Nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất

Nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất

(ĐTCK-online) Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong 6 tháng cuối năm 2011, trong đó sẽ uyển chuyển thực hiện một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá sao cho hiệu quả hơn. Thông điệp này được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tái khẳng định tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII ngày 21/7.

Từ nay đến cuối năm, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Chính phủ sẽ vẫn thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý theo quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là vào các thời điểm mùa vụ sản xuất - kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao. Ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ... Duy trì chính sách tỷ giá linh hoạt, hợp lý để bình ổn thị trường và tăng dự trữ ngoại hối; tăng cường giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng.

"Tiếp tục sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất xuống mức phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, bảo đảm thanh khoản của hệ thống tín dụng, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc điều hành chính sách tài khoá sẽ vẫn được Chính phủ thực hiện nhất quán theo hướng thắt chặt, phối hợp hài hoà với thực hiện chính sách tiền tệ nhằm giảm tổng cầu, giảm sức ép lạm phát trong các năm 2011 - 2012. Lời giải cho bài toán này là nỗ lực tăng thu, giảm chi, phấn đấu vượt 7 - 8% dự toán thu năm 2011, đồng thời tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách thấp hơn mức Quốc hội quyết định. Trong đó, chú trọng rà soát, cắt giảm vốn đầu tư của Nhà nước vào những công trình, dự án không hiệu quả... Kiểm soát chặt thị trường, giá cả, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Thực hiện điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Kèm theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu…

Khi thẩm tra các giải pháp điều hành trên của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, tuy thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa đã gây một số khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhưng những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, cần tiếp tục thực hiện nhất quán và cương quyết.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền lưu ý, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt hơn theo hướng vừa bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, vừa đúng liều lượng, nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, SXKD. Tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng theo hướng đưa các hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng vào thị trường có tổ chức, động viên và khai thác nguồn lực xã hội; điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, linh hoạt, không để VND lên giá, ảnh hưởng đến xuất khẩu; đồng thời có biện pháp điều tiết hợp lý dòng chu chuyển vốn giữa ngoại tệ và VND, tránh đầu cơ hoặc tăng cầu quá mức bất cứ đồng tiền nào, gây sức ép về tỷ giá trong tương lai.

"Khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công và có hướng dẫn đồng bộ, kịp thời; đồng thời phải bảo đảm tính linh hoạt trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, từng lĩnh vực...", ông Hiền nói.

Ủy ban Kinh tế cũng định hướng Chính phủ chú trọng thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Tìm kiếm giải pháp phù hợp, qua đó hỗ trợ DN tiếp cận được vốn vay với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất, cùng với đó là tổ chức triển khai có hiệu quả các phương án miễn, giảm, giãn một số sắc thuế. Tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh sắp xếp lại để nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động. Để hạn chế tối đa nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu, Chính phủ cần khẩn trương ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện thông quan đối với một số mặt hàng cụ thể, cũng như danh mục các loại hàng hoá cần hạn chế nhập khẩu.