Việc nợ xấu tăng nhanh ở nhiều ngân hàng đã được dự báo trước. Ảnh: Dũng Minh

Việc nợ xấu tăng nhanh ở nhiều ngân hàng đã được dự báo trước. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu vẫn… “xinh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nợ xấu tăng trong mùa dịch là điều đã được dự báo trước, còn hiện tại, nợ xấu vẫn… “xinh”.

Bức tranh đa sắc

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, nợ xấu nội bảng của Nam A Bank tăng mạnh 149% lên 1.849 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 2,5 lần lên 1.156 tỷ đồng; nợ nhóm 3 tăng 3,7 lần lên hơn 515 tỷ đồng nợ nhóm 4 tăng 1,3 lần lên 178 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,83% lên 1,89%.

Số dư nợ xấu của VietinBank đã tăng hơn 90% trong 9 tháng đầu năm 2021, lên 18.097 tỷ đồng. Mặc dù nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã giảm hơn 41% về còn 3.543 tỷ đồng, nhưng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đã tăng vọt lên gần 11.631 tỷ đồng, gấp 7,2 lần so với đầu năm, còn nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng hơn 57% lên 2.923 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank chỉ tăng 6,8% lên gần 1,085 triệu tỷ đồng. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng mạnh, từ mức 0,94% thời điểm đầu năm lên 1,67% tính đến cuối quý III/2021.

Cùng bối cảnh nợ xấu tăng là ACB, trong 9 tháng đầu năm tăng chủ yếu tại nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (tăng 201%) và nợ nghi ngờ (tăng 76,1%). Tại NCB, số dư nợ xấu của ngân hàng này tăng 31,5% lên 800 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94% - chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 9 lần so với đầu năm, lên 434,8 tỷ đồng.

Sau 9 tháng đầu năm 2021, nợ xấu của Viet Capital Bank tăng 19% so với cùng kỳ, nâng tỷ lệ nợ xấu từ 2,79% lên 2,94% và nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ngành. Nợ xấu tại LienVietPostBank cũng tăng 10% so với đầu năm, lên mức 2.783 tỷ đồng vào cuối quý III/2021, trong đó riêng nợ nghi ngờ tăng 1,7 lần, lên 974 tỷ đồng.

Lo ngại nợ xấu và nợ tái cơ cấu tăng, nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ, cho dù điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận. Như ACB, riêng trong quý III/2021, chi phí dự phòng rủi ro đã tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ, lên mức 820 tỷ đồng, qua đó nâng mức trích lập lũy kế 9 tháng đầu năm lên hơn 2.812 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Hay tại VietBank, chi phí dự phòng rủi ro quý III/2021 đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước lên 51 tỷ đồng. Tương tự, chi phí dự phòng quý III/2021 của MBBank đã tăng gấp đôi cùng kỳ lên 1.778 tỷ đồng, nâng mức chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm lên 6.018 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ.

Ảnh tác giả

Nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng từ 7,1- 7,7% lên xấp xỉ 8%. Ngân hàng Nhà nước đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022, nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Tại thời điểm 30/9/2021, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của VietinBank là 21.500 tỷ đồng, tăng 71% (tương đương 8.900 tỷ đồng ) so với đầu năm. Chi phí dự phòng rủi ro cho vay trích lập trong 9 tháng qua là 14.000 tỷ đồng, tăng 22% (tương đương 2.500 tỷ đồng ). Riêng trong quý III/2021, ngân hàng này trích lập rủi ro 5.500 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2021 là 119%.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến kéo dài, việc nợ xấu tăng là điều đã được dự báo trước, song cũng có ngân hàng “đi ngược” xu hướng. Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ nợ xấu của VietABank giảm từ mức 2,3% thời điểm đầu năm xuống còn 1,99% tính đến cuối quý III/2021, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) giảm tới hơn 95% xuống còn 6,4 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của SeABank tính đến cuối tháng 9/2021 giảm 6,2% so với đầu năm, về mức 1.897 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 1,68%. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của SHB được kiểm soát ở mức 2,1% khi kết thúc quý III/2021.

Cũng giống như các ngân hàng, khối công ty tài chính tiêu dùng cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài đã ảnh hưởng khá lớn đến việc triển khai hoạt động kinh doanh của Công ty nói riêng và tất cả các doanh nghiệp, ngành nghề khác trong nền kinh tế nói chung, tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

“Dù là một trong những công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn tại Việt Nam hiện nay, nhưng FE CREDIT cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng khi phần lớn khách hàng của Công ty là những người lao động phổ thông, công nhân, buôn bán nhỏ… vốn có mức thu nhập thấp và có sức chịu đựng kém trước các biến động kinh tế, nay lại càng khó khăn để duy trì nguồn thu nhập trong mùa dịch. Điều này khiến cho việc thanh toán khoản vay định kỳ trở nên quá sức đối với khách hàng”, ông Phúc nói.

Bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng Giám đốc SHBF cũng cho hay: “Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc nên khó khăn vẫn đang treo trên đầu SHBF, đặc biệt là câu chuyện công nợ. Chúng tôi đang phải hết sức nỗ lực để vượt qua khó khăn hiện tại”.

Quả vậy, trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất - kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc HDSaison cho biết, thực tế nợ xấu tại các công ty tài chính vào khoảng 9-10% và đây cũng là con số bình thường trong nhóm ngành này với mức nợ xấu trung bình khoảng 8-10%, chứ không thể ở mức dưới 3% như các ngân hàng.

Nợ xấu sẽ rõ hơn vào tháng 6/2022

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP.HCM cho biết: “Trước diễn biến tình phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt tại khu vực miền Nam, ban lãnh đạo ngân hàng đã lường nợ xấu sẽ tăng mạnh và lên kế hoạch để đối phó”.

Cũng liên quan đến câu chuyện nợ xấu, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Ngân hàng cho vay sân sau ít, mà cho vay bên ngoài nhiều thì khách quan là nợ xấu sẽ tăng, bởi vì ngân hàng không đảo được nợ, không giãn, hoãn được nợ sẽ buộc phải chuyển nhóm nợ và ngược lại, nợ xấu sẽ không tăng đối với ngân hàng ngân hàng cho vay sân sau nhiều, cho dù không có bất kỳ một nguồn bổ sung nào hay được đảo nợ để đưa nợ xấu thành nợ tốt. Do vậy, nợ xấu vẫn… ‘xinh’”.

Cùng quan ngại về câu chuyện nợ xấu, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nêu quan điểm: “Các ngân hàng đã và đang thực hiện các biện pháp cứu trợ tín dụng, bao gồm cơ cấu lại các khoản nợ, trong khi vẫn giữ nguyên các khoản cho vay này theo nhóm phân loại như trước khi tái cơ cấu. Tính đến cuối tháng 8/2021, các khoản cho vay cơ cấu lại ước đạt khoảng 2,3% tổng dư nợ - một số không quá cao. Tuy nhiên, bức tranh về các khoản nợ xấu sẽ trở nên rõ ràng hơn vào tháng 6/2022, khi việc gia hạn các khoản vay được cơ cấu lại kết thúc. Vào thời điểm đó, một phần của các khoản cho vay được cơ cấu lại có thể trở thành nợ xấu khi chúng được phân loại lại”.

Báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm 2021 dự kiến tăng từ 7,1- 7,7% lên xấp xỉ 8%. Ngân hàng Nhà nước đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022, nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Tin bài liên quan