàng không thế giới vẫn ghi nhận nhiều trường hợp đầu tư vào hạ tầng sân bay trở thành gánh nặng cho nhà đầu tư, doanh thu không đủ hoàn vốn do lưu lượng khách tăng không như dự báo. Tại Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sau gần 10 năm đầu tư hiện mới chỉ vận hành chưa tới 30% công suất là ví dụ điển hình”, chuyên gia này cảnh báo.