Nợ xấu bắt đầu tăng nhẹ trên 2% từ tháng 8/2020

Nợ xấu bắt đầu tăng nhẹ trên 2% từ tháng 8/2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, từ tháng 8/2020 bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%.

Chia sẻ trên được ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nếu không có dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% cuối năm 2020 hoàn toàn trong tầm tay. Nhưng, dịch bệnh tác động ghê gớm đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc doanh nghiệp và người dân không trả nợ được ngân hàng. Đây là việc ngoài tầm kiểm soát, do đó, ảnh hưởng đến đến mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu và nguy cơ gia tăng nợ xấu.

“NHNN luôn kiên định, hạn chế, kiểm soát dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Liên quan đến giải pháp cho vấn đề trên, ông Du cho biết, NHNN tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Bên cạnh đó, theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo TCTD xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD.

“Tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt”, ông Du thông tin.

Đối với câu chuyện lãi suất, Phó Thống đốc nêu quan điểm, lãi suất thấp như hiện nay duy trì càng lâu càng tốt. Trước câu hỏi liệu lãi suất có giảm thêm nữa không, Phó Thống đốc cho biết còn phụ thuộc vào tình hình chung, tuy nhiên, hy vọng năm 2021 vẫn tiếp tục xu hướng tích cực như kiểm soát dịch bệnh tốt… để điều hành lãi suất ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục vay vốn.

“Lãi suất ưu đãi sẽ luôn tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên của nhà nước. Đối với tăng trưởng tín dụng năm 2021, ông Tú cho biết, con số định hướng cho điều hành có thể là 12% nhưng tuỳ theo điều kiện thực tế của thị trưởng có thể trên và thấp hơn tỷ lệ này. Tỷ giá ổn định trên cơ sở cân đối cung cầu ngoại tệ, trong bối cảnh luôn giám sát được trạng thái ngoại tệ của NHTM và doanh nghiệp”, Phó Thống đốc nói.

Về câu chuyện tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN thông tin thêm, đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

“Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được đẩy mạnh, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Đến nay, 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 98,6% trên tổng số thu Ngân sách Nhà nước của cơ quan hải quan được thực hiện qua phương thức điện tử; doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%... Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được rà soát, bổ sung và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Dũng cho biết.

Tin bài liên quan