Hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu hiện hữu và tiềm ẩn đang trở thành mối đe dọa của các ngân hàng do thị trường mua bán nợ trầm lắng và nằm “ngoài vùng phủ sóng” của Nghị quyết 42. Ảnh: Đức Thanh
Thế nhưng, do Covid-19, khoảng nửa triệu tỷ đồng nợ xấu khác lại “mọc ra” mà chưa có cơ chế đặc biệt nào để xử lý.
Bảo kiếm chỉ dành cho nợ xấu cũ
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong số 530.000 tỷ đồng nợ xấu đã được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng phối hợp xử lý giai đoạn trước đây, số nợ xử lý theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) lên tới 350.000 tỷ (chỉ riêng giai đoạn từ 15/8/2017 đến 30/4/2021).
Theo VAMC, Nghị quyết 42 đã trở thành một “bảo kiếm” hữu hiệu, giúp các tổ chức tín dụng và VAMC xử lý nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Thế nhưng, các chuyên gia ngân hàng lưu ý, Nghị quyết 42 với các cơ chế đặc biệt về xử lý nợ xấu chỉ áp dụng với các khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017, chủ yếu là “cục máu đông” nợ xấu hình thành trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2011 - 2013. Còn với nợ xấu hình thành từ ngày 15/8/2017 đến nay, các ngân hàng vẫn phải xử lý theo trình tự thủ tục thông thường. Đáng lưu ý, nợ xấu do Covid-19 đang có dấu hiệu tăng mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay: “Tôi đã ngồi với anh Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC và chúng tôi thống nhất ước tính, trong tổng số nợ cơ cấu lại 357.000 tỷ đồng hiện tại, có khoảng 1/3 là tiềm ẩn nợ xấu, tức là có thể biến thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu (khoảng 120.000 tỷ đồng)”.
Việc ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, giúp ngành ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong NHNN và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC
Trong khi đó, theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, năm nay, nợ xấu gộp (bao gồm nợ tiềm ẩn, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, nợ nội bảng) có thể lên tới 3,43-3,84%. Còn nếu tính cả nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01 và Thông tư 03 (NHNN cho phép cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ - PV) thì nợ xấu có thể lên tới 4,56 - 5%.
Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống tăng 5,1%, cả năm nay có thể tăng 12%, tức đạt quy mô 10,3 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu tính toán một cách đầy đủ, nợ xấu cuối năm nay có thể lên tới nửa triệu tỷ đồng - cao gấp nhiều lần so với con số báo cáo của các tổ chức tín dụng hiện nay.
Thống kê của 26 tổ chức tín dụng quý I/2021 cho thấy, nợ xấu tuyệt đối chỉ hơn 93.000 tỷ đồng, dù đã tăng hơn 5% so với cuối năm 2020.
“Theo báo cáo của các ngân hàng, nợ xấu quý I/2021 vẫn khá tích cực. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ đẩy áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ tư, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành ngân hàng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Hàng trăm tỷ đồng nợ xấu mới phát sinh đang thiếu cơ chế xử lý
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng, nếu không có Covid-19, một khi tảng băng nợ xấu khổng lồ giai đoạn trước được dọn dẹp, thì với nguồn lực tài chính cải thiện mạnh những năm gần đây, các ngân hàng có đủ sức xử lý nợ xấu mới phát sinh. Thế nhưng, Covid-19 xảy ra khiến khối nợ này lại dềnh lên, nguy cơ hình thành “cục máu đông” mới. Nghị quyết 42 dù còn hiệu lực 1 năm nữa, song lại không có tác dụng trong việc xử lý các khoản nợ mới phát sinh.
VAMC đang chuẩn bị đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ xấu, song nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, trước mắt, chưa thể kỳ vọng xử lý nợ xấu qua sàn giao dịch, khi hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý của khoản nợ, chứng khoán hóa nợ xấu… chưa được xử lý.
Như vậy, hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu hiện hữu và tiềm ẩn đang trở thành mối đe dọa của các ngân hàng, bất chấp thông tin lợi nhuận khủng. Khối nợ khổng lồ này đang mắc kẹt và có nguy cơ dềnh lên bởi thị trường mua bán nợ trầm lắng và nằm “ngoài vùng phủ sóng” của Nghị quyết 42.
Trong bối cảnh này, theo TS. Cấn Văn Lực, bên cạnh giải pháp thúc đẩy thị trường mua bán nợ, tăng cường kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, thì Chính phủ cần trình Quốc hội ban hành một bộ luật về xử lý nợ xấu (luật hóa Nghị quyết 42).
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, NHNN đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm cả xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang chỉ đạo VAMC triển khai Chiến lược Phát triển VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật.