Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của nhiều ngân hàng đều tăng mạnh trong 6 tháng qua.

Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ của nhiều ngân hàng đều tăng mạnh trong 6 tháng qua.

Nợ xấu ngân hàng tăng dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tác động của dịch Covid-19 khiến nợ xấu có dấu hiệu tăng dần, cho dù tín dụng tăng chậm và các ngân hàng đã tăng trích dự phòng rủi ro.

Nợ dưới tiêu chuẩn tăng

Báo cáo bán niên 2020 cho thấy, tổng nợ xấu của Vietcombank tăng 11% so với đầu năm nay, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,79% lên 0,83%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 58% và nợ nghi ngờ tăng 56%.

Tương tự, tại thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 11%, nợ nghi ngờ tăng 21% và nợ có khả năng mất vốn tăng 17%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,75% lên 2%.

Tại VietinBank, tổng nợ xấu tính đến 30/6/2020 tăng đến 48% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 250% và nợ nghi ngờ tăng 84%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,7%.

Tổng nợ xấu của Sacombank đã tăng 17% so với đầu năm 2020, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,94% lên mức 2,15% vào cuối tháng 6. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 190% và nợ nghi ngờ tăng 32%.

Tổng nợ xấu của ACB tại ngày 30/6 tăng 32% so với đầu năm nay, lên mức 1.918 tỷ đồng (đã loại bỏ hơn 2.082 tỷ đồng cho vay khách hàng của ACBS). Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 48% (348 tỷ đồng) và nợ nghi ngờ tăng 64% (510 tỷ đồng), khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,54% lên 0,68%.

Nợ xấu của OCB tính đến hết tháng 6/2020 tăng 14% so với đầu năm nay, đạt hơn 1.491 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 21% và nợ nghi ngờ tăng 34%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,84% lên 1,93%.

So với đầu năm, tổng nợ xấu tại thời điểm cuối quý II/2020 của Eximbank tăng 12%, lên hơn 2.157 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 140%, nợ có khả năng mất vốn tăng 98%. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 1,71% lên mức 2,08%.

Thực tế, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ lên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng khiến nợ xấu tăng, cho dù các nhà băng đã được tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng. Nói cách khác là ngân hàng được phép cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ đến hết tháng 9/2020.

Các nhận định được đưa ra từ giới chuyên gia kinh tế - tài chính cho thấy, nợ xấu của ngân hàng sẽ còn tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tín dụng năm 2020 được cho là khó tăng cao khi 7 tháng đầu năm dư nợ mới tăng hơn 4%, theo số liệu của NHNN, nhưng nợ xấu được cảnh báo sẽ tăng mạnh do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến không thể trả nợ đúng hạn, cho dù đã được các ngân hàng tái cơ cấu nợ.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nợ xấu của Ngân hàng đã tăng 712 tỷ đồng so với đầu năm (đến từ khách hàng hiện hữu do dịch bệnh nên không có nguồn thu).

Theo bà Diễm, đại dịch trên thế giới còn diễn tiến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, nên nợ xấu có thể còn tăng lên. Dù vậy, Sacombank sẽ nỗ lực để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2% trong năm nay.

Kéo chi phí dự phòng tăng theo

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nợ xấu tăng là điều khó tránh, nhưng vẫn phải được kiểm soát ở mức hợp lý, chứ không để quay trở lại tình trạng nợ xấu cao như trước đây.

Thực tế, nhận thấy sức ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, NHNN đã đề phòng việc nợ xấu toàn ngành sẽ tăng lên mức 3-4% năm nay - là mức nằm trong tầm kiểm soát. Vì thế, các nhà băng đã sớm mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro.

Tại Sacombank, trong quý II/2020, nợ xấu tăng đã kéo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 86% so với cùng kỳ 2019, lên gần 1.148 tỷ đồng do trích lập dự phòng các khoản tín dụng, repo, trái phiếu VAMC (thuộc Đề án tái cơ cấu).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank tăng 50%, lên hơn 1.565 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước và sau thuế đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước, lần lượt là 1.428 tỷ đồng và 1.129 tỷ đồng, qua đó thực hiện được 55% kế hoạch lợi nhuận (trước thuế) cả năm 2020.

Với Eximbank, trong quý II/2020 đã trích lập hơn 155 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước được hoàn nhập hơn 36 tỷ đồng, góp phần làm lợi nhuận trước và sau thuế giảm 77% so với cùng kỳ 2019, xuống tương ứng hơn 94 tỷ dồng và 74 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế giảm 28%, xuống mức gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng và hoàn thành 42% kế hoạch lãi trước thuế đề ra cho cả năm.

Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank, lợi nhuận quý II/2020 giảm mạnh do Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng liên quan đến khoản cổ phiếu STB và đang tập trung xử lý gần 75 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ.

Báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank cho biết, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của Eximbank đều tuân thủ theo quy định tại Thông tư 19 và Thông tư 16, ngoại trừ hai chỉ tiêu là tỷ lệ cho vay chứng khoán trên tổng nợ và có các khoản tín dụng cấp cho đối tượng hạn chế cấp tín dụng.

Tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng.

Ngày 2/10/2019, NHNN đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là gần 75 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định. HĐQT Eximbank cho biết, năm 2020, Ngân hàng sẽ tập trung xử lý khoản nợ này.

Bên cạnh phải trích lập dự phòng cao cho lượng lớn cổ phiếu STB làm giảm lợi nhuận quý II/2020, theo ông Vinh, việc tái cơ cấu lại nợ cho khách hàng do ảnh hưởng dịch cũng là yếu tố tác động lên lợi nhuận nửa đầu năm nay.

Chi phí dự phòng của ACB cũng tăng mạnh trong quý II/2020, gấp 4 lần cùng kỳ, đạt gần 440 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế chỉ giảm 1% so với cùng kỳ, đạt 1.895 tỷ đồng và 1.522 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, lãi trước và sau thuế tăng 5% và 6%, lên mức 3.820 tỷ đồng và 3.059 tỷ đồng, khi mà chi phí dự phòng đã tăng 5,5 lần lên mức 532 tỷ đồng.

Với OCB, nợ dưới chuẩn và nợ nghi ngờ tăng kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 tăng 49%, nhưng lợi nhuận trước và sau thuế của OCB vẫn tăng 67% so với cùng kỳ 2019, đạt lần lượt hơn 1.864 tỷ đồng và 1.491 tỷ đồng, qua đó thực hiện được 42,36% kế hoạch lợi nhuận cả năm (4.400 tỷ đồng).

Tại nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nợ xấu tăng cao trong nửa đầu năm nay kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank tăng 21% (tương đương 4.009 tỷ đồng), kết quả là lợi nhuận trước và sau thuế giảm khoảng 3% so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 10.982 tỷ đồng và 8.788 tỷ đồng.

BIDV dù có nợ xấu tăng trong quý II/2020, nhưng chi phí dự phòng rủi ro lại giảm 26%, góp phần làm giảm 6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, do lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng giảm 6% về mức 14.596 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt 5% và 6% về tương ứng 4.454 tỷ đồng và 3.476 tỷ đồng.

Tại VietinBank nợ xấu cũng tăng, nhưng nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 11%, nên lợi nhuận trước và sau thuế quý II/2020 tăng 40%, đạt lần lượt 7.460 tỷ đồng và 6.015 tỷ đồng. Lãi ròng 6 tháng đầu năm của VietinBank đạt 5.986 tỷ đồng.

Tin bài liên quan