Nợ xấu sẽ trở nên xấu hơn khi Thông tư 01 về tái cơ cấu nợ hết hạn. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu sẽ trở nên xấu hơn khi Thông tư 01 về tái cơ cấu nợ hết hạn. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu sắp nổi lên vì... Thông tư 01

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hết hạn có thể làm nợ xấu tăng thêm 4%.

Liên tục rà soát nợ và trích lập dự phòng

N.T.T.L, nhân viên tín dụng Agribank chia sẻ: “Nói có thể hơi quá, nhưng chưa năm nào khủng khiếp như năm nay khi không chỉ hoạt động cho vay ra khó khăn, mà còn chịu áp lực từ Hội sở liên tục rà soát việc cho vay và phân loại nợ”.

Câu chuyện của nhân viên tín dụng này được các cán bộ Hội sở Agribank xác nhận, tình hình cuối năm đã đỡ bi quan hơn nhiều so với thời điểm đầu năm, nhưng dự báo tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn tiếp diễn. Do đó, Ban lãnh đạo Ngân hàng đang tích cực rà soát nhằm đảm bảo nợ được để đúng nhóm và trích lập dự phòng, tránh rủi ro chuyển tiếp sang năm sau. Được biết, tỷ lệ nợ xấu của Agribank tính đến thời điểm 31/12/2020 là 1,64%.

“Agribank đã tổ chức các đoàn đánh giá, rà soát nhằm trích lập đúng nhóm nợ, không che dấu, cũng không để nợ tiềm ẩn, để vừa chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, vừa đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng kết quả kinh doanh”, một lãnh đạo cao cấp Agribank thông tin.

Khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước khiến doanh nghiệp “đóng băng” và hệ lụy là nợ cũ chưa giải quyết xong đã xuất hiện nợ mới, dẫn tới nợ chồng nợ. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới mức 2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ này đã tăng dần lên 2,01% vào cuối tháng 8/2020; 2,14% vào cuối tháng 9/2020 và 2,09% vào cuối tháng 10/2020.

Việc nợ xấu tăng có một phần nguyên nhân do công tác xử lý nợ của các ngân hàng chưa tích cực như kỳ vọng, cho dù đã nỗ lực. Chẳng hạn, vừa qua, BIDV thông báo bán khoản nợ của Công ty TNHH một thành viên Hàm Rồng giá trị hơn 232 tỷ đồng (tính đến ngày 31/8/2019). Trong đó, dự nợ gốc là 80 tỷ đồng, lãi là 152 tỷ đồng, giá chào bán là hơn 120 tỷ đồng, thấp hơn nửa giá so với giá trị khoản nợ. Năm 2019, BIDV từng 2 lần rao bán khoản nợ này nhưng không thành công.

Hay như khoản nợ của CTCP Nhà Hưng Ngân với tổng giá trị gần 564 tỷ đồng, gồm 372 tỷ đồng dư nợ gốc và lãi vay gần 191,8 tỷ đồng, BIDV đã nhiều lần rao bán nhưng đều chưa thành công và trong lần chào bán thứ 5 mới đây, giá bán khởi điểm tiếp tục giảm thấp hơn so với những lần trước đó, ở mức 395,8 tỷ đồng.

VietinBank cũng không là ngoại lệ khi năm qua liên tục thông báo bán đấu giá các tài sản đảm bảo cũng như khoản nợ, nhưng chưa mang lại kết quả mong muốn. Gần đây nhất, Ngân hàng đấu giá lần thứ 16 tài sản của CTCP Thương mại xây dựng vận tải Anh Đạt với giá khởi điểm 143 triệu đồng gồm tài sản là xe ôtô.

VietinBank cũng thông báo lần 4 bán khoản nợ 104 tỷ đồng của Công ty TNHH Kim Anh với giá khởi điểm 75 tỷ đồng, hay tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Kim Kim Dung với giá 36 tỷ đồng…

“Thu hồi nợ trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay không dễ, trong khi nợ xấu mới vẫn liên tục phát sinh khiến hoạt động kinh doanh sẽ phải có những thay đổi”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tư nhân nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các ngân hàng vẫn chưa công bố chính thức báo cáo tài chính của năm 2020, nhưng dựa trên số liệu đến cuối quý III/2020, nợ xấu nhóm ngân hàng niêm yết đã tăng lên 1,8% từ mức 1,5% cuối năm 2019. Theo đó, chi phí dự phòng của các ngân hàng niêm yết đã tăng 15% so với cùng kỳ 2019 và chi phí tín dụng trên dư nợ cho vay tăng nhẹ lên 1,5%.

