“Các Sở GDCK cần công bố mức độ margin ở từng cổ phiếu”
Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS)
Ngày 14/07/2017, HOSE công bố danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện được giao dịch ký quỹ (margin), trong đó có một số mã bất ngờ bị cắt margin với lý do chậm nộp thuế như APC, HU3, TDH, TRA…
Dù vậy, diễn biến giá những cổ phiếu này vào phiên giao dịch 17 và 18/7 là khác nhau. Có mã tăng có mã giảm, thậm chí APC tăng trần còn TDH lại giảm sàn.
Nói cách khác, tuy có ý kiến cho rằng, việc cắt margin bất ngờ đem lại rủi ro cho cổ phiếu liên quan, nhưng thực tế rủi ro đó là khác nhau. Điều này có thể lý giải là do mức độ margin ở các mã đó khác nhau, hoặc có cổ phiếu đang có tin tốt hỗ trợ.
Theo quan điểm của tôi, quy định của HOSE hay kể cả HNX về chứng khoán được phép và không được phép giao dịch ký quỹ dù có những điểm hơi cứng nhắc, nhưng nhìn chung đang góp phần mang lại công bằng và minh bạch trên thị trường, cũng như bảo vệ nhà đầu tư.
Margin là dịch vụ kích cầu ngắn hạn cho nhà đầu tư, chủ yếu dành cho giao dịch lướt sóng, nên thanh khoản là yếu tố quan trọng nhất. Tuy nhiên, chất lượng doanh nghiệp có cổ phiếu được margin cũng là một yếu tố phụ đáng để áp dụng, nhất là ở khía cạnh bảo vệ nhà đầu tư trước những cổ phiếu đang có rủi ro. Bởi vì, thực tế có không ít nhà đầu tư thích đảo nợ margin khi đến hạn hoặc khi kẹt hàng, không muốn cắt lỗ, việc này dẫn đến giao dịch đó trở thành khoản đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.
Do đó, tôi nghĩ, hiện tại, các Sở cũng không cần phải sửa những quy định như thế này. Tuy nhiên, cũng vì lý do hiện nay, có rất nhiều cổ phiếu được phép margin, cũng như mức độ margin ở các mã khác nhau cũng cao thấp khác nhau, càng cao thì cổ phiếu càng có rủi ro giảm giá khi gặp thông tin tiêu cực, nên tôi đề nghị các Sở sớm công bố, có thể định kỳ hàng tuần, mức độ margin ở từng cổ phiếu, dựa trên tổng hợp báo cáo từ các công ty chứng khoán thành viên.
Theo tôi hiểu, số liệu các Sở đều đã có, chỉ cần tổng hợp và đưa lên website mà thôi.
Khi số liệu được công khai minh bạch, dĩ nhiên nhà đầu tư sẽ né những mã đang bị margin cao, cũng như không bị bất ngờ trước những quy định như đã nói ở trên.
“Cần xem xét giảm hoặc cắt margin dựa trên mức truy thu thuế có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN”
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI)
Việc cắt margin đối với các DN còn nợ thuế là biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, nhưng nếu không quy định rõ ràng mức nợ thuế bao nhiêu thì bị cắt margin, cắt giảm về mức nào và trường hợp nào sẽ bị cắt về 0% thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và nhà đầu tư.
Trường hợp cổ phiếu nhỏ, thanh khoản kém…, thì thông tin này nhà đầu tư có thể không quan tâm, nhưng với những cổ phiếu hút dòng tiền thì lại có tác động rất lớn.
Do vậy, nếu mức truy thu thuế nhỏ, không ảnh hưởng đến tài chính DN và hoạt động kinh doanh công ty mà bị cắt margin về 0% là rất rủi ro. Bởi room margin nhiều cổ phiếu ở các CTCK có thể lên đến cả trăm tỷ đồng, nếu cắt margin ngay lập tức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến diễn biến giá cổ phiếu và ảnh hưởng này có tính liên đới nhà đầu tư - CTCK - thị trường.
Ngoài ra, trong tương lai, nhà đầu tư luôn có tâm lý “nơm nớp” lo sợ đầu tư cổ phiếu vì không biết DN có bị truy thu thuế trong tương lai hay không, đặc biệt ở những DN đã từng bị truy thu thuế thì càng làm nhà đầu tư e ngại hơn
Do vậy, cơ quan nhà nước cần xem xét lại, có quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn, giá trị truy thu thuế bao nhiêu sẽ bị giảm margin, hoặc cắt margin.
Cần cho thời gian để soát xét vấn đề truy thu thuế và yêu cầu DN giải trình rõ vì sao và khả năng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong bao lâu. Từ đó mới đưa quyết định trên thị trường là cắt hay không.
Bên cạnh đó, thời gian từ khi chi cục thuế thông báo DN bị truy thu thuế đến khi UBCK hoặc Sở đưa thông tin ra thị trường là cắt margin cần được giãn ra để CTCK, nhà đầu tư xử lý kịp.
“Cần có khoản thời gian giữa thời điểm thông báo xử phạt và thời điểm chính thức căt margin”
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS)
Có thể sử dụng biện pháp cắt margin như một chế tài bổ sung để xử lý đối với các doanh nghiệp niêm yết đã vi phạm pháp luật về thuế. Từ đó, DN phải có ý thức cao trong việc tuân thủ pháp luật về thuế.
Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này không hợp lý hoặc quá bất ngờ, thì chắc chắn sẽ tạo ra các rủi ro bất ngờ đối với hoạt động giao dịch cổ phiếu của DN trên thị trường.
Lúc này, rủi ro không chỉ là giá cổ phiếu của DN suy giảm, mà nó còn tác động trực tiếp tới lợi ích của cổ đông là các nhà đầu tư trên TTCK.
Trong trường hợp các DN có quy mô lớn, thì nó sẽ ảnh hưởng cả tới các chỉ số chung của thị trường.
Rõ ràng, đây là một rủi ro lớn với nhiều đối tượng, trong khi chế tài với mục đích nhằm vào sai phạm của doanh nghiệp.
Do đó, để cân bằng được việc áp dụng chế tài này thì cần có quy định rõ ràng các vấn đề sau.
Thứ nhất, xác định rõ mức độ vị phạm tới đâu thì áp dụng chế tài cắt margin.
Thư hai, xác định thời điểm thông báo xử phạt và thời điểm chính thức căt margin, nên có một khoảng thời gian tối thiếu là 1 tuần giữa 2 thời điểm này để bản thân doanh nghiệp có cơ hội khác phục, đồng thời cũng để cho nhà đầu tư trên thị trường được cảnh báo trước qua đó tự có giải pháp hạn chế rủi ro trong giao dịch đối với các DN này.