Nhà xưởng của Nishu Nam Hà sau vụ cháy

Nhà xưởng của Nishu Nam Hà sau vụ cháy

NISHU Nam Hà nghi ngờ VNI gian dối

(ĐTCK) Liên quan đến vụ NISHU Nam Hà kiện Bảo hiểm Hàng không, đại diện công ty bảo hiểm này cho biết: “VNI bình tĩnh chờ phán quyết của Tòa án”.

Ngay sau khi ĐTCK số 27 đăng tải bài viết: “NISHU Nam Hà kiện Bảo hiểm Hàng không”, lãnh đạo CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã có buổi làm việc với các cơ quan báo chí để giải trình rõ vụ việc. Tại buổi làm việc này, ông Tạ Chiến, Phó tổng giám đốc VNI cho biết: “VNI bình tĩnh chờ phán quyết của Tòa án”.

 

Nghi ngờ gian dối

Đại diện VNI thừa nhận, giữa 2 bên có ký hợp đồng bảo hiểm đúng như CTCP NISHU Nam Hà phản ánh. Vì vậy, khi vụ cháy xảy ra, “xác định đây là tổn thất lớn, phức tạp”, Công ty đã mời cơ quan giám định độc lập tới kiểm tra hiện trường, hướng dẫn NISHU thu thập hồ sơ, chứng từ để phục vụ cho việc giải quyết bồi thường sau này.

VNI cũng đã làm việc với cơ quan công an để xác định trách nhiệm bảo hiểm và đang chờ cơ quan công an ra kết luận chính thức. Nhưng đến thời điểm này, cơ quan công an vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ cháy. Theo ông Chiến, VNI cũng đã nhiều lần làm việc với NISHU Nam Hà và do không tìm được tiếng nói chung, NISHU Nam Hà đã kiện VNI ra tòa. Nếu việc hòa giải không thành thì VNI sẽ thực hiện theo phán quyết của Tòa án.

Trở lại diễn biến của vụ việc, sau khi 2 bên ký hợp đồng bảo hiểm, ngày 11/11/2010, VNI đã phát hành hóa đơn thu phí bảo hiểm. Ngày 14/12/2010, NISHU Nam Hà đã nộp phí bằng ủy nhiệm chi qua ngân hàng. Đến đêm 3/1/2011 thì xảy ra vụ cháy nhà xưởng sản xuất của NISHU Nam Hà.

Trong khi 2 bên đang tiến hành giải quyết vụ việc thì bất ngờ, ngày 1/2/2011, NISHU Nam Hà nhận được Công văn số 03/CV-VPKV5 đề ngày 20/12/2010 với nội dung thông báo hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn phí bảo hiểm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên ĐTCK về việc VNI có đầy đủ bằng chứng để chứng minh công văn trên được gửi đi đúng thời điểm phát hành hay không, lãnh đạo VNI thừa nhận không có bằng chứng về việc này. Trong khi đó, NISHU Nam Hà cho biết, có đầy đủ bằng chứng khẳng định công văn trên được gửi đi bằng hình thức bưu phẩm CPN EMS ngày 31/1/2001. Ông Đỗ Việt Anh, Giám đốc CTCP NISHU Nam Hà bức xúc: “Chúng tôi có các bằng chứng chứng minh VNI lùi ngày phát hành công văn, thư tín để hợp thức hóa các mốc thời gian, lấy đó làm căn cứ từ chối bồi thường”.

