Nhóm cổ đông đề cập đến khoản vay cá nhân hơn 29 tỷ đồng năm 2018 và cho rằng, Công ty nên vay ngân hàng .
Theo báo cáo tài chính quý III/2019, lũy kế 9 tháng đầu năm, Xi măng La Hiên đạt doanh thu 490 tỷ đồng, giảm so với mức 511 tỷ đồng của năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 19,2 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với mức 13,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một nhóm cổ đông của Xi măng La Hiên cho rằng, kết quả kinh doanh này chưa phản ánh hết tiềm lực của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh ngành sản xuất xi măng có nhiều thuận lợi trong năm 2018 - 2019.
Đó là giá than và giá xăng dầu giảm, giúp cho chi phí vật tư đầu vào và chi phí vận tải giảm.
Trong quý III/2019, một loạt doanh nghiệp thông báo điều chỉnh tăng giá bán xi măng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu xi măng toàn quốc đạt 15,6 triệu tấn, trị giá 666,8 triệu USD, tăng 1,3% về lượng và tăng 17,9% trị giá so với cùng kỳ. Do đó, nhiều doanh nghiệp xi măng báo lãi lớn.
9 tháng đầu năm, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đạt tổng sản phẩm tiêu thụ 21,82 triệu tấn; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.101 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Trong đó, lợi nhuận của khối công ty sản xuất xi măng đạt 1.346 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) đạt lợi nhuận sau thuế 96,2 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xi măng Hà Tiên 1 báo lãi 9 tháng là 529 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. CTCP Xi măng Hoàng Mai cũng có lợi nhuận sau thuế tăng gấp 16 lần.
Cùng với ý kiến trên, đơn kiến nghị của nhóm cổ đông Xi măng La Hiên gửi tới Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng CTCP Công nghiệp Mỏ Việt Bắc tập trung vào công tác đấu thầu và giao dịch với các bên có liên quan.
Nhóm cổ đông này kiến nghị cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ các vấn đề bất cập.
Cụ thể, theo Công ty công bố, trong số 54 hợp đồng kinh tế có giá trị lớn được ký kết trong năm 2017 và 2018, chỉ có 8 hợp đồng được ký kết thông qua đấu thầu rộng rãi, còn lại 46 hợp đồng công ty không đấu thầu rộng rãi, mà dùng các phương thức khác như chào giá rút gọn, chào giá cạnh tranh…
Giá trị các hợp đồng có đấu thầu rộng rãi chiếm tỷ trọng nhỏ. Công ty đề cập đến các phương thức “chào giá rút gọn”, “chào giá cạnh tranh”, “mua theo giá nhà nước”… Nhóm cổ đông cho rằng, các phương thức này không được quy định trong Luật Đấu thầu.
Theo báo cáo tài chính của Xi măng La Hiên, chi phí vỏ bao xi măng chiếm 11,5% tổng giá vốn. Từ ngày 30/12/2017 tới ngày 20/11/2018, Công ty đã ký kết 4 hợp đồng mua vỏ bao với tổng giá trị xấp xỉ 73 tỷ đồng, có 1 hợp đồng giá trị 59,9 tỷ đồng mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Cổ đông đã yêu cầu Công ty nâng cao tỷ trọng các hoạt động mua bán thông qua đấu thầu để nâng cao tính công khai minh bạch trong hoạt động của Công ty, nhưng Công ty chưa thực hiện theo yêu cầu đó.
Về giao dịch với các bên liên quan, nhóm cổ đông cho biết, từng yêu cầu các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc công bố tên các doanh nghiệp mà cá nhân đó hoặc người có liên quan theo quy định pháp luật có tham gia góp vốn hoặc quản lý, nhưng Công ty chưa công bố.
Do đó, cổ đông kiến nghị cơ quan chức năng thanh, kiểm tra các các giao dịch của Xi măng La Hiên với các cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đó, đặc biệt là các giao dịch với hai đơn vị thuộc sở hữu của người thân thành viên Hội đồng quản trị (kiêm Kế toán trưởng) Lê Thị Thu Hiền là Hợp tác xã Hoàng Thịnh Phát và Công ty TNHH Thảo Quỳnh Anh.
Ngoài ra, nhóm cổ đông còn đề cập đến các khoản vay cá nhân hơn 29 tỷ đồng trong báo cáo tài chính 2018 và cho rằng, Công ty nên vay ngân hàng để minh bạch các khoản thu chi.
Cổ đông kiến nghị, cơ quan chức năng làm rõ các cá nhân cho vay có liên quan đến cán bộ của CTCP Xi măng La Hiên, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc hay không?
Trước những vấn đề này, đại diện Xi măng La Hiên từng chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, Công ty luôn cố gắng minh bạch thông tin và tiếp thu những ý kiến tích cực của các nhà đầu tư.
Việc đầu tư xây dựng và mua bán nguyên vật liệu của Công ty được thực hiện theo các quy định hiện hành, đảm bảo đúng quy chế của Công ty và các quy định của pháp luật, để phục vụ kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhìn chung, giữa các nhóm cổ đông khó tránh khỏi quan điểm trái chiều, mâu thuẫn, nếu không cùng nhìn theo hướng tích cực và có sự thấu hiểu, chia sẻ đối với từng lĩnh vực cụ thể.