Nỗ lực giảm nợ xấu ngoại bảng
Khi các ngân hàng mua lại nợ xấu “gửi tạm” tại VAMC để tự xử lý cho thấy các nhà băng đủ nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu. Bởi chỉ có bản thân các ngân hàng đó mới hiểu rõ từng khoản nợ xấu của mình để có hình thức xử lý, cũng như thu hồi sớm nhất và đúng đắn (bán, thanh lý…).
Khi các khoản nợ xấu này được xử lý xong sẽ được hoàn nhập dự phòng, góp phần làm tăng lợi nhuận thực sự của ngân hàng.
Tuy nhiên, dù rất muốn, nhưng không phải nhà băng nào cũng có khả năng để nhanh chóng tất toán hết trái phiếu VAMC, nhất là những ngân hàng có khối lượng nợ xấu lớn.
Nhiều ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu như Sacombank, SCB hay ngay cả như những ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank cũng cần thời gian để có thể xử lý dần dần khối nợ xấu này.
Là một trong những ngân hàng đang nắm giữ lượng trái phiếu VAMC không nhỏ (sau sáp nhập thêm Southerbank, Sacombank bán lượng lớn nợ xấu cho VAMC), trong những năm qua, Sacombank đã không ngừng đẩy mạnh xử lý nợ xấu với khoảng 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động xử lý nợ của Sacombank đang chậm lại so với năm ngoái.
Trong năm 2019, Sacombank đã xử lý được hơn 6.586 tỷ đồng trái phiếu VAMC, chưa kể các khoản dự phòng với giá trị ghi nhận cuối kỳ đạt hơn 3.936 tỷ đồng.
Mặc dù không thuyết minh cụ thể số nợ xấu tại VAMC, nhưng số nợ xấu này thường được trình bày ở khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.
Khoản mục này hiện là hơn 30.000 tỷ đồng, song đã phần nào giảm nhiều so với trước. Trước đó, cuối tháng 6/2019, số trái phiếu đặc biệt VAMC mà Sacombank còn nắm giữ là 35.515 tỷ đồng.
Trong báo cáo công bố gần đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, kế hoạch trước Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) dự kiến tháng 6/2020 của Sacombank là sẽ xử lý 12.000-15.000 tỷ đồng nợ tồn đọng trong năm 2020, không tính việc thanh lý quỹ đất Phong Phú.
Công ty phân tích giữ nguyên giả định quỹ đất tại Phong Phú sẽ sớm được thanh lý trong năm 2020, các khoản nợ gốc ở Cần Đước sẽ được thu hồi trong năm 2021 thì Sacombank sẽ “sạch” nợ tại VAMC vào cuối năm 2022.
Tại SCB, tới ngày 31/12/2019, ngân hàng này nắm giữ gần 31.747 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, tăng 19% so với đầu năm.
Trong đó, dự phòng trái phiếu chiếm gần 6.903 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, theo SCB, các khoản nợ xấu Ngân hàng bán cho VAMC đều có tài sản đảm bảo là bất động sản và có tính thanh khoản cao.
SCB vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2019-2020, SCB sẽ tập trung nguồn lực để cơ cấu lại hoạt động tín dụng và nâng cao năng lực tài chính.
Tại Eximbank, lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ tính đến hết năm 2019 còn khoảng 3.300 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng đã trích dự phòng được 2.100 tỷ đồng. Theo dự kiến, vào tháng 6/2020, Eximbank sẽ hoàn tất việc tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC.
Đứng trước nguy cơ nhiều ngân hàng không thể hoàn thành quy định trên, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC ban hành vào năm 2016, cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa lên đến 10 năm.
Tuy nhiên, quy định mới này chỉ áp dụng cho TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án đã được phê duyệt, hoặc TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành có thể dẫn đến lỗ trong năm tài chính. Vì thế, không phải ngân hàng nào muốn gia hạn cũng được.
Nợ xấu nội bảng tăng trở lại vì dịch Covid-19
Trong khi các ngân hàng đang phải nỗ lực xử lý nợ xấu ngoại bảng (tất toán trái phiếu VAMC, phát mãi tài sản xử lý nợ xấu), thì nợ xấu nội bảng lại có dấu hiệu tái tăng.
Nợ xấu nội bảng của Sacombank đến cuối tháng 3/2020 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Tại Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm 2020 lên 377 tỷ đồng theo báo cáo tài chính quý 1, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Saigonbank tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.
TPBank cũng là ngân hàng có nợ xấu nội bảng tăng cao, đạt 53% trong quý đầu năm nay, lên mức 1.884 tỷ đồng, thay đổi chủ yếu tại nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 61% lên 771 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 1,28% lên 1,87%.
Vietcombank ghi nhận giá trị nợ xấu tăng 7% lên mức 6.191 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,79% lên 0,82%.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BAC A BANK cũng tăng trong quý I/2020, từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%...
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Nam A Bank tính đến hết quý I/2020 ở mức 1,98%, tăng nhẹ so với mức 1,97% hồi đầu năm...
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo chiến lược đầu tư và đưa ra nhận định rằng, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chứng kiến mức giảm tốc đáng kể về mức độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.
Dù vậy, VDSC lưu ý, thay vì quan tâm khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần chú trọng những ngân hàng ưu tiên kiểm soát chất lượng tài sản nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh khả năng khôi phục hoạt động của các ngành, doanh nghiệp sau dịch bệnh còn khó đoán định.
Trong số 14 ngân hàng niêm yết (với các mã cổ phiếu gồm VCB, ACB, CTG, BID, HDB, VPB, TPB, TCB, STB, MBB, EIB, KLB, LPB, VIB), VDSC thống kê kết quả kinh doanh quý I/2020 ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 2,1% so với đầu năm và 12,2% so với cùng kỳ.
So với mức tăng lũy kế của cùng kỳ năm 2019, hoạt động cho vay chậm lại ở hầu hết các ngân hàng. Mặc dù tổng thu nhập hoạt động đạt mức tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng trưởng hơn 3%.
Lãi sau thuế quý I/2020 cũng giảm mạnh ở 2 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là VCB và BID. Ngoài ra, CTG, MBB, STB và KLB cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm.
Lợi nhuận sau thuế các ngân hàng đã giảm mạnh so với mức tăng trưởng chung gần 11% của quý I/2019 do thu nhập lãi, dịch vụ giảm tốc, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh ở hầu hết ngân hàng và chi phí hoạt động cũng tăng mạnh hơn so với tăng trưởng về thu nhập.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng dự báo, trong quý II/2020, lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh do các ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay, giãn nợ, cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trích lập dự phòng tăng mạnh cũng ăn mòn đáng kể lợi nhuận ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Dào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng, năm 2020, thu nhập hoạt động của các TCTD sẽ giảm ít nhất khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20-25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu.
Hiện nay, các gói hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gồm giảm lãi suất cho vay và giãn, gia hạn thời hạn trả nợ, nhưng đi kèm với đó là bài toán nợ xấu.
Thực tế, việc nợ xấu tăng kéo theo dự phòng rủi ro của các nhà băng tăng cao trong quý I/2020.
TS. Cấn Văn Lực đưa ra dự báo nợ xấu cuối năm 2020 khoảng 4% và như vậy các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tương đối nhiều.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện đến người dân và doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng.
Theo Phó thống đốc, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong khi các nước chưa kiểm soát được dịch, nên các doanh nghiệp gặp khó không có khả năng trả nợ, dẫn đến nợ xấu tăng, có thể cao hơn mức 3,67% vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời các vấn đề liên quan tới nợ xấu.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống. Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3% đến cuối năm 2020. Trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% vào cuối năm 2020, thậm chí có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.