Biên lãi ròng bình quân các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh trong quý III/2020

Biên lãi ròng bình quân các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh trong quý III/2020

NIM ngân hàng tăng, nửa mừng nửa lo

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Không những không giảm, NIM bình quân quý III/2020 còn tăng 39 điểm phần trăm lên 3,67% - mức cao nhất trong 12 quý qua, khiến các ngân hàng vừa mừng, vừa lo.

Vì sao tăng?

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trịnh Thị Thanh, Quyền Giám đốc Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB cho biết, tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) tăng chủ yếu do lãi suất huy động giảm, bên cạnh đó là cơ cấu nợ Covid-19 và giảm lãi suất vay cũng tác động chậm hơn so với tốc độ giảm của lãi suất huy động.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Vietcombank cũng cho thấy, NIM đã tăng hơn 17 điểm phần trăm so với quý liền trước, lên mức 3,01% nhờ chi phí vốn bình quân giảm 22 điểm phần trăm. Cụ thể, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tăng lên mức 30,5% sau khi chạm đáy ở mức 28,8% trong quý II/2020 chủ yếu từ khách hàng doanh nghiệp lớn khi hoạt động kinh tế phục hồi, trong khi tiền gửi khách hàng không thay đổi.

Về lãi suất huy động, trong quý III, Vietcombank tiếp tục cắt giảm 80-100 điểm phần trăm so với quý II/2020 đối với tất cả các kỳ hạn. Đây là mức giảm cao nhất và nhiều hơn 20 điểm phần trăm so với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối khác. Theo đó, lãi suất huy động bình quân quý III tiếp tục giảm 27 điểm phần trăm so với quý II xuống mức 3,2%/năm - thấp nhất trong 4 năm qua.

Một phần lớn trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay có lãi suất được tham chiếu theo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nên khi lãi suất huy động tại các ngân hàng này giảm đã kéo lãi suất tham chiếu giảm theo. Tuy vậy, các ngân hàng cũng đã cố gắng giữ lợi suất trái phiếu bình quân quý III/2020 không đổi so với quý trước với việc đầu tư thêm vào trái phiếu do ngân hàng khác phát hành, dao động từ 5,1-8,9%/ năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay quý III tăng trở lại 13 điểm phần trăm so với quý II/2020 nhờ mở rộng cho vay bán lẻ lợi suất cao.

Nợ xấu không thể hiện hết bởi được phép chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, từ đó các ngân hàng có thể không trích lập dự phòng rủi ro đúng

Tại BIDV, NIM quý III/2020 của ngân hàng này tăng tới 60 điểm phần trăm so với quý II, lên mức 2,57%, phản ánh mức chênh lệch tích cực giữa lợi suất cho vay và chi phí vốn, giúp tăng thu nhập lãi thuần lên 9.100 tỷ đồng (tăng 31,8% so với quý II). Lợi suất cho vay trung bình trong quý III ở mức 8%, tăng 41 điểm cơ bản so với quý II do gói hỗ trợ dành cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 trị giá 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD (kể từ ngày 21/2/2020) dần hết hạn.

Lợi suất cho vay trung bình tăng còn do BIDV tập trung vào các khoản cho vay cá nhân và cho vay dài hạn. Lãi suất huy động của BIDV giảm thêm từ 55-90 điểm cơ bản trong quý III/2020, trong khi CASA tăng lên 17,3% từ mức 15,8% của quý II. Điều này khiến lợi suất huy động trung bình trong quý III/2020 giảm còn 4,78% (giảm 46 điểm cơ bản so với quý II).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi suất huy động của BIDV giảm từ 160-250 điểm cơ bản cho tất cả các kỳ hạn, kéo giảm lợi suất huy động trung bình về mức 5,19% (giảm 32 điểm cơ bản so với mức trung bình năm 2019). Các khoản tiền gửi lãi suất cao đang dần hết hạn và lãi suất huy động đã giảm 20-40 điểm cơ bản trong tháng 10. Gói hỗ trợ trị giá 110.000 tỷ đồng cũng sẽ đáo hạn vào ngày 31/12/2020, nên hệ số NIM được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới.

“Dự báo NIM của BIDV sẽ tăng từ mức trung bình 9 tháng đầu năm 2020 là 2,33% lên mức 2,49% trong cả năm 2020 và 2,61% cho năm 2021. Và không chỉ khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, NIM của các ngân hàng tư nhân như ACB, TPBank, MB, Techcombank… cũng tăng mạnh trong thời gian tới”, một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.