Đơn cử, VPBank và MB có mức tăng chi phí dự phòng 9 tháng đầu năm 2020 đều ở mức 14%, trong khi tỷ lệ nợ xấu nhóm 3 đến nhóm 5 đều tăng lên 3,6% (từ mức 3,4%) và 1,5% (từ mức 1,2%). Đây là 2 ngân hàng có công ty con trong mảng cho vay tiêu dùng, đặc biệt là VPBank có FE Credit đóng góp lớn vào lợi nhuận trước thuế (34%) trong 9 tháng đầu năm 2020.

Thông tư 01 hết hạn: Nợ xấu sẽ xấu hơn

Điểm đáng chú ý, bức tranh ngành ngân hàng sẽ mang một gam màu tối hơn với phần dư nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 01 khi thông tư này hết hạn.

Thừa nhận có những lo ngại về nợ xấu khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhưng kết thúc năm 2020, TPBank cho biết, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,14% thấp hơn năm 2019. Dẫu vậy, TPBank kỳ vọng mức chuyển nhóm nợ của tổng dư nợ tái cơ cấu trong trường hợp xấu sau khi Thông tư 01 hết hạn vào khoảng 5% tổng dư nợ được tái cơ cấu, tức là khoảng 0,4% tổng dư nợ cho vay đối với TPBank và duy trì mức bao phủ nợ xấu hơn 90%.

“Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng khi mức trích lập dự phòng dù có tăng mạnh, nhưng vẫn sẽ không đủ cho các kịch bản xấu nếu một lượng lớn tổng dư nợ được cơ cấu chuyển nhóm”, vị tổng giám đốc trên chia sẻ.

Tính đến ngày 25/12/2020, tất cả các tổ chức tín dụng đã vào cuộc và thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ 355.000 tỷ đồng. Con số này tương đương 4% tổng dư nợ cho vay khách hàng toàn ngành được cơ cấu và không bị chuyển xuống nhóm nợ xấu. Vị tổng giám đốc trên ước tính, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch chiếm khoảng 14% dư nợ tín dụng toàn hệ thống, lớn hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,09% cuối tháng 10/2020 vốn được hỗ trợ rất nhiều bởi Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, nếu nhìn vào dữ liệu về nợ nhóm 2 vốn tiềm tàng khả năng trở thành nợ xấu sau khi Thông tư 01 hết hạn mà không có văn bản, quy định thay thế hoặc không được gia hạn, mức nợ xấu hiện tại của các ngân hàng khả năng sẽ còn xấu hơn.

Có lẽ đây là nguyên do chứ không phải là ngẫu nhiên ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01 theo hướng tiếp tục hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 không có khả năng trả nợ đối với các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020 bằng hình thức cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó, cho phép kéo dài thời gian cơ cấu (trên 12 tháng) đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, chưa có doanh thu như lưu trú, vận tải, nhà hàng, đào tạo…

Còn ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 và Đề án 1058 vẫn có một số khó khăn về thực hiện quyền thu giữ tài sản, giải quyết theo thủ tục rút gọn của tòa án; thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thu được và tính quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương…

“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn, đồng thời nghiên cứu luật hóa Nghị quyết 42 thành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hoặc là một bộ phận cấu thành của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, tạo niềm tin vững chắc cho các thủ thể hoạt động trên thị trường tiền tệ - ngân hàng. Đồng thời, sớm xây dựng và đưa vào vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu để tăng tính công khai, minh bạch cũng như tăng thu hút nhiều chủ thể tham gia, sớm hoàn thiện thị trường mua bán nợ theo thông lệ và cam kết quốc tế”, ông Tú nêu đề xuất.

Nhìn vào mức chênh lệch lớn của dư nợ tái cơ cấu so với nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết, kết hợp với các quan điểm đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam cũng như dịch bệnh, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, phần lớn lãnh đạo ngân hàng vẫn đặt kỳ vọng vào sự tích cực của diễn biến nợ xấu và động lực từ nguồn thu nhập có thể bù đắp cho độ trễ của nợ xấu.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có văn bản hỗ trợ việc giảm tốc độ chuyển nhóm nợ của dư nợ tái cơ cấu, giúp giảm áp lực lên ngành ngân hàng nói chung và nhằm đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3%”, lãnh đạo các ngân hàng nóin

Tin bài liên quan