Chỉ cần nguyên nhân khách quan: nợ xấu khoảng 1% tổng dư nợ
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nợ xấu như từ phía người vay vốn, từ phía ngân hàng, thậm chí từ những bất ổn của nền kinh tế, yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh.
Trong trường hợp không có yếu tố tác động nào, nhưng chỉ cần nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh cũng có thể tạo ra nợ xấu, khoảng 1% tổng dư nợ.
“Về phía khách hàng, nguyên nhân dẫn tới nợ xấu do khách hàng có tình hình tài chính không tốt, năng lực chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, quản trị doanh nghiệp yếu, không thích ứng được với môi trường kinh tế thay đổi. Về phía ngân hàng, nợ xấu do chất lượng thẩm định không tốt, rủi ro đạo đức của một số cán bộ. Ngoài ra, một số đơn vị thời gian qua có kết quả tăng trưởng tín dụng nóng, nhưng tình hình quản trị chưa tốt, dẫn tới những khoản nợ chưa đạt tiêu chuẩn”, ông Thắng nói.
Nhà nước cần có biện pháp cần thiết hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, trong đó có một phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước, để giải quyết nợ xấu
- TS. Nguyễn Đức Kiên,Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Một lãnh đạo Agribank nhận định nguyên nhân phát sinh nợ xấu chủ yếu là kinh tế thế giới và trong nước hồi phục chậm; hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế khó khăn; sức mua trên thị trường ở mức thấp, khả năng hấp thụ vốn chưa cao; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hệ thống các tổ chức tín dụng còn chậm.
Đối với Agribank, vị lãnh đạo trên cho biết, đặc thù tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng phần lớn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm tỷ lệ 70 - 80% trên tổng dư nợ, trong khi đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, dẫn dến tình trạng “được mùa, mất giá”, khiến nhiều khoản nợ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu quan điểm: “Nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các doanh nghiệp và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng.
Thủ phạm chính của nợ xấu là doanh nghiệp. Nạn nhân chính của nợ xấu là ngân hàng. Và cuối cùng, xét trên tổng thể, cả nền kinh tế với những yếu kém và rủi ro vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nợ xấu”.
Một thông tin đáng chú ý từ đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho biết, thời gian bình quân để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam theo con đường tòa án là 400 ngày, với chi phí 29% giá trị khoản nợ và chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18.
Bên cạnh đó, số lượng vụ việc thi hành án dân sự liên quan tín dụng ngân hàng còn tồn đọng chưa được thi hành năm 2016 là 15.949 vụ việc, với số tiền tồn đọng, chưa được thi hành là 58.997 tỷ đồng.
“Thực tế này cũng tạo điều kiện cho kỷ luật hợp đồng không được các bên liên quan tuân thủ, các quyền hợp pháp của chủ nợ (bao gồm cả các tổ chức tín dụng) không được bảo đảm, dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và các ngân hàng vẫn phải cho vay chủ yếu dựa vào tài sản bảo đảm.
Đây cũng là một nguyên nhân làm cho nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn ở mức cao, đe dọa sự ổn định, an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng”, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước nói.
Trách nhiệm của các bên liên quan
Câu chuyện nợ xấu kéo dài còn được lãnh đạo Agribank đề cập trên cơ sở các vụ việc chuyển điều tra hình sự thì khách hàng ngừng trả nợ, tài sản bảo đảm xuống cấp, suy giảm giá trị; các tài sản liên quan vụ án, Agribank không được chủ động xử lý, dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản thấp, có khoản vay hầu như không thu được nợ; số lượng các vụ việc khởi kiện ra tòa án dân sự các cấp lớn (6.803 vụ), gây quá tải, việc thụ lý, giải quyết nhiều vụ án kéo dài, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ.
“Công tác thi hành án phức tạp, có vụ tới 4 - 5 năm vẫn chưa thi hành xong, nhiều trường hợp tài sản bán đấu giá trên 10 lần vẫn không thành. Agribank thường xuyên làm việc với cơ quan thi hành án; Chủ tịch Agribank và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án trực tiếp nghe và chỉ đạo phối hợp thi hành từng bản án trên hai địa bàn TP. HCM và Hà Nội, nhưng kết quả cũng không được nhiều”, lãnh đạo Agribank chia sẻ.
Theo lãnh đạo Agribank, một số khoản vay tại thời điểm cho vay khách hàng đủ điều kiện vay không có bảo đảm bằng tài sản, hoặc có tài sản bảo đảm theo quy định nhưng do nguyên nhân khách quan (suy thoái kinh tế, dự án đầu tư gặp rủi ro, giá trị tài sản suy giảm khi định giá lại hoặc không tiêu thụ được) nên cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn.
Trong khi đó, hệ thống cơ chế pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, xử lý tài sản thế chấp, nợ xấu có những điểm chưa cụ thể, rõ ràng, thiếu đồng bộ, ngay cả vấn đề tiếp tục cho vay đối với khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho VAMC để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng sau khi bán nợ .
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, xảy ra nợ xấu là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, đồng thời là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi thực hiện các chức năng điều hành, quản lý, giám sát chưa hiệu quả.
Theo TS. Kiên, nói nợ xấu trước hết là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại bởi việc sàng lọc, lựa chọn khách hàng, quyết định cho vay, thực hiện giải ngân cũng như kiểm soát quá trình sử dụng vốn của khách hàng là trách nhiệm của ngân hàng.
Tiếp theo, nợ xấu là trách nhiệm của các doanh nghiệp, khi được vay vốn từ ngân hàng, dù khách quan hay chủ quan, đã không quản lý, sử dụng hiệu quả, dẫn đến không trả được nợ. Do vậy, các doanh nghiệp có nợ xấu đương nhiên phải có trách nhiệm chính và hợp tác tối đa trong việc xử lý nợ xấu.
Tình trạng nợ xấu đến mức hàng chục tỷ USD như hiện nay không thể không có một phần trách nhiệm của Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan điều tiết vận hành nền kinh tế, quản lý và giám sát đối với hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cũng như quản lý, giám sát đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại đã để xảy ra tình trạng đầu tư ngoài ngành, đầu tư quá lớn vào bất động sản, sở hữu chéo, tiêu cực…
“Do vậy, Nhà nước cần có biện pháp cần thiết hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, trong đó có một phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước, để giải quyết nợ xấu”, TS. Kiên nói.