Tăng NIM, sẵn sàng cho kịch bản xấu

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại phía Nam thừa nhận, lãi suất huy động giảm rất mạnh thời gian vừa qua, trong khi lãi suất cho vay không giảm tương xứng nên làm “phình” NIM. Nợ xấu không thể hiện hết bởi được phép chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, từ đó các ngân hàng có thể không trích lập dự phòng rủi ro đúng. Tuy nhiên, đây là chi phí tiềm ẩn trong báo cáo tài chính, nên quỹ dự phòng của các ngân hàng phải đủ lớn để đù đắp. Cũng vì lý do này mà các ngân hàng phải “nhỏ giọt” hạ lãi suất cho vay, cho dù lãi suất huy động giảm sâu.

“Trong báo cáo tài chính của hầu hết các ngân hàng hiện tiềm ẩn nhiều chi phí liên quan đến dự phòng rủi ro nợ do không chuyển nhóm nợ. Vậy nên các ngân hàng muốn hay không đều phải chuẩn bị dự phòng riêng, cụ thể ở đây là NIM phải đủ lớn để khi cần xử lý thiệt hại là có lợi nhuận để xử lý”, vị này nói.

Báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, mặc dù chi phí dự phòng trong quý III/2020 tăng 18% so với quý II và phần lớn trong đó được sử dụng cho mục đích xóa nợ, nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn tăng lên. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu quý III/2020 chỉ nhích nhẹ lên 90,6% từ mức 90% của quý II. Tỷ lệ nợ xấu tại phần lớn các ngân hàng thương mại đều tăng từ 0,2-0,7%; tổng nợ xấu tại ngày 30/9/2020 là 91.200 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối quý II.

Báo cáo tài chính của TPBank cho thấy, tỷ lệ nợ xấu quý III/2020 tăng 31 điểm phần trăm so với quý II, lên mức 1,77%, đưa ngân hàng này vào vùng trung bình của các ngân hàng niêm yết. Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng 3 điểm phần trăm so với quý trước, lên mức 1,95%, ngược với xu hướng giảm của các ngân hàng cùng hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu cho vay cá nhân tăng 39 điểm phần trăm so với đầu năm, lên mức 1,87%, phần lớn đến từ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tỷ lệ nợ xấu ở mức cao, khoảng 3% đối với dư nợ mua ô tô, trong khi tỷ lệ nợ xấu mua nhà ở mức thấp là 0,46%.

Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu quý III/2020 của TPBank giảm xuống 92,6% từ mức 113,3% trong quý II. Dư nợ tái cấu trúc ở mức 8.000 tỷ đồng, chiếm gần 6,4% tổng tín dụng - mức cao thứ hai trong số các ngân hàng niêm yết. Trong đó, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 3.000 tỷ đồng, tương đương 37,5%. Một lãnh đạo cao cấp ngân hàng này cho biết: “Trong kịch bản xấu nhất, khoảng 4-5% dư nợ tái cấu trúc có thể trở thành nợ xấu, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng thêm 0,3-0,4%”.

Tại HDBank, các chỉ số chất lượng tài sản tính đến cuối tháng 9/2020 có dấu hiệu suy giảm, với tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,39% so với mức 1,12% vào cuối quý II và tỷ lệ bao nợ xấu giảm xuống mức 70% so với mức 84% vào cuối quý II. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu tăng trong quý III xuất phát từ một khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, nợ của khách hàng này đã được phân loại trở lại vào nợ nhóm 1 nhờ hoạt đông kinh doanh phục hồi, giúp tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao nợ xấu trở lại mức bình thường vào cuối tháng 10/2020.

Lãnh đạo cấp cao một công ty kiểm toán nhận định: “Vẫn cần thận trọng đối với chất lượng tài sản do dư nợ tái cấu trúc của HDBank đã tăng lên. Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, dư nợ tái cấu trúc theo Thông tư 01 chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ, tương đương 7.900 tỷ đồng”.

Theo tính toán của SSI, lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 của ngành ngân hàng ước giảm 22,1% so với cùng kỳ 2019 do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% và chi phí dự phòng tăng 47,8%.

Tin bài liên quan