Ông Victor Ong

Ông Victor Ong

Nợ xấu, cần nhìn từ con số báo cáo tài chính cuối năm

(ĐTCK) Đó là ý kiến của ông Victor Ong, Giám đốc Khối Tư vấn quản trị rủi ro dịch vụ tài chính của E&Y ASEAN khi trao đổi với ĐTCK.

E&Y vừa công bố Báo cáo khảo sát về “Xu thế NHTM tại các thị trường mới nổi: nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức”, trong đó nhận định, một trong những thách thức lớn nhất của các NHTM Việt Nam là nợ xấu.

Con số nợ xấu các tháng trước được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã giảm, nhưng tháng vừa rồi, nợ xấu đột nhiên tăng trở lại. Theo ông, lý do tại sao?

Tại Việt Nam , nếu tỷ lệ nợ xấu có sự thay đổi về mặt thống kê từ tháng này so với tháng trước cũng là điều bình thường, giống như các thị trường khác. Điều này cũng không phản ánh sự biến động nhanh của thị trường. Thông thường, khi đánh giá về nợ xấu, chúng ta cần phải nhìn con số từ cáo cáo tài chính cuối năm, là thời điểm các ngân hàng phải tuân thủ chuẩn mực kiểm toán để công bố đầy đủ, chính xác con số nợ xấu. Trong vòng 6 tháng qua, có nhiều thông tin về con số nợ xấu, nhưng với sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), việc xử lý nợ xấu cũng là động lực để các ngân hàng nhận diện con số nợ xấu chính xác, đầy đủ để xử lý kịp thời.

 

Tuy nhiên, con số nợ xấu được các ngân hàng công bố được nhìn nhận là chưa thực sự minh bạch, khiến việc giải quyết như bán nợ xấu cho VAMC gặp khó khăn. Quan điểm của ông như thế nào?

Minh bạch không chỉ là vấn đề của riêng hệ thống ngân hàng Việt Nam, mà còn ở các thị trường mới nổi khác, khi các quy định về nhận diện, công bố nợ xấu chưa được chặt chẽ. Các quy định chưa chặt chẽ sẽ có điểm “lách”, dẫn tới các con số nợ xấu khác nhau. Tuy nhiên, việc công bố nợ xấu như thế nào cũng tùy thuộc vào chủ quan của mỗi ngân hàng và không phải ngân hàng nào cũng muốn công bố con số nợ xấu một cách chính xác. Bởi lẽ, đây là điểm nhạy cảm, đặc biệt là những ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên TTCK, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá cổ phiếu.

Ở Singapore hay Malaysia trước khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, việc công bố nợ xấu cũng có những vấn đề tương tự như ở Việt Nam hiện nay, nhưng sau khủng hoảng, chính phủ các quốc gia này đã thắt chặt hơn những quy định, định nghĩa như thế nào là nợ xấu và trách nhiệm công bố. Theo như những gì tôi quan sát tại Việt Nam thời gian trước, những hướng dẫn liên quan đến nợ xấu chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng hiện nay đã có những thay đổi quan trọng, tiệm cận dần đến việc minh bạch, chuẩn mực hơn.

 

Khủng hoảng vừa qua cũng khiến các ngân hàng nhìn nhận lại về quản trị rủi ro nhiều hơn?

Đúng vậy. Báo cáo của E&Y cho thấy, các tổ chức tín dụng ở Việt Nam lo ngại về quản lý rủi ro hơn tất cả các thị trường mới nổi khác. Các ngân hàng có thể cân nhắc áp dụng các giải pháp mới tiên tiến để khắc phục vấn đề này.

 

VAMC công bố từ nay đến cuối năm sẽ mua được khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Ông có cho rằng, con số này là khả thi?

VAMC có đạt được mục tiêu hay không rất khó để nhận xét, bởi như trên đã nói, các con số nợ xấu chưa được minh bạch, các yêu cầu về báo cáo cũng chưa chặt chẽ và các tổ chức tín dụng vẫn còn những vùng “xám” để lách công bố con số nợ xấu. Đây là hành trình dài với nhiều thách thức. Trong khi đó, những gì tôi nhìn nhận hiện nay là Ngân hàng Nhà nước nói chung và VAMC nói riêng đang phải chịu nhiều áp lực liên quan đến truyền thông trong vấn đề giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, có nhiều trách nhiệm của các bên như các NHTM phải nghiêm túc xem xét danh mục tín dụng của mình, các DN cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích... VAMC ra đời được nhìn nhận không phải là “đũa thần”, cần lộ trình và thời gian để giải quyết một cách hiệu quả.

 

Việc giải quyết nợ xấu cần được thúc đẩy hơn?

Trong việc xử lý nợ xấu, yếu tố thời gian là rất quan trọng. Nếu để tình hình ngày càng xấu đi và thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế kém sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Mối quan tâm của bất kỳ chính phủ nào cũng là giải quyết càng nhanh càng tốt vấn đề nợ xấu để hoạt động ngân hàng lành mạnh trở lại. Nhưng khó khăn là làm thế nào để cân đối được việc xử lý nợ xấu nhanh nhưng phải hiệu quả, trong khi các biện pháp như chứng khoán hóa tài sản nợ xấu không hề đơn giản, nếu không cẩn trọng sẽ có những tác động ngược lại.

 

Báo cáo về “Xu thế NHTM tại các thị trường mới nổi: nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức” của EY được khảo sát và phỏng vấn các lãnh đạo ngân hàng cấp cao tại 10 thị trường chính có tốc độ tăng trưởng nhanh (RGMs) ở các giai đoạn phát triển khác nhau, bao gồm hơn 50 định chế tài chính lớn với tổng tài sản chiếm trên 40% tổng tài sản của toàn ngành.

Theo đó, các điểm cần lưu ý ở Việt Nam là: tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng vẫn đang ở mức cao, nhưng hầu hết các phản hồi nhận được đều dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng sẽ có sự cải thiện trong thời gian tới; các ngân hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, tăng cường bán chéo sản phẩm cũng như phát triển các kênh bán hàng mới để có thể tiếp cận khách hàng; các áp lực về cạnh tranh, khách hàng và các yếu tố chính trị cho thấy ngân hàng đang tìm mọi cách để duy trì lợi nhuận, chú trọng nhiều hơn vào các sáng kiến cắt giảm chi phí; tỷ lệ nợ xấu cao, nguy cơ phải hợp nhất đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường quản lý rủi ro….

Đáng chú ý, các ngân hàng Việt Nam khá lạc quan về năm 2014. Tất cả các ngân hàng đều dự kiến hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện trong năm tới. Sự lạc quan này một phần xuất phát từ quan điểm nợ xấu đang giảm dần và sự hy vọng rằng, các sáng kiến mới nhất của Chính phủ để xử lý các khó khăn trong ngành ngân hàng sẽ phát huy tác dụng, từ đó giúp cho các ngân hàng có thể hỗ trợ trở lại nền kinh tế một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, sự lạc quan này cũng được hỗ trợ bởi niềm tin vào triển vọng kinh tế.