 NISHU Nam Hà nghi ngờ VNI gian dối ảnh 1

Lòng vòng... chối trách nhiệm

Lãnh đạo VNI cho biết, đến ngày 5/4/2011, VNI đã có văn bản số 377/CV-VPKV5 thông báo từ chối bồi thường tổn thất do cháy nhà xưởng sản xuất sơn của CTCP NISHU Nam Hà với lý do “các hợp đồng bảo hiểm trên trong tình trạng nộp phí chậm nên không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm”. Đại diện pháp lý của VNI cho biết, việc ra văn bản từ chối bảo hiểm trên sau khi đã tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật và công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Để chứng minh điều này, VNI đã đưa ra Công văn số 8458/BTC-QLBH ngày 28/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn chung về việc chậm nộp phí theo thời hạn thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, phúc đáp Công văn số 545/CV-PCKTNB ngày 16/5/2011 của VNI về “đề nghị cho ý kiến chính thức về việc công ty bảo hiểm có đủ cơ sở pháp lý để từ chối bồi thường đối với trường hợp khách hàng chậm nộp phí hoặc không nộp phí đầy đủ và đúng hạn theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm”.

Đáng chú ý là trong công văn của VNI gửi Bộ Tài chính không hề đề cập đến vụ việc và diễn biến cụ thể của vụ tranh chấp giữa VNI và NISHU Nam Hà.

Một mặt gửi văn bản từ chối bảo hiểm nhưng mặt khác, VNI vẫn đưa ra lý do chậm giải quyết vụ việc là đang chờ kết luận của cơ quan công an về nguyên nhân vụ cháy. Tuy nhiên, tại Công văn số 52/CV ngày 25/1/2011 gửi VNI, Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Duy Tiên, Nam Hà đã chính thức thông báo: “Ngày 20/1/2011, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Duy Tiên, Hà Nam đã ra quyết định trưng cầu Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an giám định xác định nguyên nhân vụ cháy. Kết quả điều tra đến nay chưa thấy có dấu hiệu nào nghi vấn đến việc phá hoại tài sản của công ty”. Ông Đỗ Việt Anh bức xúc: “Cơ quan công an đã có thông báo khẳng định vụ cháy không có dấu hiệu phá hoại tài sản của công ty. Do vậy, sẽ không có việc cơ quan công an khởi tố vụ án, ra kết luận điều tra và gửi các bên. Lẽ nào VNI không hiểu luật mà lại chờ đợi như vậy?”.

Cũng tại buổi làm việc trên, lãnh đạo VNI thừa nhận, công tác quản trị doanh nghiệp chưa tốt, dẫn đến việc quản lý hoạt động của các văn phòng đại diện ở nhiều khu vực chưa được chặt chẽ. “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công ty đã nhiều lần triệu tập nhân viên thực hiện hợp đồng trên lên Công ty để báo cáo nhưng nhân viên đó không đến mà chỉ gửi báo cáo rất sơ sài về vụ việc nên công ty không có đủ cơ sở để giải quyết tốt vụ việc với khách hàng”, đại diện pháp lý của VNI thừa nhận.      

   

 Nhiều công văn giấy tờ đã được NISHU Nam Hà đưa ra để bảo vệ quyền lợi của mình

Hiện tại, VNI không đưa ra được bằng chứng về thời gian phía NISHU  nhận được Công văn số 03/CV-VPKV5, đề ngày 20/12/2011, do VNI phát hành thông báo chấm dứt các hợp đồng bảo hiểm số 081000587 và số 081000670. Theo khoản 2, Điều 79,  Bộ luật Tố tụng dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ chứng minh của đương sự như sau: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh”.

 

Như vậy, có thể nói rằng, các hợp đồng bảo hiểm nêu trên đương nhiên vẫn có hiệu lực theo thời hạn đã thỏa thuận tại hợp đồng và tổn thất xảy ra với đối tượng bảo hiểm vào ngày 3/1/2011 nằm trong thời hạn của hợp đồng bảo hiểm. Việc VNI từ chối giải quyết bồi thường vì cho rằng hợp đồng đã bị hủy bỏ trước khi sự  kiện bảo hiểm xảy ra là không có căn cứ chứng minh hợp pháp.

 

(Trích công văn của Công ty Luật hợp danh Nghiệp Hưng trả lời CTCP NISHU Nam Hà ngày 24/2/2012)